Tại sao lòng bàn tay lại có độ bảo mật cao hơn vân tay hay khuôn mặt

09:56 Chiều - 10/02/2020
0 Bình luận
593
bởi An Bùi

Amazon và Apple đều có các bằng sáng chế liên quan quét lòng bàn tay, và các startup Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng công nghệ này trên các loại ổ khóa và máy bán hàng tự động.

Sinh trắc học đang ngày càng được sử dụng rộng rãi trong việc nhận biết và thanh toán di động, nhưng hầu hết các hệ thống hiện nay đều gặp phải những hạn chế và quan ngại về quyền riêng tư. Có thể bạn lo lắng rằng dữ liệu khuôn mặt của mình sẽ bị lưu giữ bởi nhiều công ty công nghệ, hoặc miễn cưỡng khi phải nhấn ngón tay của mình lên một máy quét bẩn thỉu tại các cửa khẩu xuất nhập cảnh.

Xác thực không chạm bằng lòng bàn tay là loại công nghệ có thể giải quyết những vấn đề trên. Các hệ thống nhận dạng lòng bàn tay hoạt động bằng cách xác định mạng lưới tĩnh mạch, các đường kẻ và các đường hằn trên bề mặt bàn tay, thông qua sử dụng camera và hồng ngoại, không cần phải tiếp xúc.

So với khuôn mặt, lòng bàn tay không phải bộ phận riêng tư nhạy cảm” – Xu Liang, chuyên gia nghiên cứu về nhận dạng lòng bàn tay, đang làm việc tại “Viện Trí tuệ nhân tạo và Robot phục vụ Xã hội Thâm Quyến” thuộc Đại học Hongkong, cho biết. “Khi được đưa cho một hình ảnh về lòng bàn tay, chẳng ai có thể nói nó thuộc về ai cả. Trong cuộc sống thường ngày, lòng bàn tay co lại, nên nếu không chủ động hợp tác, rất khó để các camera ẩn có thể đánh cắp thông tin lòng bàn tay của bạn”.

Tại sao lòng bàn tay lại có độ bảo mật cao hơn vân tay hay khuôn mặt - Ảnh 1.
Nhận dạng khuôn mặt rất phổ biến tại Trung Quốc, nhưng gần đây công nghệ này lại vướng phải những quan ngại về quyền riêng tư

Liang là trợ lý nghiên cứu cho Giáo sư David Zhang, giám đốc sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Sinh trắc học tại Đại học Bách khoa Hongkong. Zhang cũng từng nghiên cứu về nhận dạng lòng bàn tay trong nhiều năm trời, và đã xuất bản nhiều công trình liên quan lĩnh vực này kể từ năm 2003.

Một ưu điểm về bảo mật khác của nhận dạng lòng bàn tay là rất khó để đánh cắp thông tin khi mục tiêu đã chết. Liang nói mạng lưới tĩnh mạch dưới lòng bàn tay chỉ có thể được chụp lại dưới ánh sáng hồng ngoại khi chủ thể còn sống, do đó về cơ bản đây là một hệ thống đã có sẵn khả năng chống giả mạo.

Một số startup tại Trung Quốc đã bắt đầu mang công nghệ này ra thị trường, dù chưa thực hiện trên quy mô rộng.

DeepBlue Technology, một startup về AI được thành lập 5 năm trước, hiện sở hữu nhiều sản phẩm ứng dụng nhận dạng lòng bàn tay vào các hệ thống khóa cửa và máy bán hàng tự động hỗ trợ thanh toán bằng nhận dạng lòng bàn tay. Melux, một startup khác, có một sản phẩm nhận dạng lòng bàn tay tên AirWave, mà theo công ty cho biết là đã được triển khai tại một số khu vực văn phòng ở Quảng Châu.

Các công ty công nghệ Mỹ cũng đang nghiên cứu nhận dạng lòng bàn tay.

Hồi tháng 12, trang Recode có đưa tin rằng Amazon đã trình một bằng sáng chế về hệ thống quét không chạm có thể xác định người bằng lòng bàn tay. Đơn xin cấp bằng sáng chế của Amazon nói rằng hệ thống sẽ chụp ảnh của các đặc tính bề mặt như các nếp nhăn và các đặc tính sâu hơn như mạng lưới tĩnh mạch. Hồi tháng 9, có thông tin cho rằng công ty này đang dự tính đưa ra một hệ thống thanh toán bằng tay cho Whole Foods.

Apple cũng có bằng sáng chế xác thực bằng lòng bàn tay của riêng mình, được đăng ký vào tháng 1 năm ngoái và đã được công bố bởi văn phòng bằng sáng chế Mỹ vào tháng 9.

Tại sao lòng bàn tay lại có độ bảo mật cao hơn vân tay hay khuôn mặt - Ảnh 2.
Bằng sáng chế của Apple về một “lớp cảm biến sinh trắc học vân tay” cho thấy nó có thể được sử dụng trên các thiết bị như điện thoại và đồng hồ

Nhiều công nghệ được cấp bằng sáng chế nhưng rồi không bao giờ xuất hiện ngoài đời thực. Nhưng không chỉ giải quyết được những quan ngại về bảo mật, Liang nói rằng nhận dạng lòng bàn tay có một loạt những ưu điểm so với nhận dạng khuôn mặt và vân tay.

Theo anh, nhận dạng vân tay không thể được sử dụng khi ngón tay bị ướt, và không khả dụng với một số người nhất định, như công nhân ở các công trường xây dựng (vân tay của họ có thể bị mòn đi vì tính chất công việc hàng ngày). Và bề mặt tiếp xúc bị bẩn sau khi bị chạm quá nhiều lần trong suốt thời gian dài cũng có thể khiến cảm biến không dựng hình được vân tay.

Nhận dạng khuôn mặt không đòi hỏi phải có sự tiếp xúc, nhưng nó lại tiềm ẩn những nguy cơ bảo mật vì hình ảnh khuôn mặt có thể dễ dàng bị đánh cắp, và nhiều người phản đổi nhận dạng khuôn mặt vì những vấn đề về quyền riêng tư đi cùng với nó. Trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh triển khai nhận dạng khuôn mặt, nạn đánh cắp dữ liệu khuôn mặt cũng hoành hành tại quốc gia này. Hồi tháng 12, đài CCTV đưa tin rằng hình ảnh hơn 5.000 khuôn mặt đã bị bán trên mạng với giá rẻ mặt, chỉ dưới 2 USD.

Tại sao lòng bàn tay lại có độ bảo mật cao hơn vân tay hay khuôn mặt - Ảnh 3.
Tại Trung Quốc, với 1,42 USD trong tay, bạn có thể mua được 5.000 khuôn mặt

Nhưng ngay cả khi công nghệ nhận dạng lòng bàn tay đã xuất hiện, nó có lẽ vẫn chưa sẵn sàng để được sử dụng rộng rãi.

Ví dụ, chiếc smartphone LG G8 ThinQ năm ngoái có tính năng “Hand ID”. Nó sử dụng một cảm biến ToF để phát hiện chiều sâu và một cụm phát hồng ngoại để vẽ bản đồ và xác định mạng lưới tĩnh mạch dưới lòng bàn tay người dùng.

Trên lý thuyết, người dùng chỉ cần để bàn tay phía trên điện thoại khi nó đang được đặt trên bàn là mở được khóa màn hình. Tuy nhiên, trong thực tế, các reviewer nói rằng Hand ID hoạt động khá chậm chạp và gây khó chịu khi sử dụng, bởi rất khó để đặt bàn tay sao cho đúng vị trí cảm biến yêu cầu.

Tại sao lòng bàn tay lại có độ bảo mật cao hơn vân tay hay khuôn mặt - Ảnh 4.

Hand ID trên LG G8 ThinQ “sử dụng hệ thống tuần hoàn độc nhất và mô hình bàn tay của bạn để mở khóa màn hình dễ dàng bằng cách quét nhanh lòng bàn tay” – ít nhất đó là trên lý thuyết

Một vấn đề khác, theo Liang, là nhận dạng lòng bàn tay phức tạp hơn và có chi phí sản xuất cao hơn.

Những yêu cầu của nó đối với quá trình phát triển thiết bị cao hơn một chút so với các hệ thống xác định vân tay và khuôn mặt” – Liang nói. “Tôi nghĩ đây là lý do tại sao xác định lòng ban tay vẫn chưa phổ biến”.

Anh này nói rằng lý do là lòng bàn tay có nhiều chi tiết phức tạp hơn khuôn mặt, và khu vực nhận dạng cũng rộng hơn so với ngón tay. Các hình ảnh cũng cần được chụp từ một khoảng cách cụ thể, với điều kiện ánh sáng tốt. Điều này đòi hỏi các mô-đun dựng hình tùy biến và sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà sản xuất thiết bị với các nhà sản xuất mô-đun camera.

Một lý do khác khiến nó không phổ biến là hiện chưa có bộ dữ liệu lòng bàn tay quy mô rộng nào cả – Liang nói.

Để xử lý nhiều hình dạng và tư thế lòng bàn tay khác nhau, rất cần một cơ sở dữ liệu lòng bàn tay quy mô rộng” – anh nói. “Ở thời đại này, mọi hệ thống thông minh đều được lèo lái bởi dữ liệu lớn”.

Liang còn nói rằng công dân Trung Quốc đều phải đăng ký khuôn mặt và vân tay với cảnh sát, và họ đã quen với các hệ thống nhận dạng vân tay và khuôn mặt tại các cửa khẩu. Các hệ thống nhận dạng lòng bàn tay không có sự hỗ trợ mạnh từ chính phủ, do đó vẫn chưa có những khoản đầu tư cần thiết để công nghệ nhận dạng lòng bàn tay có thể phổ biến được.

Nhưng vẫn có một tương lai dành cho nhận dạng lòng bàn tay.

Tôi nghĩ tình hình sẽ trở nên tích cực hơn bởi ngày càng nhiều các công ty và tổ chức chú ý đến nhận dạng lòng bàn tay” – Liang nói.

Tham khảo: AbacusNews

Theo: Trí Thức Trẻ

Nguồn: genk.vn

Tin liên quan

Scroll Top