Bạn có biết đâu là điện thoại đầu tiên có màn hình Super AMOLED không? Bạn có thể nghĩ rằng đó là chiếc Galaxy S đầu tiên, nhưng không phải vậy, vị trí này thuộc về Samsung S8500 Wave, nó đã đi trước Galaxy S hai tháng.
S8500 Wave chạy hệ điều hành Bada (tiếng Hàn có nghĩa là “đại dương”), là tiền thân của Tizen, hệ điều hành chạy trên TV thông minh của Samsung ngày nay và smartwatch ngày trước của công ty, cho đến khi dòng Galaxy Watch4, chuyển sang Wear OS của Google.
Những phụ kiện kèm theo sản phẩm thật là quá nhiều so với tiêu chuẩn ngày nay
Hãy nói chuyện bên lề một chút. Maemo là một hệ điều hành dựa trên Linux dành cho các thiết bị di động do Nokia phát triển. Intel đã có một hệ thống tương tự có tên là Moblin. Sau đó, hai gã khổng lồ công nghệ đã quyết định kết hợp nỗ lực của họ vào MeeGo (một phần làm nên sự tuyệt vời của Nokia N9).
Nhưng sau đó Nokia đã từ bỏ Intel để theo đuổi Windows Phone. Vì vậy, Intel và những công ty khác – trong số đó có Samsung – đã bắt đầu dự án Tizen như một phần tiếp theo của MeeGo. Samsung đã có hệ điều hành dựa trên Linux của riêng mình vào thời điểm đó, Bada, hệ điều hành này cuối cùng đã được sáp nhập vào Tizen vào năm 2013. Samsung đã là khách hàng chính của Tizen kể từ đó.
Trở lại với S8500 Wave. Ngoài hệ điều hành, nó giống như một chiếc Galaxy S thu nhỏ. S8500 Wave chạy trên cùng một chipset Hummingbird (CPU Cortex-A8 1.0 GHz), một con chip Samsung đời đầu có trước dòng Exynos. Cả hai có cùng camera 5 MP với tính năng tự động lấy nét và quay video 720p, cùng pin 1.500 mAh.
S8500 Wave là một chiếc điện thoại đẹp, còn có jack cắm 3.5 mm và nút camera
Màn hình của Wave nhỏ hơn, 3.3 inch so với Galaxy S (4.0 inch), mặc dù có cùng độ phân giải – 480 x 800 px. Giống như trên Galaxy, màn hình này được bảo vệ bằng kính Gorilla Glass thế hệ đầu tiên.
Màn hình của S8500 Wave có kích thước chỉ 3.3 inch
Và trong khi trước đó đã có các sản phẩm trang bị màn hình AMOLED, thì màn hình này thật đặc biệt. Không có khoảng cách giữa màn hình và kính bảo vệ (đây là một phần làm nên “Super” AMOLED), toàn bộ giao diện dường như nổi trên bề mặt của kính. Tất nhiên, màn hình hiển thị có màu sắc rực rỡ và màu đen thực sự, bạn có thể thấy rõ sự khác biệt khi so với iPhone:
Wave và Galaxy S có thể đã chạy các hệ điều hành khác nhau, nhưng có thể bạn sẽ không phát hiện ngay lập tức – cả hai đều được cài TouchWiz, giao diện người dùng mà Samsung sử dụng cho hầu hết các điện thoại của mình (bắt đầu với điện thoại cảm ứng cơ bản). Phần cứng đủ tương tự để các nhà phát triển có thể đưa Android lên Wave, cho đến phiên bản 4.4 KitKat (2013). Ngay cả bản thân Galaxy S chính thức cũng chỉ hỗ trợ đến tối đa 2.3 Gingerbread.
Samsung S8500 Wave Bada UI demo
Đối với các bản phát hành phần mềm chính thức của Samsung, Wave đã được cập nhật lên Bada OS 2.0 vào cuối năm 2011 với giao diện người dùng được thiết kế lại hoàn toàn và đa nhiệm đầy đủ. Bada 1.x có khả năng chạy đa nhiệm, tuy nhiên, nó hạn chế các ứng dụng của bên thứ ba chỉ chạy một ứng dụng tại một thời điểm (một tính năng tiết kiệm năng lượng). Phiên bản 2.0 đã dỡ bỏ hạn chế đó.
Do cùng có giao diện TouchWiz nên Bada và Android trên máy của Samsung rất giống nhau
Vì nó không chạy Android, Symbian, Window Mobile hoặc bất kỳ hệ điều hành nào đã được thiết lập sẵn khác, Bada cần một cửa hàng ứng dụng, và đã có Samsung Apps. Ban đầu, cửa hàng chỉ có 60 ứng dụng (tất cả đều miễn phí), mặc dù Samsung đã hứa sẽ đưa con số đó lên 100 vào thời điểm điện thoại ra mắt.
Giao diện chuyển đổi ứng dụng và cửa hàng Samsung Apps
Cũng như với Windows Phone, thiếu ứng dụng là một vấn đề lớn. Nếu nền tảng của bạn không có ứng dụng cho các mạng xã hội lớn, ứng dụng nhắn tin tức thì, stream video và các dịch vụ phổ biến khác, thì nền tảng đó sẽ chết.
Dù Samsung vẫn cố gắng phát hành một số điện thoại Wave khác (bao gồm cả Wave II và Wave 3, cùng với các mẫu thấp hơn), thì Bada đã kết thúc nhanh chóng vào năm 2011, chưa đầy hai năm sau khi ra mắt.
Samsung S8600 Wave 3
Một thời gian sau, dòng Samsung Z ra mắt với HĐH Tizen mới, phiên bản kế nhiệm của Bada. Hệ điều hành smartphone này cũng kết thúc nhanh chóng, Samsung Z ra mắt vào năm 2014 và điện thoại Tizen cuối cùng, phiên bản Samsung Z3 Corporate, ra mắt vào giữa năm 2016.
Tất nhiên, Tizen sau đó tiếp tục được sử dụng trong TV thông minh và smartwatch của Samsung, nhưng sau nhiều năm cố gắng, công ty phát hiện ra rằng họ không thực sự cần một hệ điều hành smartphone thay thế cho Android.
TouchWiz cuối cùng cũng đã bị khai tử, hậu quả của việc Samsung sử dụng quá nhiều hệ điều hành điện thoại, hãng đã chuyển sang One UI – một giao diện thực sự dành cho smartphone Samsung.
Ngay cả Microsoft, đối tác sai lầm một thời của Nokia, đã nhận ra bài học rằng một giao diện Android tốt còn đáng giá hơn một hệ điều hành độc quyền. Hiện cả Samsung và Microsoft đều đang hợp tác với Google để triển khai các tính năng mới thú vị cho Android (đặc biệt là cho điện thoại màn hình kép và màn hình gập).
Theo: Pháp luật & Bạn đọc
Nguồn: genk.vn