Có nên mua laptop chơi game hay không: Những lý do sau đây sẽ khiến bạn phải nghĩ kĩ trước khi xuống tiền

09:00 Sáng - 12/11/2021
0 Bình luận
385
bởi Triệu Vũ

Laptop chơi game có thể có những tính năng nổi bật, nhưng bạn đã xem xét những điểm trừ của chúng trước khi mua chưa? Dưới đây là một số phân tích của trang Makeuseof trong trường hợp bạn định mua một chiếc laptop để chơi game.

Nhanh hết pin

Các laptop chơi game đắt đỏ đều trang bị CPU và GPU thuộc dạng top đầu để có thể mang đến trải nghiệm chơi game mượt mà nhất có thể cho người.  Vấn đề ở chỗ, CPU hay GPU càng mạnh càng ngốn điện, đồng nghĩa với việc laptop càng nhanh hết pin.

Đáng nói, mặc dù liên tục được cải tiến, công nghệ pin trên laptop vẫn chưa thể bắt kịp được đà phát triển chóng mặt của các linh kiện phần cứng. Phần lớn các laptop chơi game đều chỉ có thể ‘trụ’ được tối đa từ 4-5 tiếng (khi không cắm sạc). Thời lượng này thậm chí còn bị rút ngắn hơn khi người dùng chơi các tựa game AAA có đồ họa nặng.

Đặc biệt, nếu so với các mẫu laptop không chuyên về chơi game, thời lượng sử dụng trên laptop chơi game cũng thua kém hơn đáng kể. Theo đó, nguyên nhân chính đến từ việc các mẫu laptop bình thường không tích hợp các linh kiện phần cứng thuộc dạng quá ‘ngốn điện’ như trên laptop chơi game. Chẳng hạn, thời lượng sử dụng trung bình của mẫu MacBook Pro trang bị chip M1 của Apple có thể kéo dài tới 17-20 tiếng. Với laptop chơi game, con số này là điều không tưởng.

Có một thực tế không thể phủ nhận, phần lớn người dùng sở hữu laptop gaming đều ít nhiều…cắm sạc khi chơi game, do không muốn chiếc máy của mình tắt ngúm vì hết pin ở giữa màn chơi.

Khó nâng cấp, nhanh lỗi thời

Phần lớn các nhà sản xuất laptop chơi game đều trình làng các mẫu sản phẩm với nhiều ‘biến thể’ khác nhau về kích thước màn hình, cấu hình .v.v. Tuy nhiên, điểm chung của các sản phẩm này là thiếu các tùy chọn nâng cấp phần cứng nếu so sánh với PC chơi game.

Nếu bạn là một game thủ chuyên chơi trên console, bạn sẽ hài lòng với một vài tùy chọn nâng cấp phần cứng khi sử dụng laptop chơi game, đơn cử như nâng thêm RAM hay nâng lên ổ cứng dung lượng lớn hơn. Ngược lại, nếu bạn là một game thủ chuyên chơi trên PC, laptop chơi game sẽ mang lại cảm giác khá…’tù’ trong vấn đề nâng cấp linh kiện, theo nhận định của trang Makeuseof.

Theo đó, ngoại trừ một số trường hợp cá biệt, người dùng laptop chơi game khó có thể nâng cấp 2 thành phần quan trọng nhất khi chơi game như CPU và GPU, vốn có thể trở nên ‘lỗi thời’ sau một thời gian dài sử dụng. Điều tương tự cũng diễn ra với các linh kiện khác, như pin của laptop, hay hệ thống tản nhiệt bên trong.

Việc khó nâng cấp phần cứng khi sử dụng laptop là điều khá dễ hiểu. Trước khi sản xuất một mẫu laptop, các nhà sản xuất phải tìm cách ‘nhồi nhét’ và lắp đặt các linh kiện. Các yếu tố như kích thước và mức tiêu thụ điện năng của chúng cũng được tính toán kĩ càng. Không giống như với PC, đây không phải là các bộ phận có thể thay thế và nâng cấp. Bạn không thể chỉ gỡ bỏ chúng và sau đó tích hợp phiên bản mới nhất của các linh kiện trên.

Xét về đường dài, đây sẽ là một điểm trừ. CPU và GPU dù mạnh đến mấy, một lúc nào đó sẽ trở nên lỗi thời, đặc biệt trong bối cảnh phần cứng liên tục ra mắt các mẫu mới. Mặc dù có nhiều cách để cải thiện hiệu suất trên laptop chơi game, cách duy nhất bạn có thể ‘lên đời’ máy của mình khi máy đã lỗi thời là mua một chiếc laptop mới hơn.

Buộc phải ‘sống chung’ với nóng, ồn

Với các mẫu laptop chơi game, vấn đề nóng và ồn khi chơi game nặng luôn là một điểm yếu cố hữu khó giải quyết. Mặc cho các NSX luôn cố gắng tích hợp các hệ thống tản nhiệt mới nhất, tiếng ‘gào rú’ từ quạt tản nhiệt, hay luồng hơi nóng phả ra từ laptop chơi game là điều không thể loại bỏ hoàn toàn, đặc biệt là khi người dùng trải nghiệm game nặng.

Với các mẫu laptop chơi game cấu hình khủng, các linh phần cứng mạnh mẽ trong các mẫu laptop này cần rất nhiều năng lượng để hoạt động. Đương nhiên, linh kiện càng ngốn nhiều điện, lượng nhiệt tỏa ra trong quá trình hoạt động càng nhiều hơn. Trong khi đó, nhiều mẫu laptop chơi game lại gặp các vấn đề trong thiết kế, đơn cử như bố trí khe tản nhiệt chưa hợp lý, chất lượng vật liệu rẻ tiền, vị trí các linh kiện đặt quá sát nhau. Tất cả những điều này khiến khả năng lưu thông khí của nhiều mẫu laptop kém hơn, ảnh hưởng tới khả năng tản nhiệt.

Vấn đề trên càng trầm trọng hơn trên các mẫu laptop chơi game có kích thước mỏng, nhẹ. Việc NSX cố nhồi nhét các linh kiện vào một không gian nhỏ càng khiến lượng nhiệt tỏa ra càng nhiều thêm. Tương tự, NSX cũng không thể tích hợp thêm hệ thống tản nhiệt cỡ lớn vào các mẫu laptop dạng này vì khó có thể lắp đặt vừa vặn. Nhìn chung, trừ khi laptop chơi game của bạn có một hệ thống làm mát ‘cực xịn’, bất kỳ người dùng nào cũng sẽ phải tập..sống chung với vấn đề nóng – ồn khi chơi game.

Không thực sự p/p

Với nhiều người dùng, laptop chơi game sinh ra để phục vụ mục đích chơi game ở mọi lúc mọi nơi. Đây chính là lợi thế và điểm hấp dẫn lớn nhất của laptop chơi game so với một chiếc máy console, hay PC.  Tuy nhiên, điều này cũng đi kèm với việc laptop chơi game thường đắt hơn đáng kể so với một bộ PC cùng cấu hình. Chẳng hạn, các mẫu laptop chơi game đầu bảng của các thương hiệu như Alienware đang có giá bán lên tới 60 triệu. Với số tiền này, người dùng hoàn toàn có thể build được một bộ PC có hiệu năng cao hơn đáng kể.

Tất nhiên, với những người dùng có túi tiền rủng rỉnh, việc phải bỏ ra một khoản tiền lớn không phải là vấn đề, miễn là laptop chơi game đáp ứng được nhu cầu giải trí của họ. Ở chiều ngược lại, với những đối tượng người dùng thích ‘cân đo đong đếm’, chú ý đến yếu tố p/p (hiệu năng trên giá thành), laptop đương nhiên là một món đồ chơi quá đắt đỏ nếu so với các bộ PC cấu hình cao.

Mặc dù ở thời điểm hiện tại, yếu tố p/p của PC chơi game so với laptop chơi game không thực sự quá vượt trội, trong bối cảnh giá VGA đang tăng cao và khan hàng khiến chi phí build PC tăng cao. Tuy nhiên về lâu dài, yếu tố ‘cost effective” (tiết kiệm chi phí) của laptop vẫn khó có thể so được với PC.

Đánh giá

Theo: Pháp luật & Bạn đọc

Nguồn: genk.vn

Để lại lời nhắn của bạn
  • Đánh giá

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Scroll Top