Nhưng một bằng sáng chế mới cho thấy Apple cuối cùng đã tìm được cách để tạo ra những mẫu MacBook hiện đại với lớp vỏ đen nhám thông qua một kỹ thuật thông minh giúp hút và ngăn ánh sáng không nảy khỏi bề mặt thiết bị.
Nếu gần đây bạn vừa mua MacBook, bạn hẳn biết màu tối nhất có thể mua được là Space Gray (xám không gian), nhưng vẫn còn quá sáng so với màu đen. Vấn đề ở đây là, để sơn màu lên một thiết bị làm từ nhôm, bề mặt của nó cần trải qua một quá trình xử lý anod (mạ điện) để trở nên dễ bám dính hơn, giúp lưu giữ được các chất màu lên trên. Theo bằng sáng chế số 20200383224 của Apple, kim loại đã mạ điện sẽ trông bóng loáng, và bởi mọi ánh sáng chiếu vào đó sẽ phản xạ lại, một lớp sơn dù đen đến đâu cũng sẽ trông như màu xám tối vậy.
Tuy nhiên, một công ty tại Anh tên Surrey NanoSystems đã khám phá ra một cách để tạo ra màu đen nhám hoàn hảo trên gần như bất kỳ vật thể nào. Màu sơn Vantablack của hãng được làm từ các ống nano carbon siêu nhỏ, có khả năng hút và hấp thụ hơn 99,97% ánh sáng nhìn thấy được chiếu vào đó, khiến bề mặt sơn trông tối đến mức nó hoàn toàn trở nên vô hình trước mắt người thường. Vào năm 2018, một vị khách đến thăm bảo tàng đã ngã vào một cái hố sơn màu Vantablack trông như một chấm đen lớn trên mặt sàn. Vấn đề mà Apple gặp phải là vào năm 2016, nghệ sỹ Anish Kapoor đã nắm độc quyền sử dụng màu Vantablack, có nghĩa là công ty không thể sử dụng màu này trên các mẫu MacBook của mình. Điều Anish Kapoor không kiểm soát được là cách hoạt động của màu Vantablack, và đó chính là điều các nhà nghiên cứu của Apple đang tìm hiểu để tái tạo lại màu này bằng những phương pháp khác.
Thông qua một quy trình bao gồm mạ điện bề mặt kim loại (ví dụ: nắp nhôm của MacBook), hoà trộn các hạt màu vào các lỗ rỗng siêu nhỏ của lớp oxit kim loại thu được, và sau đó là áp lên một lớp vật liệu cuối cùng có khả năng hấp thụ ánh sáng, mức độ phản chiếu của bề mặt kim loại sẽ bị giảm đi đáng kể. Một ví dụ của bước cuối cùng nói trên được nêu rõ trong bằng sáng chế bao gồm khắc axit một loạt những hoạ tiết lồi lõm bất thường với độ cao giao động khoảng 2 micromet, khiến ánh sáng bị giữ lại và nảy ngược theo nhiều hướng ngẫu nhiên để tạo ra hiện tượng phản xạ hỗn loạn mà dưới mắt nhìn của người bình thường sẽ cho ra một bề mặt nhám thô ráp.
Khi không có bề mặt bóng loáng, các chất màu như đen sẽ thể hiện một cách rõ ràng hơn, cho phép Apple mang lại những lựa chọn màu sắc tối tăm hơn nữa chứ không chỉ dừng lại ở màu xám không gian. Liệu bề mặt hoàn thiện tối màu này có đen tuyền như màu Vantablack, vốn quá đen đến mức có thể làm mọi đặc điểm về ngoại hình của một vật thể như biến mất khỏi tầm nhìn? Có lẽ là không, nhưng Apple có lẽ cũng không muốn điều đó xét việc họ luôn thích “khoe khoang” thế mạnh thiết kế và làm mọi đặc điểm ngoại hình của các thiết bị trở nên nổi bật trước mắt người tiêu dùng. Điều họ theo đuổi giống như một giải pháp vay mượn một số đặc tính của Vantablack để những mẫu iPhone và MacBook trong tương lai vừa có được độ bền bỉ và chắc chắn của bộ khung nhôm, vừa có được nhiều tuỳ chọn màu sắc sáng sủa giống như những mẫu iMac màu trái cây đặc sắc của nhiều năm trước.
Tham khảo: Gizmodo
Theo: Trí Thức Trẻ
Nguồn: genk.vn