Dân Ấn Độ đánh đập TV ‘Made in China’ để tẩy chay Trung Quốc

08:52 Sáng - 20/06/2020
0 Bình luận
536
bởi Thiên Quang

Xung đột tại khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang có dấu hiệu căng thẳng, thậm chí gây thương vong. Điều này đã khiến một số người dân ở quốc gia Nam Á này bắt đầu tìm cách thể hiện tình cảm “ái quốc” của mình một cách mạnh mẽ hơn. Và một trong những biện pháp đang trở thành xu hướng mới ở Ấn Độ là phong trào chống lại các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc, với hàng chữ “Made in China” gắn phía sau lưng.

Theo báo cáo của News18 India, vào ngày 18/6 vừa qua, các cư dân của một căn hộ tại Surat – thành phố cảng ở phía tây Ấn Độ – đã ném bỏ chiếc TV “Made in China” của mình từ trên tầng cao xuống.

Dân Ấn Độ đánh đập TV Made in China để tẩy chay Trung Quốc - Ảnh 1.

Nội dung văn bản: Người dân ở nhiều nơi tại Ấn Độ đang thể hiện sự tức giận với Trung Quốc bằng cách đập phá hàng hóa “Made in China” trong nhà.

Nhưng số phận bi thảm của chiếc TV sau khi bị rơi vỡ từ độ cao vài mét của tầng hai tòa nhà chưa dừng lại ở đó. Nó tiếp tục bị đám đông phía dưới dẫm lên bằng chân, thậm chí đập bằng gậy cho tới khi bị phá hủy hoàn toàn.

Dân Ấn Độ đánh đập TV Made in China để tẩy chay Trung Quốc - Ảnh 2.
Người dân dẫm chân và đập gậy vào chiếc TV.

Dân Ấn Độ đánh đập TV Made in China để tẩy chay Trung Quốc - Ảnh 3.
Linh kiện bên trong cũng bị mổ xẻ không thương tiếc.

Trên các phương tiện truyền thông xã hội, nhiều cư dân mạng Ấn Độ đã ủng hộ động thái này đồng thời kêu gọi nhiều người hơn nữa tẩy chay các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc. Một số người còn nói rằng điều này sẽ làm suy yếu sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Dân Ấn Độ đánh đập TV Made in China để tẩy chay Trung Quốc - Ảnh 4.

“Chúng ta hãy cố gắng đẩy các sản phẩm Trung Quốc ra khỏi thị trường Ấn Độ và làm chậm sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc”, một người bình luận trên mạng xã hội.

Không chỉ người dân mà cả Liên đoàn thương nhân toàn Ấn Độ (CAIT) cũng đang tham gia kêu gọi tẩy chay hàng hóa sản xuất của Trung Quốc. Liên đoàn này đại diện cho 700 triệu thương nhân và 40.000 hiệp hội ở Ấn Độ.

Vào ngày 17/6, Liên đoàn này thậm chí công bố danh sách tẩy chay với hơn 500 sản phẩm phổ biến của Trung Quốc bao gồm hàng tiêu dùng, đồ chơi, vải nội thất, dệt may, phần cứng xây dựng, giày dép, đồ dùng nhà bếp… Một tuyên bố đưa ra nói rằng các mặt hàng này không yêu cầu công nghệ tiên tiến và do đó có thể được sản xuất độc lập bởi Ấn Độ.

Họ cũng sẽ yêu cầu những người nổi tiếng từ mọi tầng lớp ở Ấn Độ không được tuyên truyền cho các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất. Đặc biệt là những ca sĩ, diễn viên nổi tiếng đang được các hãng công nghệ Trung Quốc thuê để quảng cáo sản phẩm.

Dân Ấn Độ đánh đập TV Made in China để tẩy chay Trung Quốc - Ảnh 5.
Ngôi sao điện ảnh nổi tiếng Ấn Độ Amir Khan trong một quảng cáo điện thoại di động Trung Quốc.

Trên thực tế, lời kêu gọi “chống lại các sản phẩm của Trung Quốc” đã xuất hiện nhiều lần ở Ấn Độ. Năm 2016, họ tẩy chay bóng đèn LED và văn phòng phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Năm 2017, chính phủ Ấn Độ cũng tuyên bố rằng 42 ứng dụng điện thoại di động từ Trung Quốc có “rủi ro bảo mật”, sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng và kêu gọi quân đội xác minh việc xóa bỏ chúng.

Gần đây, một số lượng lớn cư dân mạng ở Ấn Độ đã mở tài khoản giả để cố tình hạ bậc xếp hạng của các ứng dụng di động đến từ Trung Quốc như TikTok trong các cửa hàng trực tuyến như Google Play. Một công ty lập trình thì phát minh ra “RemoveChinaApps”, ứng dụng hỗ trợ xóa ứng dụng Trung Quốc. Tuy nhiên, nó đã sớm bị Google gỡ bỏ vì vi phạm các quy định.

Dân Ấn Độ đánh đập TV Made in China để tẩy chay Trung Quốc - Ảnh 6.
Ứng dụng RemoveChinaApps do một công ty Ấn Độ phát triển.

Kể từ năm 2018, các ứng dụng đến từ Trung Quốc đã chiếm lĩnh thị trường Ấn Độ, với hơn 50 ứng dụng hàng đầu trên các bảng xếp hàng. Và nếu tìm kiếm và xóa tất cả các ứng dụng “Made in China”, thì kết quả là người Ấn Độ sẽ chỉ còn một vài ứng dụng trên điện thoại thông minh của họ. Chưa kể TikTok vẫn là một trong những ứng dụng phổ biến nhất ở Ấn Độ, ngay cả sau khi có nhiều lời kêu gọi được đưa ra.

Năm 2019, một chiếc dịch toàn quốc do CAIT phát động đã lan rộng hơn 1.500 địa điểm trên khắp Ấn Độ. Chiếc dịch này kêu gọi người dân tẩy chay và đốt hàng hóa Trung Quốc. Vào thời điểm đó, một số người đã kêu gọi Ủy ban Cricket Ấn Độ từ chối tiền tài trợ của các nhà sản xuất điện thoại di động Trung Quốc.

Tuy nhiên, kết quả lại hoàn toàn ngược lại. Dữ liệu bán hàng cho thấy bốn nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc là Xiaomi, Vivo, OPPO và Realme vẫn chiếm tới 65,5% thị phần smartphone của Ấn Độ vào năm 2019. Ngoài ra, hầu hết các thương hiệu điện thoại di động lớn Trung Quốc đều đã xây dựng các nhà máy ở Ấn Độ để lắp ráp sản phẩm.

Dân Ấn Độ đánh đập TV Made in China để tẩy chay Trung Quốc - Ảnh 7.
80% thương hiệu điện thoại hàng đầu đang chiếm thị phần lớn ở Ấn Độ trong năm 2019 là từ Trung Quốc.

Các ngành công nghiệp khác như ôtô và điện tử của Ấn Độ cũng đang phụ thuộc nhiều vào các linh kiện Trung Quốc. Ngay cả các máy bơm khử trùng trong thời kỳ chống dịch Covid-19 của nước này cũng được nhập khẩu từ Trung Quốc, bởi Ấn Độ đã không thể tìm ra cách để tăng sản lượng sản xuất tại địa phương.

Một báo cáo nghiên cứu từ Gateway House cũng chỉ ra rằng các nhà đầu tư công nghệ Trung Quốc đã đầu tư khoảng 4 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp Ấn Độ. Tính đến tháng 3/ 2020, 18 trong số 30 công ty “kỳ lân” ở Ấn Độ hiện nhận được tài trợ của Trung Quốc. Dịch vụ của các công ty này bao gồm tất cả các khía cạnh từ thực phẩm, quần áo, nhà ở, giao thông, giáo dục cho tới giải trí, thâm nhập vào mọi góc cạnh trong cuộc sống hàng ngày của người Ấn.

Và một sự thật phũ phàng là giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang Ấn Độ chỉ chiếm 2% tổng kim ngạch nước này. Do đó có thể nói, ngay cả khi Ấn Độ tẩy chay tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Trung Quốc. Nhưng ngược lại, phát động một cuộc chiến thương mại trong khi năng lực sản xuất vẫn còn hạn chế sẽ không có lợi cho chính Ấn Độ.

Tham khảo Sohu

Theo: Bảo Nam

Nguồn: soha.vn

Tin liên quan

Scroll Top