Ngoài việc trở lại với phân khúc cao cấp bằng chiếc Find X2, OPPO cũng không quên phần khúc tầm trung / cận cao cấp bằng việc ra mắt thế hệ thứ 3 của dòng sản phẩm Reno. Năm nay, Reno3 cũng theo chân Find X2 để trở lại với kiểu dáng đơn giản hơn, không còn có camera tích hợp động cơ độc đáo như trước. Nhưng một điều vẫn không thay đổi: những smartphone của OPPO vẫn luôn được trang bị đến ‘tận răng’ về cấu hình camera, hướng đến những người đam mê nhiếp ảnh di động.
Hôm nay, ta sẽ đi tìm hiểu khả năng chụp hình của Reno3 nhưng không phải thông qua những bức ảnh mà bất cứ ai cũng chụp mà qua ‘mắt nhìn’ của một người yêu thích chụp ảnh chân dung, ‘từ sáng đến tối’ chụp tự sướng để đăng mạng sống ảo, để xem rằng OPPO còn là giữ được danh hiệu ‘Chuyên gia selfie’ mà họ tự xưng trước đây hay không.
Chụp ảnh chân dung có 2 kiểu: sử dụng máy để chụp người khác, 2 là sử dụng camera selfie để tự chụp cho mình. Với hệ thống ‘chụp cho người khác’ ở mặt sau, Reno3 có một camera chính 48MP f/1.8, zoom 2x quang học 13MP f/2.4, camera góc siêu rộng 8MP và một cảm biến đen trắng đo chiều sâu 2MP.
Như những smartphone có cảm biến độ phân giải lớn khác, mặc định Reno3 sẽ chụp ra các bức ảnh 12MP và muốn chụp 48MP ta sẽ phải vào một chế độ khác. Dù ở chế độ nào thì ảnh từ camera chính của máy cũng có độ nét khá tốt, dải biến động sáng rộng và màu sắc tươi. Thứ mình quan tâm nhất khi chụp ảnh là khả năng tái tạo mầu da cũng được OPPO thực hiện tốt, luôn trung tính và không bị vàng (nếu bị vàng sẽ khiến da người châu Á giống như bị bệnh gan vậy!)
Khả năng đo chiều sâu của Reno3 vẫn chưa thể gọi là hoàn hảo khi trong một vài trường hợp ánh sáng khó vẫn ‘cắt’ nhầm những chi tiết nhỏ của mẫu như tóc, gọng kính… và những trường hợp này người dùng sẽ phải để ý để chụp lại, tỷ lệ thành công khoảng 80 – 85%. Bù lại, hiệu ứng xóa phông của Reno3 lại khá đẹp, cảm giác phần nền phía sau có chiều sâu chứ không phải là một khối khiến ai nhìn cũng có thể thấy được ngay là chụp bằng smartphone.
Như lẽ đương nhiên thì camera góc rộng của máy sẽ có độ nét kém hơn so với camera chính có cảm biến lớn hơn và độ phân giải cũng cao hơn nên khi chụp góc rộng người dùng nên ‘căn góc’ kỹ trước khi chụp để tránh phải cắt nhỏ trong quá trình hậu kỳ. Ngược lại ta vẫn thấy được những ưu điểm về màu sắc, độ tương phản và nhất là màu da tự nhiên. Khả năng sửa góc nhìn camera góc rộng của OPPO cũng đã rất tốt, giảm độ méo khiến ảnh chân dung nhìn tự nhiên hơn.
Tới đây ta cũng thử luôn chất lượng của phần mềm làm đẹp AI Beauty của Reno3. Tính năng này cho phép ta điều chỉnh cường độ từ 0 đến 100, với tác dụng là làm mịn và sáng hơn những vùng có màu cam – chính là vùng có da người. Trong sử dụng thực tế, nếu đẩy tính năng này lên cao thì có thể sẽ mất chi tiết, bị bệt hơn. Bạn nữ trong ảnh đã có da rất đẹp, nên mình không sử dụng thêm AI Beauty, nhưng với những bạn có da có khiếm khuyết thì có thể sử dụng ở ngưỡng 30 – 40 là đủ.
Điểm mà Reno3 còn thiếu so với những dòng máy tầm trung được ra mắt trong thời gian gần đây đó là camera chuyên cho mục đích chụp cận cảnh macro. Như đã đánh giá nhiều lần, loại camera này không phải lúc nào cũng có thể sử dụng, ngoài ra cách sử dụng cũng khó hơn các loại khác nhưng sẽ mở ra những cách chụp ảnh mới, tăng sự hữu dụng của hệ thống chụp hình.
Reno3 không có camera này, nhưng với camera chính với độ phân giải cao nên trong nhiều trường hợp vẫn có thể crop nhỏ ảnh lại để tới gần với vật hơn. Trong nhiều trường hợp thì cách chụp này cũng sẽ dễ dàng với người mới hơn vì không phải chuyển sang một chế độ riêng, cũng như giữ lại được khả năng lấy nét tự động.
Nhìn lại vào cấu hình có thể thấy hệ thống camera sau của Reno3 không có nhiều sự thay đổi so với người tiền nhiệm, camera trước selfie thì lại là câu chuyện khác. Từ bỏ thiết kế vây cá mập ‘hào nhoáng’ để trở lại với thiết kế giọt nước đơn giản, nhưng Reno3 lại có cấu hình camera trước cao hơn: nâng từ 16MP lên tới 44MP f/2.4. Cũng phải nói rằng, việc bỏ đi thiết kế tích hợp động cơ cũng giúp camera trước của Reno3 khởi động nhanh hơn, không phải đợi ‘trồi’ lên thì mới sử dụng được.
Hãng cũng đã sử dụng một cảm biến lớn hơn trước, nhằm đảm bảo những điểm ảnh không bị quá nhỏ. Làm một phép toán nhanh, ta có thể thấy được camera selfie của Reno3 có độ lớn điểm ảnh bằng với camera hchính 48MP ở mặt sau, đều 0.8µm!
Camera selfie có độ phân giải cao thì có lợi ích gì? Lẽ tự nhiên đó là có nhiều ‘chấm’ trong điều kiện đủ sáng thì ảnh sẽ có độ chi tiết cao hơn, trong ảnh chân dung thể hiện rõ ở những điểm nhỏ như tóc, mắt. Như bức ảnh phía trên, ta có thể soi được kỹ mắt bạn nữ để thấy rằng bạn ấy đang đeo kính áp tròng màu tím than nhạt.
Độ phân giải cao cũng cho phép ta cắt ảnh trong quá trình hậu kỳ, giúp cho ảnh chân dung nhìn thuận mắt hơn, cắt những yếu tố rác ở xung quanh. Màu ảnh của camera selfie có vẻ hơi ngả sang màu xanh dương hơn so với camera sau, song không gì một chút hậu kỳ không thể chỉnh được cả, ngoài ra ưu điểm về màu da vẫn được giữ nguyên.
2 điểm đáng nói khác của camera selfie trên Reno3 đó là có thể sử dụng Night Mode giống với camera sau để chụp ảnh trong những điều kiện thiếu sáng; kèm theo đó là khả năng xử lý HDR khá mạnh mẽ. Bức ảnh phía trên được chụp trong nhà và ngoài trời đang nắng rất lớn, nhưng những chi tiết như bầu trời, tòa nhà bên cạnh vẫn được giữ lại toàn bộ và không cháy sáng, khá ấn tượng.
Những hình ảnh của camera trước Reno3 không thua kém so với camera sau nên có thể dùng thay thế luôn, mặc dù chụp kiểu này hơi… cực vì người chụp không nhìn thấy mình đang chụp cái gì!
Thứ duy nhất mà mình cảm thấy thiếu ở camera selfie này đó là đèn flash. Reno2 trước đây với phần ‘vây cá mập’ được tích hợp đèn chiếu sáng chuyên dụng cho việc chụp chân dung, giờ camera đã được tích hợp vào màn hình nên yếu tố này cũng bị mất đi. Song như đã đề cập ở trên, Reno3 cho phép người dùng chụp Night Mode với camera trước, kết họp sử dụng màn hình làm đèn (hiện màn hình trắng ở độ sáng cao) nên cũng bù lại được phần nào.
Thêm một vài hình ảnh selfie OPPO Reno3:
Theo: M.Đức
Nguồn: soha.vn