“Bàn phím cơ” hiện nay đã không còn được coi là sản phẩm quá xa xỉ nữa! Mặc dù vẫn có những sản phẩm có giá bán lên tới chục triệu Đồng, đắt bằng cả chiếc xe máy nhưng cũng đã có rất nhiều lựa chọn ở tầm giá bình dân với chất lượng không hề tệ một chút nào. Đem tới rất nhiều những tính năng hiện đại như Bluetooth 5.1, Dongle 2.4G và sử dụng switch Cherry MX nổi tiếng, chiếc Royal Kludge RK84 đang được nhiều những reviewer nước ngoài cũng như người dùng Việt đánh giá cao.
Đi kèm với những ưu điểm mà ta có thể nhìn trên giấy, chiếc bàn phím này vẫn ẩn chứa những nhược điểm gì mà bạn cần phải biết?
Trước khi đi vào tìm hiểu sản phẩm, tôi không hiểu rõ được ý nghĩa của tên hãng nên đã nhờ sự trợ giúp của Google. Theo đó, “Kludge” là một từ chỉ các sản phẩm được hoàn thiện một cách vụng về, dở dang và kém chất lượng. Vậy “Royal Kludge” có nghĩa là “Sản phẩm kém hoàn thiện của hoàng gia”? Cách đặt tên thương hiệu và cả sản phẩm của những hãng Trung Quốc từ trước đến nay vẫn vậy, khó hiểu và có đôi phần hài hước!
Bỏ vấn đề đó qua một bên và hãy cùng tiến hành đập hộp. Hộp của RK84 được làm bằng giấy bìa, có vẻ không cứng cáp cho lắm vì khi đến tay tôi cũng đã có những vết nhăn, rách nhỏ.
Những phụ kiện trong hộp của bàn phím bao gồm một dây USB Type-C dài, Dongle 2.4G, một chiếc tháo keycap và 2 chiếc chân để nâng cao phím.
Và đây là nhân vật chính của chúng ta ngày hôm nay, chiếc bàn phím cơ Royal Kludge RK84. Là sản phẩm ở tầm giá bình dân, không bất ngờ khi mà phím được hoàn thiện hoàn toàn bằng nhựa, với phiên bản mà ta có là màu trắng.
Ở mặt sau ta có một khe nhỏ để đặt Dongle, được tích hợp nam châm để nó không rơi ra ngoài.
Bàn phím được thiết kế để có độ dốc 8 độ…
… và khi lắp thêm 2 chiếc chân vào thì sẽ nâng lên 12 độ. 2 chiếc chân này được gắn vào phím cũng bằng nam châm và có cao su ở dưới đáy để tránh trơn trượt. Thiết kế này khá hay, nhưng người dùng cần giữ kỹ 2 chiếc chân này khi tháo ra nếu không muốn mất.
Như đã đề cập, đây là một chiếc bàn phím có khá nhiều những cách kết nối khác nhau. Ngoài cắm dây bằng cổng USB Type-C thì ta có cả Bluetooth và Wireless 2.4G. Ở mặt sau có tới 2 công tắc, một để tắt / mở phím (chế độ tắt dùng để sử dụng có dây) và một để chuyển giữa 2 chế độ không dây.
Phần viền phải của phím có logo của hãng. Royal Kludge quảng cáo các sản phẩm của mình là “dành cho game thủ” nên logo cũng dùng phông khá “game thủ” luôn.
Ở phía sau phím, ngoài cổng USB Type-C để kết nối máy tính kiêm sạc thì ta có thêm 2 cổng USB Passthrough nữa. Với cổng này ta có thể cắm thêm chuột, nhưng không thích hợp để làm cổng đọc dữ liệu hoặc sạc smartphone vì chỉ là chuẩn 2.0. Tôi có cắm thử S10 Plus vào thì thấy hiện lên là sạc… 4 tiếng sẽ đầy pin!
Viền xung quanh phím được làm khá là dày, lên tới 5mm. Điểm đặc biệt là ở đây là ta có thể tháo nó ra, để lộ phần switch ở dưới như ảnh phía trên. Hiện nay cũng đã ít hãng sử dụng kiểu thiết kế này vì có thể làm bụi bay vào phím từ phía bên cạnh, nên tôi cũng không tháo phần viền của RK84 ra làm gì cả.
Bàn phím 60% (trên) và RK84 (dưới)
Trở lại với phần quan trọng nhất của phim là mặt trên! Royal Kludge RK84 đúng như cái tên của mình thì có tổng cộng 84 phím, hay còn được gọi là layout 75%. Layout này nhỏ hơn so với Tenkeyless 2 hàng phím ở bên phải, nhưng chỉ mất 3 phím là Insert, Scroll Lock và Windows phải. Đối với loại phím 60% tôi đang sử dụng, RK84 sẽ bổ sung thêm được hàng phím Function và một vài phím điều hướng nhanh.
Kiểu thiết kế này sẽ thích hợp với những ai quen di chuyển con trỏ bằng bàn phím, cần những phím như Page Up, Down và Home, End; kèm theo đó là game thủ chơi những tựa game cần tới hàng Function phía trên – sẽ phải bấm bằng tổ hợp 2 phím trên các phím nhỏ hơn.
Trái ngược với việc có đầy đủ phím là kích thước lớn so với những loại phím không dây khác (thường là 60% – 65%) khiến RK84 có tính di động thấp hơn. Bàn phím 60% tôi có thể cho vào túi và nhét cốp xe loại vừa, nhưng với RK84 thì có lẽ sẽ phải nhờ đến sự trợ giúp của xe có cốp “siêu to khổng lồ” như Lead hay Piaggio. Bên cạnh đó, những phím như Shift, Alt, Fn và Ctrl phía bên tay phải cũng sẽ có kích thước ngắn hơn thông thường, nên việc tìm keycap thích hợp sẽ khó hơn một chút so với 60% hoặc Tenkeyless.
Như thường lệ, các sản phẩm có giá bán thấp nhiều tính năng cũng sẽ phải có những điểm cắt giá thành ở đâu đó. Đầu tiên, keycap được Royal Kludge sử dụng với RK84 là dạng ABS chứ không phải PBT, nếu sử dụng lâu sẽ có thể bị bóng dầu giống như những loại phím văn phòng rẻ tiền. Keycap cũng được đúc khá là mỏng, không cho cảm giác cao cấp. Vì vậy mà những ai mua chiếc bàn phím này thì có lẽ nên bỏ ra thêm một chút kinh phí nữa để nâng cấp keycap tốt hơn.
Keycap ABS Double-shot của RK84 được làm khá mỏng
Tiếp theo là về vấn đề phần mềm. Theo quảng cáo của hãng, RK84 được đi kèm một phần mềm điều khiển để gán chức năng, macro và điều khiển đèn của phím. Sau khi tôi truy cập trang web của hãng và tải nó về, mặc dù đã gắn phím vào máy nhưng phần mềm vẫn hiện thông báo là không nhận ra phím. Dù có tải lại, gắn phím lại hay thử cách nào thì vẫn gặp lại lỗi tương tự.
Thông báo không nhận phím khi khởi động phần mềm
Tham khảo những đánh giá của bàn phím này trên Amazon, tôi gặp một đánh giá khá đáng lo ngại. Anh này sau khi tải phần mềm của phím về máy thì được công cụ diệt virus Avira báo rằng đã tải về…malware!
Phần mềm của RK84 thậm chí còn bị nhận là malware bởi Avira
Thực chất, rất nhiều những tính năng của Rk84 đã được hãng gắn sẵn trên phím rồi. Ta có thể điều khiển nhạc, bật tắt và thay đổi hiệu ứng đèn, kết nối các thiết bị Bluetooth, chuyển layout cho Mac và Windows mà không cần dùng tới phần mềm. Nhưng việc hãng quảng cáo là có phần mềm nhưng lại không sử dụng được, còn chưa kể là còn bị coi là virus nữa cũng làm tôi hơi thất vọng.
Các hiệu ứng đèn của phím phiên bản một màu trắng, ngoài ra còn có bản RGB với giá bán cao hơn
Trở lại với tính năng cơ bản nhất của phím là để… nhập liệu. Theo lý thuyết, trong 3 chế độ kết nối thì Bluetooth sẽ có độ trễ cao nhất, sau đó đến Dongle 2.4G và cuối cùng là kết nối có dây. Hãng cũng đã sử dụng chuẩn Bluetooth 5.1 gần như là mới nhất hiện nay, nên độ trễ kể cả khi dùng kết nối này cũng không thể nhận ra được.
Với kết nối không dây, viên pin 3750mAh theo các đánh giá thực tế của người dùng thì kể cả bật đèn cũng có thể dùng được trong 2 tuần. Tôi thường tắt đèn nền vào ban ngày, chỉ bật đèn lên lúc trời đã tối và chỉ sử dụng trong 1 tuần nên suốt quá trình trải nghiệm phím không thể hết pin được. Chiếc Anne Pro II với viên pin nhỏ hơn khá nhiều cũng đã không làm tôi cảm thấy bận tâm về vấn đề pin sạc, nên RK84 với dung lượng lớn hơn gấp đôi thì chắc chắn sẽ là điều tương tự.
Thử tiếng gõ bàn phím Royal Kludge RK84 / Cherry Brown
Về switch, ta có 2 lựa chọn là switch của chính hãng tự làm và Cherry MX từ Đức. Phiên bản tôi đánh giá sử dụng Cherry Brown và không có khả năng thay switch vì nó đã được hàn chết vào bảng mạch ở dưới rồi. Với những ai đã biết chắc rằng mình thích loại switch nào thì có thể mua loại hàn sẵn, còn với ai muốn khám phá những loại switch khác nhau thì hãy chuyển qua loại hotswap.
Switch của RK84 được lắp ngược để thêm đèn LED
Mỗi loại switch sẽ cho một kiểu tiếng khác nhau, nhưng khi so sánh với các bàn phím khác có cùng Cherry Brown thì RK84 cho tiếng nhấn xuống khá đầm, không cho cảm giác như phím bị rỗng ở bên trong (các phím giá rẻ thế hệ cũ thường gặp vấn đề này), nhưng tiếng khi phím nảy lên thì lại hơi đanh vì keycap làm mỏng. Vì vậy mà việc thay keycap không chỉ giúp phím không dính bẩn, đẹp hơn theo thời gian mà sẽ còn tạo ra tiếng gõ hay hơn nữa!
Phần cân bằng những phím dài (stablizer) đã được hãng bôi mỡ (lube) sẵn, nên không tạo ra những tiếng lọc cọc nhiều, chỉ khi nhấn riêng phím dài nhất là Space và nghe kỹ thì ta mới có thể thấy được thôi. Ta cũng không thể đòi hỏi một bàn phím giá rẻ lại có stablizer “im như chuột” được.
Vẫn là lựa chọn tốt dành cho những ai không quá kỹ tính
Royal Kludge trên trang web của mình cũng như tại Amazon đã hứa hẹn rất nhiều điều trên chiếc RK84, với hàng loạt những tính năng hiện đại khiến ta nghĩ rằng đây là sản phẩm hoàn hảo, làm được tất cả mọi thứ. Nhưng như đã đánh giá, phím vẫn gặp một vài những yếu điểm, trong đó “chí mạng” nhất chắc chắn là phần mềm điều khiển có chất lượng quá kém.
Nếu bỏ qua được yếu điểm này và sẵn sàng bỏ thêm một chút tiền để nâng cấp keycap, đây vẫn sẽ là một lựa chọn tốt với những ai cần một chiếc bàn phím cơ kết nối đa năng và có đầy đủ hàng phím Function. Ngược lại, nếu không cần những điều này thì Anne Pro II hay Keydous NJ68 sẽ là những lựa chọn thay thế đáng cân nhắc.
Theo: Pháp luật & Bạn đọc
Nguồn: genk.vn