Đã 3 năm trôi qua kể từ khi iPhone X được phát hành, công nghệ nhận diện khuôn mặt đã thực sự trở nên quen thuộc với người dùng smartphone. Thiết kế “tai thỏ” – loại thiết kế bắt buộc phải có để hỗ trợ nhận diện khuôn mặt, cũng đã có phần lỗi thời trước các thiết kế “giọt nước’ hay “lỗ khuyên” của nhà Android. Ngoại trừ Google và Huawei, phần lớn các nhà sản xuất khác cũng đã từ bỏ hoàn toàn công nghệ nhận diện khuôn mặt giống FaceID, chuyển sang sử dụng cảm biến vân tay đặt dưới màn hình.
Tuy vậy, trong một bước đi chắc chắn sẽ được các y bác sĩ đón nhận tích cực, Apple đã chứng minh ưu thế tuyệt đối về mặt công nghệ và trải nghiệm của FaceID.
Cụ thể hơn, trên bản beta (thử nghiệm) của iOS 13.5, người dùng có thể mở khóa iPhone mà không cần phải bỏ khẩu trang. Bước đi này được Apple thực hiện một cách khá kín kẽ, không công bố rộng rãi. Theo dự kiến, bản iOS 13.5 chính thức có thể sẽ đến tay người dùng các tuần lễ sắp tới, đưa thay đổi FaceID đến tay tất cả người dùng iPhone.
Thay đổi này đã thể hiện rõ ràng sự vượt trội của FaceID: Apple đã có thể dễ dàng đáp ứng nhu cầu của người dùng bằng một bản cập nhật phần mềm thay vì phải thực hiện thay đổi qua phần cứng. Đây là cách nhanh nhất, dễ dàng nhất để người dùng iPhone có FaceID có thể tiếp tục sử dụng smartphone một cách tiện dụng.
Bạn khó có thể làm điều tương tự với cảm biến vân tay. Rõ ràng, các mẫu điện thoại sử dụng cảm biến vân tay sẽ không thể nhận cập nhật để nhận diện… qua găng tay phòng hộ trong mùa dịch.
Thực chất, khả năng cập nhật để nhận diện khuôn mặt dưới khẩu trang không phải là không thể nghĩ đến. Từ cách đây nhiều tuần, một số người dùng đã tìm ra cách “điều chỉnh” FaceID để công nghệ này có thể dần dần chuyển sang nhận diện mặt người dùng khi đeo khẩu trang. Theo nhận định của chúng tôi, bản chất của bản cập nhật chính thức từ Apple và cách chỉnh “không chính thức” từ người dùng khá giống nhau: hướng sự chú ý của AI bên trong vào phần mặt không đeo khẩu trang.
Đây chính là lợi thế của AI so với các công nghệ truyền thống. Nếu như các công nghệ truyền thống sử dụng dữ liệu đầu vào khá rõ ràng, ít thay đổi (như vân tay) thì trí tuệ nhân tạo cho phép hỗ trợ dữ liệu có thể thay đổi theo thời gian. Dấu vân tay của người dùng sẽ thay đổi rất ít trong cả cuộc đời, nhưng khuôn mặt người dùng có thể thay đổi theo tuổi tác, khi đeo kính hoặc khẩu trang, khi nhắm mắt hoặc mở miêng v…v… Công nghệ AI cho phép hỗ trợ nhận diện một cách dễ dàng, không đòi hỏi bất kỳ thay đổi nào về phần cứng.
Với bản cập nhật mới, rất có thể Apple đã thực hiện một thay đổi nhỏ để hỗ trợ người dùng phải đeo khẩu trang: thay đổi phần nhận diện từ phần lớn khuôn mặt còn phần mặt không bị khẩu trang che khuất. Từ khía cạnh công nghệ, việc duy nhất Apple cần làm chỉ là thay đổi mã nguồn cho FaceID mà không cần thực hiện bất kỳ thay đổi nào về phần cứng.
Cũng cần phải chỉ ra rằng nhận diện khuôn mặt 3D không phải là không có điểm yếu: khi Face ID mới ra mắt, người dùng đã chỉ ra nhiều tình huống người trong gia đình có thể mở khóa thay nhau. Tuy vậy, đây là “cái giá” phải trả nếu muốn có sự thích nghi nhanh chóng trong mùa dịch. Quan trọng hơn, chỉ cần người dùng sử dụng trong một thời gian đủ lâu, dữ liệu cho AI sẽ được đào tạo chuẩn xác để hỗ trợ một người duy nhất. Đến nay, đây vẫn là công nghệ bảo mật sinh trắc an toàn nhất do không thể mở khóa được nếu không có sự tham gia của “nạn nhân” vào quy trình tạo mặt nạ.
Ngược lại, vân tay tồn tại rất nhiều điểm yếu. Ngay cả cảm biến vân tay an toàn bậc nhất là siêu âm cũng có thể bị bẻ khóa khi người dùng để lại dấu vân tay của mình trên thân máy. Không phải vô cớ mà ngay cả ông chủ của Android là Google cũng đã chuyển sang dùng nhận diện khuôn mặt 3D thay vì ở lại với vân tay như các đối tác sản xuất: hơn ai hết, ông lớn đi đầu về AI này thừa hiểu về tiềm năng to lớn của AI trong các lĩnh vực công nghệ.
Theo: Trí Thức Trẻ
Nguồn: genk.vn