Những kiến thức cơ bản về màn hình Gaming

08:00 Chiều - 24/02/2020
0 Bình luận
620
bởi An Bùi

Màn hình gần như là thứ mà người sử dụng máy tính phải tiếp xúc gần như là toàn bộ thời gian trong quá trình sử dụng máy tính của mình. Nếu người sử dụng là một game thủ thì bàn phím chuột có thể ví như đôi tay, tai nghe có thể ví như đôi tai thì màn hình chắc chắn chính là đôi mắt. Một game thủ giỏi giang hoặc có mong muốn trở nên giỏi giang cần phải có một đôi mắt tinh anh. Và đó chính là lí do của sự ra đời những màn hình chuyên dành cho game thủ – gaming monitor.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn lượng thông tin vừa đủ để có thể lựa chọn sản phẩm màn hình gaming cho con đường trở thành game thủ của mình.

1. Tần số quét (Refresh Rate)

Tần số quét chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa màn hình gaming và màn hình thông thường1. Nhưng trước hết, bạn cần phải hiểu tần số quét là gì.

Tần số quét chính là con số đo đếm số lần làm mới hình ảnh hiển thị trên màn hình trong vòng một giây. Tần số quét được đo bằng đơn vị Hertz (viết tắt là Hz). Tần số quét càng cao đồng nghĩa với việc số lần hình ảnh được làm mới trong vòng một giây càng nhiều.

nhung kien thuc co ban ve man hinh gaming 2

Khung hình hiển thị trên màn hình mỗi giây khi ở các tần số quét khác nhau

Vậy lợi ích của việc có nhiều hơn số lần làm mới hình ảnh là gì? Đó chính là bạn sẽ có lượng khung hình trên giây mà mắt cảm nhận được nhiều hơn cho một hoạt cảnh. Nếu vẫn chưa hình dung được thì điều đó có nghĩa là chuyển động của nhân vật trong game sẽ mượt mà hơn, tình trạng giật cục sẽ giảm đi đáng kể.

Những màn hình thông thường sẽ có tần số quét rơi vào khoảng 60Hz trong khi đó màn hình gaming sẽ có tần số quét ở mức “cơ bản” là 144Hz và đang chinh phục những đỉnh cao mới, thậm chí trên thị trường hiện đã có những màn hình có tần số quét vượt qua con số 300Hz.

nhung kien thuc co ban ve man hinh gaming 3 

Mẫu màn hình MSI MAG271CQR có tần số quét 144Hz

Nhưng có một điểm bạn cần lưu ý đó chính là tần số quét càng cao đồng nghĩa với khả năng hiển thị số lượng hình ảnh trong vòng một giây càng nhiều, nhưng số lượng hình ảnh mà màn hình có thể hiển thị được trong vòng một giây (Frame per second – fps) lại còn phụ thuộc vào cả hiệu năng của hệ thống máy tính mà bạn đang sử dụng. Vậy nên bạn cần phải cân đối giữa hai yếu tố này khi lựa mua cho mình sản phẩm màn hình gaming – Sức mạnh của bộ máy tính và tần số quét thực tế của màn hình.

2.  Thời gian đáp ứng

Thời gian đáp ứng chính là thời gian để một điểm ảnh trên màn hình thay đổi màu sắc dẫn đến việc thay đổi tổng thể hình ảnh trên màn hình. Nó được đo bằng đơn vị mili giây – ms – và trên thực tế, thời gian đáp ứng và tần số quét có sự liên hệ mật thiết với nhau. Nếu một màn hình có tần số quét cao nhưng thời gian đáp ứng bị thấp thì sẽ xảy ra tình trạng chồng ảnh vì điểm ảnh không thay đổi kịp theo số ảnh hiển thị, thuật ngữ “hiện tượng bóng ma”  – Ghosting –  dùng để mô tả cho hiện tượng này. Vậy nên một màn hình nếu muốn đạt chuẩn gaming thì thời gian đáp ứng phải nằm trong khoảng từ 1ms đến 4ms mà thôi.

nhung kien thuc co ban ve man hinh gaming 4

Thời gian phản hồi thấp – 1ms làm cho hình ảnh sắc nét, rõ ràng hơn

Trên thực tế, có 2 loại thời gian đáp ứng khác nhau:

  • GTG – Gray to Gray: Đây là thời gian để một điểm ảnh chuyển từ sắc xám này sang sắc xám khác nhưng phép đo này thường chỉ đo sự chuyển tiếp nằm trong khoảng 10% đến 90% nên thông số cuối cùng sẽ thường cao hơn thông số mà nhà sản xuất đưa ra cho người sử dụng.
  • MPRT – Moving Pictures Respone Time: Đây là thời gian để toàn bộ điểm ảnh trên màn hình (có thể hiểu là một hình ảnh đang hiển thị trên màn hình) chuyển sang một hình ảnh mới.

Và một nhà sản xuất “có tâm” sẽ sử dụng cách tính MPRT vì nếu so sánh với GTG thì cách tính này có độ chính xác cao hơn hẳn.

3. Đồng bộ hình ảnh

Nếu màn hình là công cụ để hiển thị hình ảnh thì bộ máy tính của bạn, hay nói chính xác hơn là card đồ họa sẽ là công cụ “sản xuất” hình ảnh truyền tới màn hình cho mục đích hiển thị. Và hai “anh bạn” này cần phải “thấu hiểu lẫn nhau” để tránh được trường hợp xé hình – Tearing – trong trường hợp số lượng hình ảnh được truyền đi từ card đồ họa nhiều hơn số lượng hình ảnh mà màn hình có thể hiển thị được trong một giây, hay gọi chính xác hơn là tần số quét của màn hình.

nhung kien thuc co ban ve man hinh gaming 5

Công nghệ đồng bộ hình ảnh

Rất may mắn là trong tất cả sản phẩm màn hình gaming trên thị trường hiện nay đều được tích hợp một trong hai công nghệ đồng bộ hình ảnh NVIDIA G-Sync hoặc AMD FreeSync. Mặc dù có tên gọi khác nhau nhưng về bản chất hai công nghệ này đều sẽ đồng bộ khung hình được card đồ họa “sản xuất” với khung hình được hiển thị trên màn hình với nhau để tránh tình trạng bị xé hình trong những trận game có tiết tấu nhanh.

4. Tấm nền – Độ phủ màu – Độ phân giải – Cổng kết nối

Tấm nền chính là phần quan trọng nhất trong mọi sản phẩm màn hình. Trên thị trường hiện tại có 3 loại tấm nền chính mà bạn cần biết:

  • Tấm nền TN – Twisted Nematic: Có “tốc độ” cao nhất cả về thời gian đáp ứng lẫn tần số quét. Ở thời kì đầu tiên của màn hình gaming, gần như tất cả đều sử dụng tấm nền TN. Nhưng loại tấm nền này lại có một nhược điểm rất lớn là có góc nhìn rất hẹp nên chỉ có thể đem lại trải  nghiệm tốt nhất khi bạn ngồi đối diện trực tiếp.
  • Tấm nền IPS – In-Plane Switching: Có “tốc độ” thấp hơn tấm nền TN nhưng lại đem lại trải nghiệm về hình ảnh tốt nhất, đặc biệt là phần góc nhìn khi loại tấm nền này có góc nhìn lên đến 178O nghĩa là người sử dụng đều có trải nghiệm tương tự nhau bất kể vị trí góc nhìn.
  • Tấm nền VA: Đây gần như là sản phẩm hoàn hảo nhất, được sinh ra dành riêng cho màn hình gaming khi tấm nền VA vừa có “tốc độ” cao như tấm nền TN lại vừa có góc nhìn rộng như tấm nền IPS.
nhung kien thuc co ban ve man hinh gaming 6

Tấm nền VA phù hợp với nhiều nhu cầu sử dụng: chơi game, làm việc, xem phim, biên tập video

Độ phủ màu là thông số cho khả năng thể hiện màu sắc của tấm nền. Tấm nền có độ phủ màu càng cao có nghĩa là những màu sắc hiển thị trên màn hình sẽ có độ chính xác càng lớn, những vùng chuyển màu phức tạp nhìn sẽ mượt mà hơn thay cho những mảng màu loang lổ. Đây cũng là một trong những yếu tố đem lại trải nghiệm tốt cho người chơi khi mà đồ họa của game ở thời điểm hiện tại đang càng ngày càng đẹp, tiến sát đến ranh giới thực tế. Độ phủ màu thường được đo bằng 3 thông số:

  • sRGB
  • Adobe
  • RGBNTSC

Những chỉ số cho 3 thông số này càng cao chứng tỏ rằng màn hình của bạn càng đẹp.

Nếu như độ phủ màu biểu diễn cho khả năng thể hiện màu sắc thì độ phân giải sẽ biểu diễn cho khả năng thể hiện độ chi tiết của hình ảnh. Độ phân giải là số lượng điểm ảnh có trên một màn hình, độ phân giải càng cao nghĩa là màn hình có càng nhiều điểm ảnh.

Và cổng kết nối chính là yếu tố cuối cùng khi bạn quan tâm đến sản phẩm màn hình gaming. Một màn hình gaming tiêu chuẩn cần phải có cổng kết nối Display Port và HDMI để có thể đủ băng thông để truyền tải số lượng lớn khung hình ở độ phân giải cao trong vòng một giây. Và nếu đó là một màn hình gaming “chân chính” thì bạn sẽ tìm thấy trên đó thêm những cổng kết nối khác như USB tốc độ cao, cổng 3.5mm cho tai nghe để game thủ có thể sử dụng những thiết bị phục vụ cho công cuộc chơi game của mình một cách dễ dàng hơn.

Qua bài viết trên, nếu phải lựa chọn một đặc điểm để phân biệt màn hình gaming với màn hình thông thường thì đó chính là yếu tố “nhanh”. Và trên thực tế, có một hãng sản xuất đang phát triển rất nhanh trong lĩnh vực sản xuất màn hình gaming, đó chính là MSI – Nhà sản xuất linh kiện máy tính phục vụ chơi game nổi tiếng đến từ Đài Loan. Mặc dù chỉ mới bước vào cuộc chơi sản xuất màn hình gaming trong vòng 2 năm trở lại đây nhưng MSI đã bán ra đến hơn 1 triệu màn hình và trở thành thương hiệu màn hình gaming phát triển nhanh nhất thế giới.

nhung kien thuc co ban ve man hinh gaming 7

MSI trở thành thương hiệu màn hình gaming phát triển nhanh nhất thế giới

Ngoài ra, MSI hiện đang là thương hiệu màn hình cong tốt nhất ở châu Âu, Bắc Mỹ, Indonesia, Philippines và Đài Loan trong nửa đầu năm 2019, và đứng thứ hai tại Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc ở châu Á Thái Bình Dương.

(1) Màn hình thông thường trong bài viết dùng để chỉ những màn hình cho nhu cầu sử dụng thông thường, không phải là những màn hình được thiết kế cho mục đích chơi game.

Theo: Vũ Thị Vẻ

Nguồn: techz.vn

Tin liên quan

Scroll Top