Bài viết dưới đây hướng dẫn cho phiên phản 1.86.0, bản 64bit. Trong phiên bản này thì các tap được sắp xếp theo thứ tự là CPU, Caches, Mainboard, Memory, SPD, Graphics, Bench và About. Khi chọn một tab bất kì, sẽ có các thông tin nằm trong tab đó.
Tap CPU có các thông tin về tên, số nhân, số socket, số luồng, mức tiêu thụ điện, công nghệ, tốc độ xung,…
Trong đó:
Name: Tên CPU, trong ảnh chụp màn hình máy tính của mình là Intel Core i3 4005U.
Code Name: Tên mã của vi kiến trúc CPU.
Max TDP: Mức tiêu thụ điện tối đa của CPU.
Package: Loại socket của CPU, với mỗi loại socket khác nhau sẽ có số lượng chân cắm khác nhau. Thông số này rất quan trọng khi bạn muốn nâng cấp CPU, bạn không thể mang 1 chip CPU socket 478 gắn vào socket 1155 và ngược lại. Quantrimang.com đã có bài viết về danh sách socket CPU khá chi tiết, bạn có thể tham khảo thêm nhé.
Technology: Công nghệ của các bóng bán dẫn. Như trong ví dụ của mình là 22nm, con số này càng nhỏ càng tốt, vì nó giúp chip có thể chứa nhiều bóng bán dẫn hơn, chạy nhanh, hiệu quả hơn. Công nghệ này đang ngày càng được cải tiến, ở những CPU mới nhất đã có thể đạt 14nm (dòng Coffee Lake của Intel). Trên điện thoại Apple đã bắt đầu sản xuất vi xử lý A12 7nm cho các thiết bị của mình.
Core Voltage: Điện áp cho nhân của chip, thông số này thường không cố định vì các chip hiện đại thường tự điều chỉnh điện áp tiêu thụ để tiết kiệm điện.
Specification: Tên CPU đầy đủ của máy tính.
Family: Kiến trúc chính của chip. Ví dụ trên CPU của Intel có Family 6 là thế hệ P6 (Pentium Pro, Pentium II, Pentium III và Pentium M – tất cả đều có cùng thiết kế đơn vị thực thi (execution unit)). Bạn có thể tham khảo thêm trên Wikipedia về danh sách vi xử lý của chip Intel.
Model: Là loại CPU trong Family mà máy tính đang có. Ví dụ với Family 15 (thế hệ NetBrust), model 0 là lõi Willamette, model 1 là lõi Willamette đã được cải tiến. Model 2 là Northwood được xây dựng trên công nghệ mới hơn. Model 3 là lõi Prescott trên với công nghệ 90nm, model 4 vẫn là Prescott nhưng có thêm cải tiến như hỗ trợ No-eXecute. Số model này về cơ bản là cách để nhận dạng loại lõi của CPU. Bạn có thể tra model của mình trong link của phần Family bên trên để biết thêm thông tin về CPU của mình nhé.
Stepping: Đây là số xác định loại cải tiến nào đã được thực hiện cho lõi, và mức độ mới là bao nhiêu. Có thể hiểu nó giống như các bản vá lỗi phần mềm, con số này càng lớn nghĩa là nó đã được nhiều lần fix lỗi, cải tiến từ các bản trước đó.
Revision: Kết hợp Family, Model và Stepping có thể cho bạn biết tên Revision (phải check trong datasheet mà Intel cung cấp). Nhờ biết Revision, bạn có thể tìm thấy những cải tiến đã được thực hiện giữa các chip cùng Family và Model nhưng có Stepping khác nhau. Và với thông số Revision mà CPU-Z, bạn có thể dễ dàng biết được tên Revision mà không cần tìm datasheet nữa. Trong ví dụ bài viết này của mình Revision là C0.
Instructions: Đây là danh sách tập lệnh mà chip xử lý.
Core Speed: Xung nhịp của CPU, thông số này với core voltage thường xuyên thay đổi để tiết kiệm điện.
Multiplier: Hệ số xung (hay còn gọi là tỷ lệ bus) thiết lập tỷ lệ của tốc độ xung nhịp bên trong với xung được cung cấp bên ngoài. Ví dụ, con số này là x10 thì sẽ thấy 10 chu trình bên trong cho mỗi chu kỳ xung nhịp bên ngoài.
Bus Speed: Tốc độ bus.
Level 3: Thông số về bộ nhớ đệm, càng cao càng tốt, vì CPU sẽ ít bị nghẽn dữ liệu khi xử lý. Số level càng lớn thì CPU chạy càng nhanh.
Cores và Threads: Số lõi (hay nhân) và số luồng của CPU. Số này thường là số chẵn, như trong ảnh chụp của mình là 2 nhân, 4 luồng.
Đối với Tap Caches sẽ giúp bạn có thêm thông tin về cache. Các CPU đời đầu chỉ có một mức cache và mức đó cũng không được chia thành L1 D-Cache (cho dữ liệu) và L1 I-Cache (cho chỉ lệnh). Hầu hết các CPU hiện đại có L1 Cache được phân chia. Tất cả các CPU hiện đại đều có nhiều mức cache và hầu hết chúng đều có L2 Cache, và mới hơn nữa là L3 Cache. L2 thường không phân chia và hoạt động như một kho lưu trữ chung cho L1. Mỗi nhân trong chip đa nhân đều có một L2 Cache chuyên dụng và thường không được chia sẻ giữa các nhân. L3 Cache là cache ở cấp cao hơn, được chia sẻ giữa các nhân và không bị phân chia. Đã có L4 Cache, nhưng cache này chưa phổ biến trên CPU, nó xuất hiện trên DRAM nhiều hơn.
Trong Tap này sẽ cho bạn biết thông tin về nhà sản xuất bo mạch chủ, chipset, BIOS và giao diện đồ họa.
Cụ thể trong tab này bạn sẽ có:
– Manufacturer: Tên nhà sản xuất bo mạch chủ, ví dụ Acer, Asus, Foxconn,…
– Model: Model của bo mạch chủ, bên cạnh là tên phiên bản.
– Chipset: Hãng sản xuất, loại chip và Revision.
– Southbridge: Hãng sản xuất, loại southbridge và Revision.
– BIOS: Hiển thị thông tin về thương hiệu, phiên bản và ngày sản xuất BIOS.
– Graphic Interface: Thông tin về khe cắm card đồ họa trên mainboard. Version là phiên bản được hỗ trợ, thường chỉ có PCI-Express và AGP. Link Width là độ rộng của băng thông nhưng không phải bo mạch chủ nào cũng hỗ trợ khe cắm này.
Tab Memory cho biết thông tin về bộ nhớ RAM và hầu hết các thông tin khác trong tab này đều dành cho người dùng nâng cao.
– Type: Loại RAM của máy tính, ở đây là DDR3.
– Size: Dung lượng RAM, ở đây là 4GB
– Chanel #: Cho biết bạn đang dùng mấy khe RAM, Single là 1, Dual là 2. Thông số là Single cũng có khi là máy chỉ có 1 khe RAM. Bạn có thể kiểm tra số khe RAM của máy tính trong tab SPD như bên dưới.
– DRAM Frequency: Tốc độ bus thật của RAM
– NB Frequency: Là tốc độ của NorthBridge.
Lưu ý: Khi còn khe RAM trống và muốn nâng cấp RAM cần để ý đến thông số là loại RAM và tốc độ của RAM để chọn mua cho đúng.
Trong tab này, bạn sẽ thấy các thông tin về mỗi một thanh nhớ trong mỗi một khe cắm trên bo mạch chủ. Có thể thấy được kích thước của chip, kiểu RAM và tần số nó hoạt động. Thêm vào đó cũng có một bản định thời hiển thị các thông tin chi tiết dựa trên cấu hình.
– Slot #1: Nhấp vào mũi tên cạnh ô Slot #1, có bao nhiêu slot là có bấy nhiêu khe RAM. Thông thường máy tính sẽ có 2 hoặc 4 khe cắm RAM tương đương với số Slot # tối đa là 2 hoặc 4.
– DDR3: Kiểu RAM
– Module Size: Dung lượng của RAM cắm ở khe đang xem, tính bằng đơn vị MB, 4096MB tương đương 4GB.
– Max Bandwidth: Tốc độ băng thông tối đa. Nhờ có thông số này bạn có thể tính được Bus RAM, bằng cách lấy phần xung nhịp trong dấu ngoặc đơn nhân với 2. Trong ảnh chụp của mình là 800Mhz x 2 = 1600Mhz.
– Manufacturer: Tên hãng sản xuất RAM.
– Các phần khác trong tab này, bạn có thể tìm thêm trên Google nhé, với người dùng bình thường mình nghĩ dừng ở đây được rồi.
Tab đồ họa cung cấp thông tin về GPU như tên, nhà sản xuất, công nghệ GPU. Nếu muốn kiểm tra kỹ hơn về card đồ họa, bạn có thể sử dụng công cụ chuyên dụng là GPU-Z.
– Display Device Selection: Phần này bị mờ là do máy mình chỉ có một card màn hình. Nếu máy tính có nhiều card màn hình, phần này sẽ sáng lên và bạn có thể chọn card cần xem.
– Name: Tên của hãng sản xuất chip đồ họa.
– Code name: Tên code của chip đồ họa đang chạy trên máy.
– Core: Tốc độ xung của GPU.
– Size: Dung lượng của card đồ họa.
– Technology: Công nghệ của card đồ họa, giống như công nghệ chip CPU, con số này càng nhỏ càng tốt.
– Type: Kiểu xử lý, ví dụ như: 64bit, 128bit, 256bit. Thông số này càng cao, card của bạn càng cao cấp và xử lý đồ họa càng tốt.
Đối với Tab Ben, bạn sẽ biết điểm benchmark của CPU đang chạy trên máy tính bằng cách chạy một bài kiểm tra nhỏ. Sau khi chạy xong, bạn có thể so sánh CPU của mình với các CPU khác, bằng cách chọn trong ô Reference màu xanh. Tích vào ô bên cạnh Reference màu đen sẽ quy đổi kết quả thành % để bạn dễ so sánh.
Tab này sẽ cung cấp cho các bạn các thông tin chi tiết về phần mềm và một số thông tin chi tiết về hệ thống. Cho ví dụ, các bạn có thể thấy phiên bản Windows, gói dịch vụ được cài đặt và phiên bản DirectX. Từ tab này, bạn có thể kết xuất dữ liệu vào một file HTML.
Theo: Nhung Đỗ
Nguồn: techz.vn