Khoảng 5 tháng trước, mình có cơ hội trải nghiệm Samsung Galaxy Tab S5e sau một thời gian dài không ‘động’ tới bất cứ một chiếc máy tính bảng nào. Và niềm kỳ vọng của mình vào sản phẩm này đã không được đáp ứng khi máy có khá nhiều điểm bị ‘cắt giảm’, khiến việc sử dụng thực tế trở nên không hoàn hảo.
Chính vì vậy khi biết tin Samsung sẽ ‘đền’ cho người dùng bằng chiếc Galaxy Tab S6 để ‘lấp đầy’ tất cả những điều mà phiên bản Tab S5e thiếu đi, niềm hào hứng của mình lại tăng lên. Vậy sản phẩm này sử dụng thực tế có tốt không?
Một trong những điểm được đánh giá cao của Galaxy Tab S5e đó là thiết kế, khi đây là một trong những chiếc máy tính bảng mỏng, nhẹ và cân đối nhất trên thị trường. Samsung biết được điều này nên ‘tái sử dụng’ luôn trên dòng cao cấp Tab S6. Máy có độ mỏng rất ấn tượng, chỉ khoảng 5.7mm. Độ mỏng này kết hợp với cân nặng 420g giúp cho máy cầm trên tay thoải mái, giúp ta sử dụng được thời gian cũng như đỡ cảm thấy mệt mỏi hơn khi phải đem đi sử dụng ở những nơi khác.
Điểm làm mình thấy không mấy vui ở Tab S5e và Tab S6 đó là các dòng máy này chỉ còn cổng USB Type-C, còn cổng nhạc 3.5mm đã được loại bỏ. ‘Sát muối vào nỗi đau’ đó là việc hãng không tặng kèm tai nghe USB Type-C hay cổng chuyển 3.5mm trong hộp những chiếc máy tính bảng này, thứ mà smartphone Note 10 hiện vẫn có!
Nhược điểm này được giảm đi phần nào bằng hệ thống 4 loa được đặt ở cạnh dưới và cạnh trên máy, cho âm lượng và chất lượng âm thanh đủ tốt để mình không cần phải sử dụng đến tai nghe khi xem phim và video Youtube trong thời gian sử dụng.
Thứ thiếu sót của Galaxy Tab S5e làm nhiều người cảm thấy khá thất vọng đó là hãng không cho dòng máy này hỗ trợ bút, và điều đó đã được sửa ở Tab S6. Bút S Pen thế hệ mới của Tab S6 được sản xuất bởi Wacom, với thân bút dày dặn nên có thể cầm được lâu hơn so với bút của chiếc Note 10. Cơ chế đặt bút cũng khá hay, khi mặt lưng có một vết ‘lõm’ có tích hợp nam châm, chỉ cần đưa bút tới gần là nó sẽ được dính vào khá chặt.
Chiếc bút này ngoài việc dùng để ghi chép và vẽ thông thường thì cũng có một vài ‘chiêu’ được mượn từ chiếc S Pen của dòng Note 10, như chuyển chữ viết tay thành ký tự máy để dễ dàng chia sẻ hay ‘vẩy’ như đũa thần để thêm các cử chỉ điều khiển ứng dụng. Bút của Tab S6 lớn hơn nên ‘vẩy’ cũng dễ dàng hơn so với bút của Note 10, nhưng cá nhân mình thì không sử dụng thường xuyên, nên chỉ đôi khi mới thấy hữu dụng mà thôi.
Chuyển chữ viết tay thành ký tự
Chuyển qua lại các chế độ, camera trước sau và zoom
Tăng giảm âm lượng, chuyển video trước sau ở Youtube
Ngay phía trên chiếc bút là hệ thống camera, nói là hệ thống vì Tab S6 có tới 2 chiếc: một chiếc góc chính độ phân giải 13MP và thêm một chiếc góc siêu rộng 5MP – một điểm ‘lạ’ chưa từng có trên bất cứ một chiếc máy tính bảng nào!
Camera góc siêu rộng của Tab S6 có góc nhìn lên tới 12mm tức rộng hơn cả những loại có mặt trên smartphone, song cả nó và camera chính đều cho những bức hình có chất lượng nằm ở mức ổn mà thôi: màu sắc hơi nhạt, độ nét chỉ vừa đủ để đăng web và khả năng HDR bị yếu. Mình không phải là người dùng máy tính bảng để chụp hình (chỉ thường dùng để chụp / scan văn bản), nên sẽ không quá khắt khe ở mảng này hay đem nó so sánh với các smartphone cao cấp.
So sánh tiêu cự camera chính và siêu rộng
Thứ quan trọng hơn rất nhiều nằm ở mặt trước: màn hình. Tab S6 nếu như nhìn qua thì cũng ‘tái chế’ lại tấm nền Super AMOLED 10.5 inch (1600 x 2560) từ Tab S5e, nhưng đến khi sử dụng thực tế thì lại tìm ra 2 điểm nâng cấp. Đầu tiên, tấm nền này hỗ trợ chuẩn HDR10+, kết hợp với chất lượng màu đen và độ đậm màu tuyệt vời của AMOLED giúp cho các video HDR trở nên rất sống động.
Điểm nâng cấp tiếp theo nằm ở dưới màn hình: một cảm biến nhận vân tay (Tab S5e sử dụng cảm biến điện dung ở cạnh bên). Đây là một cảm biến quang học, nên sẽ phải chiếu ánh sáng lên để đọc vân tay người dùng chứ không phải loại siêu âm ‘xịn’ hơn trên S10 hoặc Note 10, song cũng thuộc thế hệ mới (giống A50s, A30s) nên cho tốc độ đọc nhanh và chính xác.
Cảm biến vân tay quang học ở Tab S6
Chất lượng hình ảnh của tấm nền rất khó để chê, nhưng trong quá trình sử dụng mình cũng tìm thấy một vài lỗi khiến nó không trở nên hoàn hảo. Hiện tượng méo hình (jelly effect) xảy ra trên màn hình của Tab S5e do tốc độ phản hồi không đồng đều đã được sửa chữa phần nào trên Tab S6, nhưng khi ‘lướt’ ở một tốc độ nhất định thì ta vẫn thấy được.
Hiện tượng méo hình (Jelly Effect) quay được trên Galaxy Tab S5e
Trên Tab S6 mình lại tìm thấy một lỗi hiển thị khác, đó là độ đồng màu ở tông xám thấp, khiến một số hình ảnh bị hiện sáng tối khác nhau. Hiện tượng này chỉ hiện ra ở màu xám, còn các hình ảnh có màu khác, hoặc đen hoàn toàn (mà tấm nền AMOLED có thể tắt đi) thì lại không bị, nhưng cũng là một lỗi đủ lớn để nhận ra.
Độ đồng màu ở tông xám thấp trên chiếc Tab S6 mình được trải nghiệm, làm cho 1 phần nhỏ ở dưới đáy máy tối hơn phần ở phía trên
Bỏ qua những nhược điểm này qua một bên, ta sẽ tìm hiểu một ưu điểm khác của Tab S6 đó là hệ thống phụ kiện, bao gồm một ốp lưng và một bàn phím gắn ngoài. Mình rất thích phụ kiện ốp lưng của Tab S6, có tích hợp một bản lề để kéo ra làm chân chống (kick-stand) rất chắc chắn.
Thao tác đóng mở chân đứng rất mượt mà, và ta có thể đặt máy ở nhiều góc độ khác nhau, từ đó tiện cho việc giải trí và làm việc.
Thao tác đặt máy rất ‘mượt’ của nắp lưng Tab S6
Ốp lưng này cũng có một ‘ngăn’ đóng mở bằng nam châm để giữ lấy bút, giúp nó không bao giờ rơi nếu có mất lực hút từ máy.
Cơ chế để bút có lẽ là tốt nhất trên tất cả các máy tính bảng của Galaxy Tab S6
Phần bán phím cũng được kết nối với máy bằng nam châm nốt, chỉ cần đưa tới gần là sẽ được ‘hít’ rất chặt vào cạnh máy. Phụ kiện này thì khi trải nghiệm thực tế cũng có những ưu nhược nhất định.
Nam châm và máy có nam châm và các mấu để ‘hít’ vào nhau một cách dễ dàng
Đầu tiên, bàn phím khi đóng vào sẽ không dính chặt vào mặt trước của máy, nên sẽ có thể di chuyển một cách dễ dàng như hình ảnh phía dưới. Khi cầm, người dùng cũng sẽ tự động gập 2 thành phần này vào với nhau nên không có chuyện tự động mở ra, nhưng việc chúng không bao giờ dính khít hoàn toàn với nhau cũng khiến trải nghiệm trở nên ‘rẻ’ hơn.
Bàn phím nặng, kèm theo nam châm không được mạnh nên vẫn còn một chút ‘lung lay’
Trải nghiệm gõ có thể miêu tả là: Khá. Các phím bấm nhìn trong ảnh thì khá mỏng, nhưng khi nhấn xuống vẫn có một khoảng cách nhất định trước khi chạm đáy, không như bàn phím cánh bướm ‘đánh như không đánh’ của những chiếc Apple Macbook Pro!
Điều mình không thấy hài lòng nhất đó là nút chuyển ngôn ngữ (Lang) ngay bên cạnh phím cách, đôi lúc nhấn nhầm thì sẽ chuyển từ tiếng Việt sang tiếng Anh – mà theo mình nên là một phím chức năng ở lớp (layer) thứ 2 chứ không phải phím riêng.
‘Tính năng’ trên bàn phím Galaxy Tab S6 khiến nó khác biệt với các dòng máy cũ, đó là sự xuất hiện của một mặt cảm ứng (Touchpad). Mặt này khá là nhỏ, lại được làm bằng nhựa nên chắc chắn sẽ không thể bằng được các mặt cảm ứng lớn bằng kính trên laptop Windows, nhưng việc máy có nó thôi cũng đã là điểm cộng, giúp cho một vài thao tác trở nên nhanh hơn.
Nói về ‘nhanh’, sử dụng trên thực tế Galaxy Tab S6 có nhanh hay không? Câu trả lời là có. Máy sở hữu vi xử lý Snapdragon 855, lựa chọn 6/8GB RAM và 128/256GB bộ nhớ trong. Với cấu hình này, Tab S6 làm việc gì cũng ‘tức thời’ hơn hẳn so với Tab S5e với Snapdragon 670 và 4/6GB RAM. Mình ‘tự tin’ hơn trong việc đặt các game nặng như Liên Quân ở chế độ đồ họa đẹp nhất, thay vì phải giảm xuống để chơi mượt trên Tab S5e.
Một điểm trừ vẫn hiện hữu (mà không biết có được sửa hay không) trên Android đó là một số ứng dụng không được thiết kế cho máy tính bảng, nên sẽ chỉ là một phiên bản ‘phóng to’ lên của ứng dụng smartphone, làm mất đi ưu thế về diện tích màn hình của Tab S6. Đôi khi chúng còn không thể sử dụng được ở chiều ngang, bắt người dùng phải xoay máy theo chiều dọc để thao tác.
Chuyển qua DeX để làm việc dễ dàng hơn!
Một trong những cách để người dùng có thể tăng tính hữu dụng của Tab S6 đó là bật chế độ DeX, mà bạn có thể tìm hiểu rõ hơn ở bài viết này. Để nói một cách ngắn gọn, thì DeX trên Tab S6 có tốc độ nhanh hơn các dòng máy cũ, hỗ trợ đa nhiệm tốt hơn Android thông thường, kéo thả nhanh file, kết hợp tốt được với các phím tắt ở lớp thứ 2 trên bàn phím gắn ngoài.
Tất nhiên rồi, việc thay thế được laptop cho tất cả mọi người là điều không thể, vì những ứng dụng dạng ‘thay thế’ của Android không thể đầy đủ được tính năng như phiên bản đầy đủ trên Mac/Windows được. Một ví dụ đơn giản mà mình gặp trong thời gian dùng Tab S6 thay laptop: ứng dụng Lightroom Mobile thiếu một vài công cụ và phím tắt, và ‘tai hại’ nhất là không có khả năng gắn Watermark vào tất cả các ảnh một lúc!
Ngược lại thì với một số nghề nhất định, sử dụng ít những phần mềm chuyên dụng thì chắc chắn Tab S6 sẽ đáp ứng được. Các máy tính bảng cũng có một ưu điểm lớn so với laptop, mà sẽ rất hữu ích với một số người đó là khả năng hỗ trợ SIM, có thể gọi điện, nhắn tin và sử dụng mạng 3G/4G dễ dàng mà không cần thiết bị phát riêng.
Lời kết
Với thiết kế đẹp, cấu hình mạnh mẽ, hệ thống phụ kiện rất đầy đủ, Samsung Galaxy Tab S6 thể hiện được tất cả những gì hãng điện tử Hàn Quốc có thể làm được ở mảng máy tính bảng Android. Nó có thể không hoàn hảo vì vẫn mắc một vài lỗi như đã kể trên, nhưng giống như Galaxy Note 10 thì từ khi sinh ra đã ‘mặc định’ trở thành ông vua của một mảng thị trường vì không còn có đối thủ nữa.
Thế nhưng câu hỏi cần được đặt ra đó là: Liệu bạn có muốn mua máy tính bảng Android hay không? Tab S6 gặp sự cạnh tranh rất mạnh mẽ từ 2 ‘ông lớn’ của thị trường máy tính bảng đó là iPad Pro (với ưu thế về màn hình 120Hz, hệ sinh thái phần cứng và ứng dụng của Apple) cùng Microsoft Surface (với hệ điều hành Windows hiện vẫn là số 1 cho công việc). Câu hỏi này có lẽ từng người với từng cách dùng cụ thể mới có thể trả lời được một cách chính xác được!
Theo: Trí Thức Trẻ
Nguồn: genk.vn