Huawei đã ra mắt smartphone dòng Mate mới mà không có các dịch vụ của Google như Play Store, Maps, Search, Gmail… mà thay vào đó là hệ thống dịch vụ Huawei Mobile Service tự phát triển, dùng cửa hàng riêng AppGallery. Dù được trang bị nhiều tính năng mới, đặc biệt về camera, các nhà phân tích vẫn cho rằng bộ đôi này không có doanh số tốt ở thị trường bên ngoài Trung Quốc.
Mate 30 và Mate 30 Pro đang trở thành tâm điểm cho câu chuyện về lệnh cấm Android của Google trong chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Theo Android Author, trước thời điểm ra mắt bộ đôi này, Richard Yu – Giám đốc bộ phận di động của Huawei – cho biết có một số cách để đưa các dịch vụ của Google kể cả khi bị cấm, bởi bản chất của Android là một nền tảng mã nguồn mở. Ông cũng nói rằng “quá trình diễn ra dễ dàng” do Android “có rất nhiều khả năng” để hỗ trợ nhà phát triển đưa ứng dụng mới lên trong trường hợp Huawei không thể làm điều đó do lệnh cấm.
>> Xem thêm: Huawei Mate 30 Pro xuất hiện tại Việt Nam
Forbes đã hỏi đại diện Huawei để xác nhận ý kiến của Yu, nhưng người này từ chối bình luận.
Thực tế, sau khi Mate mới ra mắt, thị trường lập tức chú ý đến một ứng dụng có tên LZPlay, cho phép cài đặt đầy đủ ứng dụng Google, kể cả cửa hàng Play chỉ sau khoảng 10 phút. Không ít nghi ngờ cho rằng công ty Trung Quốc đã “bật đèn xanh” cho người dùng và đây là hành động lách luật trước lệnh cấm. “Không đơn giản mà LZPlay có thể thực hiện điều đó một cách dễ dàng như vậy. “Để làm việc này, nó cần phải được cấp phép từ Huawei”, trang Android Central dẫn lại nghiên cứu của chuyên gia bảo mật có tên John Wu.
Wu phân tích, việc cài đặt tệp dành cho Android (đuôi *.apk) thông thường cần phải có quyền truy cập hệ thống và được cấp phép phân vùng riêng, cũng như phải thông qua Google Mobile Services (GMS). Các ứng dụng Android muốn truy cập vào những dịch vụ của Google cũng đều phải thông qua GMS. Huawei không thể làm điều đó từ nhà máy vì họ bị cấm hợp tác với Google. Mate 30 cũng đã bị khóa bootloaders nên khó ai có thể root và can thiệp sâu hơn.
Không những thế, nếu phần mềm bên thứ ba nào muốn cài ứng dụng lên thiết bị Huawei đều cần được cấp API Huawei MDM (Mobile Device Manager) vốn phải đi kèm nhiều khâu đánh giá và ràng buộc pháp lý từ phía công ty Trung Quốc. Chính vì vậy, chuyên gia này nghi ngờ Huawei đã lách luật bằng cách “mở cửa” cho LZPlay.
Không lâu sau bài đăng của Wu, website của LZPlay đã bị đóng cửa. Trong khi đó, Huawei phủ nhận liên quan đến LZPlay và cho biết Mate mới không còn cài GMS.
Thế nhưng, không chỉ LZPlay, những smartphone như Mate 30 sau này sẽ còn vấp phải nguy cơ còn lớn hơn, khi không vượt qua được bài kiểm tra bảo mật SafetyNet của Google. SafetyNet là giải pháp bắt buộc nhằm giúp nhà phát triển Android bổ sung thêm lớp bảo mật lên ứng dụng của họ nhằm bảo vệ người dùng trước các mối đe dọa về bảo mật do thiết bị đã bị root hoặc chỉnh sửa, cũng như liên kết độc hại, malware hay các rủi ro khác.
Khi trình làng, Mate mới vượt qua bài kiểm tra SafetyNet, nhưng sau đó thì không. Vẫn chưa rõ lý do thay đổi này có liên quan đến bài đăng của Wu hay do tác động từ lệnh cấm của chính phủ Mỹ áp đặt lên Huawei, nhưng một số chuyên gia cho rằng điều đó có thể trở thành vấn đề lớn đối với Huawei tại Trung Quốc.
“Nếu Mate 30 không được cập nhật bảo mật ở ngoài Trung Quốc, điều tương tự nhiều khả năng cũng xảy ra ở thị trường nội địa. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ bị tấn công và nhiễm phần mềm độc hại ngày một cao, từ đó có thể ảnh hưởng lớn đến doanh số bán hàng smartphone này tại chính quê nhà của Huawei”, một chuyên gia nhận định.
Theo: Bảo Lâm
Nguồn: VNExpress