2015 từng là một năm mang rất nhiều hy vọng của Xiaomi. Sau nhiều năm tăng trưởng nóng, “Apple của Trung Quốc” bắt đầu năm bằng mục tiêu đầy hy vọng: 100 triệu smartphone. Nhưng đến những tháng cuối năm, thị trường smartphone toàn cầu bắt đầu có những dấu hiệu bão hòa. Mục tiêu của Xiaomi bị giảm xuống còn 80 triệu, và đến cuối năm, số liệu thực tế cho thấy công ty chỉ bán được 70 triệu chiếc.
Năm 2016 còn tồi tệ hơn, nhưng Xiaomi sau đó đã nhanh chóng phục hồi bằng nhiều chiến lược đúng đắn: mở rộng ra nhiều thị trường, mở rộng nhiều thương hiệu con và đặc biệt là những chuỗi cửa hàng Mi Home/Mi Store được phổ cập khắp các thị trường trọng yếu. Vị trí trong top 5 thế giới nằm gọn trong tay Xiaomi khi hãng này bán được 120 triệu smartphone trong năm 2018 và 125 triệu máy trong năm 2019 (số liệu Canalys, một công ty phân tích thị trường rất hay được Xiaomi trích dẫn).
Nhưng cũng giống như nhiều thương hiệu smartphone khác, Xiaomi đã phải trải qua 6 tháng tồi tệ vì Covid-19. Và cũng ngay vào thời khắc u ám này, những điểm yếu đáng lo ngại nhất của “Apple Trung Quốc” đã bị phơi bày.
Rõ ràng là Xiaomi đang gặp vấn đề khi doanh số suy giảm tới một nửa tại thị trường vốn đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng.
Tín hiệu đáng lo đầu tiên: quý 2 vừa qua, lượng điện thoại Xiaomi xuất xưởng tại Ấn Độ đã suy giảm tới 49%. Mức giảm đặc biệt nghiêm trọng này đã khiến Xiaomi để mất vị trí số 1 vào tay Samsung. Đây thực sự là một hiện tượng bất ngờ, bởi từ khi giành vị trí số 1 của Samsung vào 2 năm trước, Xiaomi đã luôn giữ được khoảng cách nhất định trước đối thủ Hàn Quốc.
Trong nhiều năm qua Ấn Độ đã luôn là thị trường đóng vai trò “mũi nhọn” tăng trưởng của Xiaomi. Thương hiệu con Pocophone được tập trung vào Ấn Độ hơn là “quê nhà” Trung Quốc. Quá trình phục hồi của Xiaomi trong 5 năm qua gần như gắn liền với sự xuất hiện ồ ạt của các Mi Store tại quốc gia 1,3 tỷ dân. Nếu không thể đưa thị trường này tăng trưởng trở lại, Xiaomi sẽ sớm chứng kiến doanh số toàn cầu suy giảm.
Dĩ nhiên, chẳng có một công ty nào có thể tăng trưởng mãi mãi. Covid-19 cũng là một hiện tượng khách quan, nằm ngoài dự tính của Xiaomi. Nhưng vấn đề là ở chỗ, Xiaomi đã luôn tuyên bố sẵn sàng hy sinh lợi nhuận để đổi lấy doanh số. Việc doanh số suy giảm sẽ là một đòn đánh mạnh vào lòng tin của các nhà đầu tư: mô hình kinh doanh của Xiaomi sẽ không còn khả thi nữa.
Xiaomi đang thực sự bị Apple và Huawei đánh cho tan tác tại thị trường Trung Quốc.
Thực tế, Xiaomi hiểu rõ điều này hơn ai hết. 2020 là năm chứng kiến Xiaomi thay đổi chính sách giá rõ rệt nhất trong suốt 10 năm hoạt động. Ngay cả khi phải ra mắt online vì Covid-19, Hạt Gạo Nhỏ vẫn đặt mức giá khởi điểm lên tới 600 USD (quy đổi từ Nhân Dân Tệ) cho Mi 10. Chiếc Mi 10 Ultra mới ra mắt gần đây khởi điểm ở mức gần 700 USD và có thể lên tới 1000 USD cho bản đắt nhất. Không còn khả năng tăng trưởng doanh số, Xiaomi buộc phải làm điều đã được các nhà đầu tư kêu gọi từ lâu: tìm đến lợi nhuận.
Nhưng chiến lược này có vẻ cũng đang gặp khó. Tại quê nhà Trung Quốc, Xiaomi cũng bị sụt giảm 19%, cao nhất trong 5 thương hiệu đứng top vào quý 2 vừa qua. Cùng kỳ, Huawei tăng 8%, và Apple tăng tới… 35%. Con số ấn tượng của Apple cho thấy nhu cầu điện thoại giá cao có vẻ đã phục hồi vào quý vừa qua, khi sức tàn phá của Covid-19 đã không còn nặng nề như trước. Nhưng Xiaomi lại không thể tận dụng được sự phục hồi đó, trái lại còn tiếp tục mất thị phần vào tay Huawei và Apple.
Chính Xiaomi cũng đang thể hiện sự bối rối trong chiến lược cao cấp. Khi ra mắt Mi 10 Ultra, công ty Trung Quốc cũng đưa ra tuyên bố sẽ không phát hành một mẫu Mix nào trong năm nay. Như vậy, đây sẽ là năm thứ 2 Xiaomi không thể ra mắt một sản phẩm chủ lực thực sự mới cho mùa mua sắm cuối năm (chiếc Mix Alpha ra mắt vào năm ngoái được Xiaomi gọi là “sản phẩm thử nghiệm” và không bán đại trà).
Ác mộng 2015 đang lặp lại: Xiaomi ngừng tăng trưởng khi chưa kịp chuyển mình thành thương hiệu cao cấp.
Cũng giống như các nhà sản xuất khác, Xiaomi được quyền hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn trong thời kỳ hậu-Covid. Nhưng nếu có xảy ra, tương lai tươi sáng (hơn) mà chúng ta nói đến cũng chẳng thể kéo dài lâu. Cứ cho rằng doanh số có thể tăng trở lại, Xiaomi rồi cũng sẽ có lúc không thể tăng trưởng được nữa. Từ giờ đến lúc ấy, Xiaomi sẽ buộc phải thay đổi. Thương hiệu Mi sẽ phải tiến bước lên phân khúc cao cấp.
Đáng buồn rằng, 5 năm trước, Xiaomi cũng đang gặp khó như bây giờ. Và 5 năm trôi qua, chìa khóa duy nhất của Xiaomi là tăng trưởng thay vì thực sự thay đổi để trở thành một thương hiệu có giá trị như Apple hay Samsung. Covid-19 có thể chỉ là một sự kiện “không may mắn”, nhưng cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh: điều gì sẽ xảy ra khi Xiaomi không thể chạy đua doanh số nữa? Liệu Xiaomi có kịp thay đổi để một lần nữa vượt qua khó khăn?
Theo: Trí Thức Trẻ
Nguồn: genk.vn