“Liên minh app store” của Trung Quốc có thể coi là một thế lực không thể xem nhẹ hay không?

08:23 Sáng - 13/02/2020
0 Bình luận
593
bởi Thiên Quang

Các cửa hàng ứng dụng (app store) của Trung Quốc từ lâu đã luôn bị xem là một mớ hổ lốn. Kể cả những app store uy tín như AppGallery của Huawei cũng đầy rẫy những ứng dụng mờ ám, hàng nhái, và nội dung vi phạm bản quyền.

Phần mềm nói chung vẫn là một điểm yếu lớn của các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc, ít nhất là trên thị trường quốc tế. Do đó, cũng dễ hiểu tại sao một số người nhanh chóng ngó lơ thông tin vừa nổi lên trong tuần này rằng các nhà sản xuất điện thoại lớn nhất Trung Quốc đang cùng nhau tạo nên một “liên minh ứng dụng”. Nhưng có lẽ họ đang có chút sai lầm.

Tứ cường hợp sức

Sáng kiến “liên minh ứng dụng” có tên gọi đầy đủ là “Global Developer Service Alliance” (GDSA, tạm dịch: Liên minh Dịch vụ Nhà phát triển Toàn cầu). Vào lúc này, mục tiêu của GDSA là cung cấp cho các nhà phát triển một nền tảng đơn nhất để tải lên các ứng dụng của họ, và chúng sẽ được chia sẻ cho các app store đang được duy trì bởi Xiaomi, Oppo, và Vivo.

Theo Reuters, Huawei cũng là một phần của GDSA. Dù công ty từ chối bình luận, nhưng Huawei hiển nhiên có thể hưởng lợi từ bất kỳ sáng kiến nào có thể thay thế được, dù chỉ là một phần, Play Store của Google.

Cùng nhau, Huawei, Xiaomi, Oppo và Vivo chiếm đến hơn 40% thị trường điện thoại. Họ còn là những đối thủ đáng gờm của nhau trong một ngành công nghiệp có tính cạnh tranh rất cao này.

Để tứ cường này hợp sức cùng nhau, họ hẳn phải có một động lực thực sự nào đó. Quả nhiên, động lực đó đến từ chính phủ Mỹ: các lệnh cấm vận đặt lên ZTE (năm 2018) và Huawei (đang diễn ra).

Trong số 4 công ty, chỉ có Xiaomi là đưa ra một tuyên bố ngắn gọn về GDSA: “Global Developer Service Alliance chỉ nhằm tạo điều kiện cho việc tải đồng thời các ứng dụng bởi các nhà phát triển lên các app store của Xiaomi, Oppo và Vivo. Dịch vụ này không có ý định cạnh tranh với Google Play Store

Lời phủ nhận lưng chừng này không giải thích được tại sao Xiaomi phải gia nhập một “liên minh toàn cầu” cùng các đối thủ lớn nhất của mình, chỉ để xây dựng nên một dịch vụ phân phối ứng dụng đơn giản.

Website của GDSA cho biết tham vọng của họ không đơn thuần là trở thành một hệ thống tải lên thống nhất dành cho các app store của các OEM. GDSA cho biết sẽ mang lại “các dịch vụ bao gồm phân phối nội dung, hỗ trợ phát triển, hoạt động quảng bá, thúc đẩy nhãn hiệu, và sinh lời từ số lượt truy cập đến với các nhà phát triển toàn cầu”.

Nghe có vẻ giống hệt những gì Google đang mang lại thông qua Play Store!

Liên minh app store của Trung Quốc có thể coi là một thế lực không thể xem nhẹ hay không? - Ảnh 1.

Biểu hiện của sự sợ hãi?

Lệnh cấm vận đặt lên Huawei và ZTE đã cho cả ngành công nghệ Trung Quốc thấy sự mong manh dễ vỡ của chính họ. Chính phủ Mỹ chỉ cần gạt một nút bấm, dòng linh kiện trọng yếu ngay lập tức dừng lại.

Lệnh cấm đã đập nát ảo tưởng rằng chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa thực thụ, nơi tiền bạc và hàng hóa sẽ luôn tự do lưu thông, bất kể tình hình chính trị.

Huawei đã tồn tại qua lệnh cấm – 10 tháng trôi qua, và công ty dường như vẫn khỏe mạnh, tiếp tục chiến đấu. Nhưng Huawei là một con khỉ đột của ngành điện thoại Trung Quốc. Xiaomi và các nhãn hiệu của BBK không có quy mô và nguồn tài nguyên dồi dào để có thể làm điều tương tự. Cứ nhìn vào ZTE sẽ rõ. Họ là một công ty lớn, hơn nhiều so với Xiaomi hay BBK, nhưng chỉ vài tuần sau khi Mỹ công bố lệnh cấm xuất khẩu, ZTE đã phải đóng cửa các nhà máy của mình.

Ngay cả Huawei “vĩ đại” cũng không thể tìm ra giải pháp để thoát khỏi thế độc quyền hoàn toàn của Mỹ đối với các hệ điều hành di động – hay nói rộng hơn, là các nền tảng di động mà mọi người thực sự muốn sử dụng và các nhà phát triển ứng dụng thực sự muốn hỗ trợ. Đó là lý do tại sao Mate 30 Pro, dù sở hữu phần cứng siêu việt, vẫn chết không kịp ngáp trên mọi thị trường ngoài Trung Quốc.

Trung Quốc đứng dậy

Vậy các nhà sản xuất smartphone đầy tham vọng của Trung Quốc có thể làm gì? Hợp đồng tác chiến, tìm cách xây dựng nên một nền tảng thay thế khả thi cho nền tảng của Google. Kế hoạch ảm đạm của họ là gắng sức thực hiện một kế hoạch đầy chênh vênh trong khi hi vọng Bộ Thương mại Mỹ không vươn tay can thiệp.

Ở thời điểm hiện tại, GDSA chỉ là một website nửa vời, xoay quanh nó là những dự đoán dựa trên một nguồn tin chưa được xác nhận. Nhưng có lẽ tình hình sẽ không như vậy lâu nữa.

Cứ 4 smartphone được bán ra trong năm 2019 thì có đến 3 chiếc đến từ các OEM Trung Quốc. Tất cả các công ty này đều có lý do để hỗ trợ một nền tảng thay thế cho nền tảng của Google mà không lo ngại vấn đề cấm vận. Ngay cả khi một vài trong số họ nghĩ rằng sẽ miễn nhiễm trước các mối đe dọa từ Mỹ, chính phủ Trung Quốc chắc chắn vẫn sẽ khuyến khích họ “nhảy lên thuyền”.

Trung Quốc đã bỏ ra 21 tỷ USD để đầu tư vào các chipset “nhà trồng”. Nước này đã đổ một nguồn tài nguyên khổng lồ vào phát triển công nghệ AI và 5G. Xây dựng một nền tảng ứng dụng hiển nhiên rẻ hơn nhiều, nhưng tầm quan trọng của nó đối với tham vọng dẫn đầu ngành công nghệ toàn cầu của Trung Quốc thì không hề kém AI hay 5G.

Liên minh app store của Trung Quốc có thể coi là một thế lực không thể xem nhẹ hay không? - Ảnh 2.

Liệu có khả thi?

Các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc có những lý do hết sức hợp lý để chung tay xây dựng một nền tảng thay thế Play Store. Nhưng không có gì đảm bảo họ sẽ thành công.

Đầu tiên, các công ty Trung Quốc trước nay khá vô duyên trong việc xây dựng nên các nền tảng toàn cầu (trừ TikTok). Phần mềm vẫn là điểm yếu của họ, dù rằng có lẽ nguyên nhân xuất phát từ việc họ có những ưu tiên khác, chứ không phải thiếu năng lực kỹ thuật. Vài năm trước, Samsung cũng từng bị chế nhạo vì phần mềm; chẳng có lý do gì Huawei và các “đồng minh” không thể làm như họ.

Xây dựng nên một nền tảng thay thế tốt cho Play Store sẽ đòi hỏi nhiều năm miệt mài, rất nhiều tài nguyên, và một cam kết mạnh mẽ. Có lẽ chừng đó là quá nhiều để đòi hỏi ở một nhóm các công ty rất khác nhau, với những lợi ích cạnh tanh và tầm nhìn khác biệt. Ai dám chắc Xiaomi vẫn sẽ hợp tác với Huawei trong một vài năm tới?

Google sẽ không vui với bất kỳ động thái nào nhằm làm suy yếu “tay nắm thép” của hãng lên hệ sinh thái Android. Dù không thể sử dụng các căn cứ pháp lý để ngăn cấm sự xuất hiện của các app store cạnh tranh, hãng này có thể làm nhiều cách khác, tận dụng vị thế của mình, để phản ứng lại những mối đe dọa.

Lòng tin – hoặc thiếu lòng tin – là một vấn đề lớn. Một app store do Trung Quốc chống lưng sẽ phải làm sao để thuyết phục được hàng triệu người dùng trên toàn thế giới tin tưởng trao cho dữ liệu cá nhân và số tài khoản ngân hàng của họ. Thậm chi với các công ty có tên tuổi ở phương Tây, đó cũng là một điều cực kỳ khó khăn!

Đối thủ của Play Store đến từ Trung Quốc cũng sẽ phải lấy được lòng tin từ các nhà phát triển. Bên cạnh những vấn đề cơ bản như cơ sở hạ tầng kỹ thuật vững chắc, các nhà phát triển sẽ cần biết sản phẩm của họ được bảo vệ khỏi nạn ăn cắp bản quyền ra sao. Các nhà phát triển nổi tiếng sẽ không muốn dính vào các ứng dụng có malware giả mạo hay những virus độc hại khác. Đó là một vấn đề rất lớn mà nhiều app store Trung Quốc đang gặp phải ngay lúc này.

Các thành viên của GDSA biết họ có rất nhiều việc phải làm. Nhóm này nhắm đến các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Nga và Philippines. Những quốc gia này vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, và là nơi hệ sinh thái của Google có tầm quan trọng tương đối thấp so với ở phương Tây.

Kết

Có lẽ chúng ta đã sai khi nhìn nhận về GDSA. Có lẽ đúng như lời Xiaomi, rằng nó không có ý định và không phải để đe dọa Play Store. Nhưng chắc chắn các công ty Trung Quốc rốt cuộc sẽ tìm cách xây dựng nên nền tảng di động của riêng mình. Sau lệnh cấm Huawei, họ không còn có thể dựa dẫm vào Google nữa.

Nếu họ thành công, hệ sinh thái Android sẽ trở nên phân mảnh hơn bao giờ hết. Hệ quả là gì, khó có ai dự báo được. Có thể sẽ có một số hệ quả tích cực – cạnh tranh càng nhiều, người tiêu dùng càng hưởng lợi. Số khác thì không – người tiêu dùng vì cảm thấy không an tâm sẽ chuyển sang…Apple.

Trớ trêu thay, người đau nhất khi Mỹ ban hành lệnh cấm Huawei có lẽ là Google. Họ phải đối mặt với nguy cơ các công ty Trung Quốc xuất khẩu các mẫu máy không có ứng dụng Google vốn ban đầu chỉ bán trong nước ra nước ngoài. Một tương lai nơi thế giới bị phân chia thành những khu vực công nghệ riêng biệt, với những công ty riêng biệt gây ảnh hưởng lên từng khu vực, là điều có thể nhìn nhận được.

Tham khảo: AndroidAuthority

Theo: Trí Thức Trẻ

Nguồn: genk.vn

Tags:

Tin liên quan

Scroll Top