CEO Thế giới di động: Tháng 4 chúng tôi phải đóng 600 cửa hàng, nhưng nay đã mở cửa trở lại hầu hết toàn hệ thống

10:13 Sáng - 24/04/2020
0 Bình luận
1062
bởi Phương Trần

Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc CTCP Thế giới di động, hệ thống Thế giới di động và Điện Máy Xanh đã mở lại gần hết toàn hệ thống (gần 1.000 cửa hàng trên cả nước), chỉ còn lại 18 shop tại hai huyện thuộc nhóm nguy cơ cao tại Hà Nội là Thường Tín và Mê Linh.

Ngày 23/4/2020, Thủ tướng quyết định nới lỏng giãn cách xã hội trên cả nước, trừ một vài khu vực có nguy cơ cao ở Hà Nội (như huyện Mê Linh, Thường Tín), Hà Giang, Bắc Ninh. Còn lại các địa phương khác, Thủ tướng chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ, theo dõi nghiêm ngặt nhưng tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh bình thường của người dân.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, các quán ăn, trung tâm thương mại tại Hà Nội và Tp.HCM trong ngày đầu tiên nới lỏng giãn cách xã hội đã bắt đầu rục rịch mở cửa trở lại. Với các mặt hàng không phải thiết yếu như điện máy, điện lạnh, chúng tôi đã liên hệ với ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc CTCP Thế giới di động, đang vận hành hai chuỗi bán lẻ Thế giới di động và Điện Máy Xanh, về việc khởi động trở lại hoạt động kinh doanh.

 CEO Thế giới di động: Tháng 4 chúng tôi phải đóng 600 cửa hàng, nhưng nay đã mở cửa trở lại hầu hết toàn hệ thống - Ảnh 1.

Sau khi Chính phủ đồng ý nới lỏng giãn cách xã hội, việc mở cửa trở lại các cửa hàng Thế giới di động và Điện Máy Xanh diễn ra như thế nào thưa ông?

Ông Đoàn Văn Hiểu Em: Thời điểm này có thể nói hệ thống Thế giới di động và Điện Máy Xanh đã mở lại gần hết toàn hệ thống (gần 1.000 cửa hàng trên cả nước), chỉ còn lại 18 shop tại hai huyện thuộc nhóm nguy cơ cao tại Hà Nội là Thường Tín và Mê Linh.

Tháng 4/2020, Thế giới di động đã phải đóng cửa khoảng 600 cửa hàng để đáp ứng các yêu cầu về kiểm soát dịch bệnh và cách ly xã hội. Thời điểm hiện tại mặc dù đã mở cửa hầu hết các cửa hàng song chúng tôi vẫn đưa ra các giới hạn để phù hợp với yêu cầu của cơ quan nhà nước như hạn chế lượng khách hàng vào shop, số lượng nhân viên.. để hạn chế rủi ro liên quan đến dịch bệnh.

 CEO Thế giới di động: Tháng 4 chúng tôi phải đóng 600 cửa hàng, nhưng nay đã mở cửa trở lại hầu hết toàn hệ thống - Ảnh 2.

Số lượng các cửa hàng thuộc CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) tính đến cuối tháng 2/2020, đến cuối tháng 4, số cửa hàng Bách Hoá Xanh là gần 1.300.

Việc đóng cửa 600 cửa hàng (khoảng 60%) tác động như thế nào đến kết quả kinh doanh của Thế giới di động thưa ông?

Thực tế là dịch bệnh đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế từ tháng 2, riêng tháng 4 là tháng bị tác động nặng nề nhất. Tuy nhiên kết quả kinh doanh quý 1/2020 của MWG vẫn đạt được mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước. Điều này có nghĩa là tháng 2, tháng 3 mặc dù có tác động của dịch bệnh nhưng chúng tôi vẫn có kết quả khả quan. Đến tháng 4, việc đóng cửa các cửa hàng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh số, theo số liệu tôi có được thì giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Việc mở cửa trở lại được kỳ vọng nhiều, tuy nhiên mức độ như thế nào rất khó để dự đoán trước. Nếu tình hình dịch bệnh ổn định và cuộc sống trở lại bình thường thì sức bật sẽ rất lớn. Nhưng cũng không biết được, vì tình hình kinh doanh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, dịch bệnh tác động đến nền kinh tế và thu nhập của người dân như thế nào, ảnh hưởng đến sức mua của người dân hay không…

Nhu cầu mua sắm điện thoại và điện máy có giảm, nhưng không đến mức như lo lắng ban đầu của chúng tôi. Chúng tôi cũng lo điện thoại, điện máy không phải là hàng thiết yếu như các sản phẩm của Bách Hóa Xanh, chắc sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhưng thực tế không phải như vậy, điều này phản ánh từ kết quả của tháng 2 và tháng 3. Còn việc sụt giảm tháng 4 chủ yếu do các cửa hàng bị đóng cửa, khi các cửa hàng này được mở trở lại sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều.

 CEO Thế giới di động: Tháng 4 chúng tôi phải đóng 600 cửa hàng, nhưng nay đã mở cửa trở lại hầu hết toàn hệ thống - Ảnh 3.

Mặt hàng nào được tiêu thụ nhiều nhất trong dịch bệnh?

Tôi cho rằng đây lợi thế của TGDĐ so với các chuỗi chỉ chuyên về 1 sản phẩm, đó là chúng tôi kinh doanh nhiều ngành hàng. Có một số nhóm hàng do tác động của dịch bệnh có chiều hướng giảm như điện thoại, tivi nhưng có những nhóm hàng tăng như tủ lạnh. Nhu cầu mua trữ đồ ăn lớn làm cho ngành hàng tủ lạnh tăng mặc dù đây không phải mùa tiêu thụ tủ lạnh. Với mặt hàng laptop cũng vậy, tháng 3-4 hàng năm không phải thời điểm mua laptop nhưng do nhu cầu học tập và làm việc trực tuyến, nên mặt hàng này tăng rất mạnh.

Với chuỗi Bách Hóa Xanh, hiện đã có gần 1.300 cửa hàng, dịch bệnh khiến nhu cầu mua hàng thiết yếu tăng nhiều. Do đó, chúng tôi có các mặt hàng bổ trợ cho nhau khiến doanh số quý 1 vẫn tăng trưởng.

Việc đàm phán với các đối tác cho thuê mặt bằng để giảm chi phí như thế nào thưa ông?

Chúng tôi đã đón nhận sự hỗ trợ rất tốt từ các đối tác cho thuê địa điểm. Mặc dù chúng tôi vẫn kinh doanh khá ổn, nhưng họ thấy được khó khăn ở thời điểm hiện tại nên sẵn lòng hỗ trợ cho việc giảm giá mặt bằng thời điểm này.

Thế giới di động có nhận được sự hỗ trợ từ các nhà phân phối như Samsung, LG …không?

Chúng tôi là đối tác lớn của các nhà phân phối và họ luôn đồng hành, hỗ trợ để làm sao giảm được chi phí về công nợ, thúc đẩy làm ngân sách các chương trình khuyến mãi tốt hơn sau dịch.

Sau khi nới lỏng cách ly xã hội, ông có đưa ra chương trình kích cầu khách hàng không?

Dịch bệnh này đến không ai muốn, là bất khả kháng, hỏi rằng nó có tác động đến hệ thống không thì chắc chắn là có, nhưng tôi thấy nhiều cơ hội hơn.

Đây là khoảng thời gian để chúng tôi nhìn lại toàn bộ hoạt động kinh doanh, tìm ra được các điểm để kiểm soát chi phí tốt hơn. Như IT hóa về mặt hệ thống để có thể tiết giảm chi phí về nhân công, cùng doanh thu đó nhưng tiết giảm được headcount tại shop nhiều hơn.

Thông qua đợt này chúng tôi cũng có thể điều chỉnh lại giá thuê mặt bằng, sàng lọc lại mặt bằng nào không ổn, không tốt bằng các cửa hàng khác.

Bản thân tôi nhận thấy được nhiều cơ hội sau dịch này, nếu chuẩn bị tốt nguồn hàng hoá, chương trình khuyến mãi bán hàng, thì khi quay lại chúng tôi sẽ đạt được mức tăng trưởng hơn rất nhiều. Biết đâu sẽ có nhiều nhà bán lẻ không chống chọi được qua dịch lại là cơ hội cho chúng tôi gia tăng thị phần.

Khi tình hình dịch ổn định, các kế hoạch vạch ra trước đây như chuyển đổi shop, mở rộng shop sẽ được khởi động trở lại.

Có khá nhiều ông lớn mất cân đối tài chính sau dịch, việc tiếp cận vốn ngân hàng cũng gặp khó khăn, MWG có gặp phải tình trạng này không?

Không, chúng tôi không bị vướng bởi các khó khăn này.

Xin cảm ơn ông.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em vừa hoàn tất việc mua vào 80.000 cổ phiếu MWG như đã đăng ký, trong khi một thành viên thuộc HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới di động là ông Đặng Minh Lượm đăng ký mua 290.000 cổ phiếu nhưng đã không mua cổ phiếu nào. Giao dịch thực hiện từ 23/3-21/4. Giai đoạn này giá cổ phiếu MWG có lúc chạm đáy 58.900 đồng/cp, ngày 21/4 tăng 34,8%, đến nay tăng 41,7%.

Theo: Theo Tổ Quốc

Nguồn: genk.vn

Tin liên quan

Scroll Top