Khi Sony mở đường cho cuộc cách mạng ‘Máy ảnh không gương lật’, họ cũng đã đem công nghệ lấy nét mắt (máy tự động bắt nét vào mắt người được chụp) đến với người dùng. Nhưng đây không phải là công nghệ độc quyền, và từ đó đến nay đã có rất nhiều hãng áp dụng vào máy ảnh của mình. Tính đến thời điểm 2019, Sony vẫn dẫn đầu trong cuộc đua về lấy nét mắt, khi chiếc A7R IV và A7 III của hãng luôn cho tốc độ bắt nét vượt đối thủ.
So sánh khả năng lấy nét mắt của Canon EOS R5 vs Sony a7R IV vs Nikon Z7
Đến với 2020, cả Nikon và Canon hoặc cho ra thế hệ máy ảnh mới hoặc công bố những bản cập nhật phần mềm để tiếp tục nâng cấp tính năng này. Youtuber về nhiếp ảnh Jared Polin trong một video dài 21 phút đã làm một bài thử nghiệm, để đo xem tính hiệu quả của khả năng lấy nét mắt của từng dòng máy, bao gồm Canon EOS R5, Sony a7R IV và Nikon Z7, đều là những dòng máy cao cấp nhất của từng hãng. Tất cả các máy đều sử dụng ống kính 85mm f/1.8 ở khẩu độ lớn nhất để DOF (độ sâu trường ảnh) mỏng nhất, từ đó dễ dàng nhận ra sự sai lệch nếu có.
Sau bài thử nghiệm, anh đã đưa ra được những kết luận sau:
– Hệ thống lấy nét mắt của Nikon đòi hỏi mẫu phải đứng gần máy hơn để kích hoạt, kích hoạt lấy nét vào mặt lâu hơn so với Sony và Canon.
– Khả năng lấy nét mắt của cả Nikon lẫn Canon đều đã có những bước tiến rõ rệt so với năm trước do cả phần cứng lẫn phần mềm mới, cả về tốc độ lẫn sự chính xác, nhưng riêng Canon đã đuổi kịp với Sony để bỏ lại Nikon ở phía sau.
– Trường hợp cá biệt là khi đeo khẩu trang thì hệ thống của Nikon lại có phần nhỉnh hơn, khi vẫn có thể lấy nét được chính xác vào mắt người được chụp.
– Chiếc Canon R5 chụp tốc độ cao (chụp liên tục) không bị tối màn hình (blackout).
Anh cũng nói rằng cách thức thử nghiệm này khá ngặt nghèo, trong điều kiện sử dụng thực tế thì cả 3 dòng máy đều có làm tốt được nhiệm vụ của mình. Ngoài ra Nikon vẫn có thể tiếp tục nâng cấp khả năng lấy nét mắt thông qua phần mềm, hoặc người dùng có thể sẽ phải đợi tới những dòng máy tiếp theo của hãng này
Theo: Trí Thức Trẻ
Nguồn: genk.vn