Gánh nặng “cơm áo gạo tiền” trên đôi vai người trẻ Mỹ trở nên tàn khốc hơn vì Covid-19: Thất nghiệp nhưng nợ nần chồng chất, tương lai không biết đi về đâu

04:33 Chiều - 07/04/2020
0 Bình luận
465
bởi Đức Nguyễn

Không có đủ nguồn lực và sự nhạy bén như những thế hệ trước, người trẻ tại Mỹ đang phải đối mặt với những hậu quả khôn lường từ đại dịch Covid-19.

Lần cuối khi thế giới phải đối mặt với đợt suy thoái kinh tế vào năm 2008, Evan Schade mới chỉ là một cậu học sinh cấp 3. Cuộc khủng hoảng lúc ấy giống như một tin tức bình thường đang xảy ra với những người khác. Thế nhưng lần này, khi dịch Covid-19 kéo nền kinh tế đi xuống, nó đã trở thành một vấn đề cá nhân của Schade.

Khi nhiều ngành kinh doanh không thiết yếu buộc phải đóng cửa tại thành phố Kansas, bang Missouri, Schade (26 tuổi) đã bị mất việc tại cửa hàng bán thảm. Thậm chí, anh còn không giữ nổi công việc thứ hai của mình tại một tiệm cà phê. Bạn gái của anh – Kaitlyn Gardner (23 tuổi) cũng bị sa thải khỏi một tiệm cà phê khác.

Gánh nặng cơm áo gạo tiền trên đôi vai người trẻ Mỹ trở nên tàn khốc hơn vì Covid-19: Thất nghiệp nhưng nợ nần chồng chất, tương lai không biết đi về đâu - Ảnh 1.

Số tiền mà họ có trong tài khoản ngân hàng chỉ là hơn 1.000 USD – đủ để trả 800 USD tiền thuê nhà của tuần này. Tuy nhiên, với số tiền ít ỏi ấy, Schade không thể trả cả 300 USD từ khoản vay thời học sinh lẫn mua bảo hiểm y tế mà anh đang hy vọng sẽ đăng ký được. Cặp đôi đã dành thời gian ngồi ở nhà để đăng ký trợ cấp thất nghiệp và tìm kiếm một công việc mới trong vô vọng.

“Tôi biết rất nhiều người ở tuổi mình cũng đang trải qua hoàn cảnh tương tự”, Gardner nói.

Đa số các thanh niên Mỹ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế đầu tiên trong sự nghiệp lao động của họ. Đáng thương thay, họ lại chẳng được chuẩn bị gì về mọi mặt. Những năm vừa qua là khoảng thời gian tuyệt vời của nền kinh tế Mỹ, vì thế người trẻ chưa có ý thức thiết lập một nền tảng tài chính vững chắc. Ngập đầu trong những khoản nợ tín dụng và vốn vay sinh viên, lại ít tham gia thị trường bất động sản và chứng khoán, họ bước chân vào thời kỳ bất ổn này với nhiều trách nhiệm trên vai nhưng lại không có mấy nguồn lực.

Gánh nặng cơm áo gạo tiền trên đôi vai người trẻ Mỹ trở nên tàn khốc hơn vì Covid-19: Thất nghiệp nhưng nợ nần chồng chất, tương lai không biết đi về đâu - Ảnh 2.

Địa vị của họ càng trở nên bấp bênh hơn khi đem so sánh với những thế hệ lớn tuổi hơn trong xã hội bây giờ, hoặc so sánh với những thế hệ đó khi họ ở cùng độ tuổi 25-35.

Khi cuộc khủng hoảng năm 2008 diễn ra, thế hệ X cũng ở trong độ tuổi tương tự như người trẻ hiện nay, nhưng tổng tài sản trung bình của họ đã lớn gấp đôi so với những gì người trẻ có bây giờ. Phân tích này được thực hiện bởi các nhà kinh tế học tại Cục Dự trữ Liên bang St. Louis, bao gồm tất cả tài khoản ngân hàng, cổ phiếu và các khoản nợ.

Giờ đây, các thành viên trong thế hệ X – những người đang ở độ tuổi 40-50, đã có địa vị vững chắc hơn so với người trẻ, kể cả sau khi bị “vùi dập” trong cuộc khủng hoảng năm 2008. Họ có số tài sản nhiều gấp 4 lần và số tiền tiết kiệm cao gấp 2 lần so với người trẻ ngày nay.

Những người có bằng đại học – chiếm thiểu số trong thế hệ trẻ – nhìn chung đang có một cuộc sống tốt đẹp hơn những thế hệ trước khi họ ở cùng độ tuổi. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Pew Research Center vào năm ngoái, tất cả những người khác lại không được như vậy.

“Trước khi dịch bệnh bùng phát, cuộc sống của người trẻ cũng đã vốn bấp bênh rồi”, Reid Cramer – người lãnh đạo tổ chức tham mưu Millennials Initiative – cho biết. “Một cú sốc đột ngột sẽ tác động rất lớn đến thế hệ này”.

Tình hình bất ổn do dịch Covid-19 đem lại đã tạo ra sự chia rẽ giữa các thế hệ. Những sinh viên đại học ở Florida đã khiến cho những thế hệ lớn tuổi hơn ở Mỹ giận dữ, bởi họ là đối tượng dễ mắc bệnh nhất khi mà các buổi tụ tập chơi bời của người trẻ càng làm tăng khả năng lây lan virus.

Tuy ít có nguy cơ phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe, người trẻ lại dễ tổn thương hơn về mặt tài chính khi kinh tế suy thoái. Theo báo cáo của chính phủ Mỹ, nhiều người trong số họ đang làm việc bán thời gian và tham gia vào nền kinh tế tự do (gig economy) và đây chính là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề. Những công việc như thế này thường không đem lại nhiều thu nhập đủ để giúp họ chống đỡ qua những ngày tháng khó khăn.

Bỗng dưng không còn tiền lương, lại thêm các khoản nợ hàng tháng và tâm lý ngại đầu tư, nhiều người trẻ buộc phải tìm đến các giải pháp tuyệt vọng. Trên mạng xã hội lúc này đầy rẫy những cuộc tranh luận về việc làm sao để rút tiền tiết kiệm hưu trí ra một cách tốt nhất để trả tiền thuê nhà.

Dan Gamez (22 tuổi) – người đang sống cùng bố mẹ tại Boston – đã bán máy chơi game của mình trên eBay để có tiền trả nợ khoản vay mua xe, sau khi mất việc tại một cửa hàng của AT&T.

“Thời gian này tôi chỉ ở nhà và chơi video game, vì thế tôi khá là buồn khi phải làm điều này, nhưng đâu còn lựa chọn khác”, anh nói.

Với Andrew Lawson (29 tuổi), công việc giao thức ăn cho DoorDash tại Hawaii giúp anh kiếm được 500-600 USD/ngày. Sau khi chính phủ yêu cầu một số ngành kinh doanh không thiết yếu dừng hoạt động, hầu hết các nhà hàng đã đóng cửa. Chỉ làm việc 3 ngày/tuần, Lawson không kiếm nổi quá 60 USD. Số tiền này thậm chí còn chẳng đủ để đổ xăng tới Kona – thành phố vẫn còn việc làm.

“Giờ đây, tôi chỉ kiếm được 5 USD cho mỗi đơn hàng từ McDonalds sau 3 tiếng đứng chờ”, anh nói.

Gánh nặng cơm áo gạo tiền trên đôi vai người trẻ Mỹ trở nên tàn khốc hơn vì Covid-19: Thất nghiệp nhưng nợ nần chồng chất, tương lai không biết đi về đâu - Ảnh 3.

Andrew Lawson đã mất hết thu nhập chỉ trong vài tuần vừa qua. Anh và người vợ đang mang bầu – Juliana – đã có một đứa con trai 2 tuổi – Vesuvianite. (Ảnh: Megan Spelman/The New York Times)

Lawson có một đứa con trai 2 tuổi và một người vợ đang mang thai – người cũng đang thất nghiệp. Họ phải chuyển sang ăn mì “không người lái” cho tới khi anh đến ngân hàng thực phẩm và lấy về một túi khoai tây, cà rốt. Lawson cũng lập nhiều tài khoản trên mạng xã hội để tìm việc làm – bất cứ công việc gì.

“Hãy cho tôi một công việc để có thể nuôi gia đình”, anh nói. “Tôi không quan tâm là việc gì”.

“Dần dần, các gia đình trẻ sẽ ngày càng khó tích lũy tài sản”, William R. Emmons – nhà kinh tế học tại Trung tâm Ổn định Tài chính gia đình, Cục Dự trữ Liên bang St. Louis – cho biết. “Chúng ta nghĩ họ sẽ theo kịp sau đó nhưng tình hình hiện tại không cho tôi quá nhiều lý do để tin rằng điều đó sẽ xảy ra”.

Những bất lợi này càng định hình thêm viễn cảnh của người trẻ Mỹ về tương lai sau này. Số người kết hôn, sinh con, hay mua nhà ít hơn hẳn so với những người Mỹ ở độ tuổi này trong nhiều thập kỷ trước đó.

Gardner cho biết cô và bạn trai Schade cũng muốn kết hôn và mua nhà. Tuy nhiên, cô nói: “Chúng tôi sẽ còn mắc nợ dài dài, vì thế sinh con là điều bất khả thi”.

Có khả năng đợt suy thoái này sẽ không diễn ra lâu nhưng các nhà kinh tế học đang cho rằng sự bất ổn đã kịp để lại những hậu quả lâu dài cho các gia đình trẻ.

Khủng hoảng năm 2008 đã khiến người trẻ Mỹ lưỡng lự hơn khi đầu tư vào thị trường chứng khoán. Theo dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang St. Louis, ngày nay người trẻ chỉ nắm giữ 1/3 số cổ phiếu mà thế hệ X có được trên thị trường chứng khoán trước khi khủng hoảng năm 2008 xảy ra.

Điều này đồng nghĩa với việc các gia đình trẻ ít được hưởng lợi từ thị trường trong thập kỷ qua. Ngày nay, một người thuộc thế hệ X có số tài sản trên thị trường chứng khoán nhiều gấp 10 lần so với thế hệ trẻ.

Gánh nặng cơm áo gạo tiền trên đôi vai người trẻ Mỹ trở nên tàn khốc hơn vì Covid-19: Thất nghiệp nhưng nợ nần chồng chất, tương lai không biết đi về đâu - Ảnh 4.

Jack Ankenbruck (25 tuổi) – người mà tháng trước vẫn còn kiếm sống bằng nghề chơi trống trong một ban nhạc ở Nashville – đã gửi tiền vào một tài khoản đầu tư cùng với startup Acorns vào năm ngoái. Số tiền anh có được vào tháng 2 là 2.000 USD, trước khi giảm xuống gần một nửa chỉ trong vài tuần gần đây. Điều này khiến Ankenbruck nghi ngờ quyết định đầu tư ban đầu của mình.

“Tôi đang nghĩ: ‘Nếu chỉ gửi 30 USD/tuần vào đó, có lẽ giờ tôi vẫn còn tiền’. Như vậy tôi sẽ có thể sử dụng chỗ tiền ấy bây giờ”, Ankenbruck nói. Giờ đây, anh đang cố kiếm thêm tiền từ việc chơi nhạc online.

Jayci Cumberledge (23 tuổi), sống ở Ohio, không có tài khoản hưu trí. Cô vừa dành nốt 80 USD cuối cùng trong số tiền tiết kiệm của mình để trả khoản vay mua xe, sau khi quán pub cô làm việc vừa phải đóng cửa giữa tháng 3.

Cha mẹ của Cumberledge cũng đã mất việc vài tuần trước đó – bố cô làm việc ở nhà máy Ford, còn mẹ thì lái xe chở trẻ em khuyết tật. Điều đó khiến cô nhận ra họ đã chuẩn bị tốt thế nào cho hoàn cảnh khó khăn này, với một căn nhà toàn quyền sở hữu và không có bất kỳ khoản nợ nào phải trả.

Để thanh toán hóa đơn điện nước cho ngôi nhà di động của mình, Cumberledge phải vay 200 USD từ một người bạn. Cô đang cố gắng kiếm chút tiền bằng cách bán ảnh chụp bàn chân mình cho người những người “cuồng” ngắm chân mà cô tìm thấy trên mạng sau khi viết bài trêu đùa trên Twitter.

“Nếu so sánh với những thế hệ trước – họ đã làm việc chăm chỉ và tiết kiệm được tiền”, Cumberledge nhận xét. “Tôi cảm giác như mình sẽ không bao giờ tìm được một công việc ổn định có đầy đủ phúc lợi và bảo hiểm y tế”.

(Theo NYT)

Theo: Theo Báo dân sinh

Nguồn: genk.vn

Tin liên quan

Scroll Top