Nghi vấn BKAV “đạo” ảnh của đối thủ để quảng cáo cho sản phẩm của mình?

09:30 Sáng - 15/11/2021
0 Bình luận
373
bởi Nam Nguyễn

Đây không phải là lần đầu tiên BKAV có những hành vi vi phạm bản quyền.

Trong tháng tới, BKAV sẽ mở bán AirB, chiếc tai nghe true wireless đầu tiên của thương hiệu này. AirB được công bố lần đầu hồi tháng 5/2020 cùng Bphone B86, nhưng sau đó đã bị trì trệ trong suốt 1.5 năm qua bởi những rào cản về kỹ thuật và dịch bệnh. Phải đến cuối tháng 10, BKAV mới bắt đầu tiết lộ thông tin về mẫu tai nghe này và mở chương trình đặt cọc.

Trong thời gian qua, BKAV đã liên tục đăng tải trên mạng xã hội những bài đăng nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu cho AirB. Một trong số những bài đăng đó là vào ngày 3/11, khi CEO Nguyễn Tử Quảng giải thích về cách thức hoạt động của công nghệ chống ồn Hybrid ANC và chia sẻ những thành tựu mà các kỹ sư BKAV đã đạt được với AirB Pro.

Nghi vấn BKAV đạo ảnh của đối thủ để quảng cáo cho sản phẩm của mình? - Ảnh 1.

Bài đăng của CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng trên mạng xã hội

Kèm bài đăng là một hình ảnh mang tính chất giúp người đọc có một cái nhìn dễ hiểu hơn về công nghệ Hybrid ANC. Hình ảnh cho thấy sự xuất hiện của chipset Qualcomm, cũng là nền tảng mà BKAV sử dụng để xây dựng tai nghe AirB Pro.

Nghi vấn BKAV đạo ảnh của đối thủ để quảng cáo cho sản phẩm của mình? - Ảnh 2.

Hình ảnh được CEO BKAV đính kèm bài đăng

Tuy nhiên, một số người dùng đã phát hiện ra rằng hình ảnh này thực chất không phải do BKAV tự thiết kế. Thực tế, đây là một hình ảnh thuộc quyền sở hữu của Cirrus Logic, một đối thủ của Qualcomm trên thị trường chipset audio.

Nghi vấn BKAV đạo ảnh của đối thủ để quảng cáo cho sản phẩm của mình? - Ảnh 3.

Hình ảnh của Cirrus Logic về tính năng ANC

Có thể thấy, khi so sánh với hình ảnh gốc, hình ảnh của BKAV đã được chỉnh sửa để có được chiếc tai nghe minh hoạ giống với hình dáng của AirB. Ngoài ra, con chip của Cirrus Logic cũng bị thay thế bằng chip của Qualcomm.

Bài đăng của CEO Nguyễn Tử Quảng không đề cập tới Cirrus Logic, cũng như nguồn gốc của bức ảnh. Một người dùng cho biết sau khi đăng bức ảnh gốc của Cirrus Logic dưới phần bình luận của bài viết của ông Nguyễn Tử Quảng, bình luận của người này sau đó đã bị xoá, sau đó tài khoản Facebook cũng bị CEO BKAV chặn.

Trước đây, CEO Nguyễn Tử Quảng từng dành lời khen dành cho đội ngũ thiết kế của BKAV. Cụ thể, ông cho rằng BKAV đã có thể giải quyết được “nỗi băn khoăn lớn của cả giới thiết kế trên thế giới” khi tạo ra thành công những biểu tượng (icon) cho Bphone được bo góc mềm mại. Thế nhưng, vì một lý do nào đó, đội ngũ thiết kế của BKAV lại cho ra một bức hình minh hoạ giống hệt với đối thủ để CEO sử dụng.

BKAV từng nhiều lần vi phạm bản quyền

Mặc dù là một công ty bán phần mềm, tuy nhiên BKAV từng bị nhiều lần phát hiện vi phạm bản quyền dưới nhiều hình thức khác nhau.

Năm 2008, BKAV từng tự ý tích hợp thư viện của phần mềm giải nén WinRAR vào phần mềm diệt virus nhằm mục đích đọc nội dung các tệp tin nén. Đây là một thư viện theo dạng “shareware”, tức người dùng có quyền dùng thử trong một khoảng thời gian, nhưng phải trả phí khi thời gian này kết thúc. Sau khi bị phát hiện, BKAV đã lặng lẽ loại bỏ thư viện trên.

Năm 2015, trong buổi lễ ra mắt Bphone thế hệ đầu tiên, BKAV đã sử dụng hình ảnh trên Internet nhằm trình diễn tính năng chụp trước, lấy nét sau. Đại diện BKAV sau đó cho biết “đây là ảnh demo cho tính năng của Bphone chứ không phải được chụp từ Bphone” và việc lấy ảnh trên mạng là một sai sót đến từ đối tác của công ty.

Nghi vấn BKAV đạo ảnh của đối thủ để quảng cáo cho sản phẩm của mình? - Ảnh 4.
Nghi vấn BKAV đạo ảnh của đối thủ để quảng cáo cho sản phẩm của mình? - Ảnh 5.

Hình ảnh từng được BKAV lấy trên Internet để trình diễn cho tính năng chụp ảnh của Bphone

Năm 2017, cũng trong buổi lễ ra mắt Bphone, BKAV tiếp tục bị nhiều người tố cáo sử dụng hình ảnh cá nhân nhằm phục vụ cho mục đích thử nghiệm và quảng cáo sản phẩm mà chưa có sự cho phép.

Nghi vấn BKAV đạo ảnh của đối thủ để quảng cáo cho sản phẩm của mình? - Ảnh 6.
Nghi vấn BKAV đạo ảnh của đối thủ để quảng cáo cho sản phẩm của mình? - Ảnh 7.

Hai người dùng cho biết BKAV đã sử dụng hình ảnh của mình nhằm mục đích quảng cáo mà chưa có sự xin phép

Về AirB, chiếc tai nghe của BKAV cũng nhận phải nhiều ý kiến trái chiều vì thiết kế giống với AirPods của Apple. Ngoài ra, chữ “Air” trong tên gọi AirB cũng có thiết kế gần như tương tự với logo trước đây của hãng hàng không AirAsia.

Nghi vấn BKAV đạo ảnh của đối thủ để quảng cáo cho sản phẩm của mình? - Ảnh 8.

Trong một buổi livestream giao lưu với cộng đồng, CEO BKAV cho rằng việc AirB có thiết kế giống AirPods là điều “không có gì phải xấu hổ” trong kinh doanh thương mại và là một cách để marketing.

“Đúng, nó nhìn rất giống. Đó là một trong những cách thức về marketing trên thị trường. Các hãng hoàn toàn có thể làm hơi giống với hãng khác, nhưng vẫn có sự khác biệt. Khi các bạn cầm trên tay, các bạn sẽ thấy. Giống cũng có điều hay, đó là để mọi người dễ dàng nhận biết. Tôi có thể thẳng thắn nói như vậy. Thậm chí, về marketing, mọi người sẽ có ý so sánh với các sản phẩm tốt đã có mặt trên thị trường. Ví dụ như hình dáng có thể tương đương rồi, thế chất lượng thì thế nào? Nếu chất lượng của chúng ta mà vượt trội thì tuyệt vời.”

Theo: Pháp luật & Bạn đọc

Nguồn: genk.vn

Tin liên quan

Scroll Top