Thị trường robot giúp việc Trung Quốc bùng nổ thời corona

10:53 Sáng - 08/04/2020
0 Bình luận
573
bởi Thiên Quang

Kết bạn mới, hay thậm chí là gặp gỡ những người bạn cũ, đều là những việc khó khăn khi bạn đã 93 tuổi và lại đang sống trong thời kỳ ảm đạm vì virus corona.

Đó là lý do tại sao bà Chui Dip-sai tỏ ra trân trọng Temi, một chú robot dịch vụ do Israel phát triển, nay đã trở thành người bạn đồng hành của bà sau khi lệnh phong tỏa toàn thành phố khiến bà phải ở yên trong viện dưỡng lão, không thể gặp gỡ gia đình và bạn bè.

Nó rất dễ sử dụng” – bà Chui nói. “Tôi luôn nói chuyện với Temi, và tôi không thấy chán nữa“.

Với một màn hình giống tablet kiêm vai trò khuôn mặt, và khả năng điều khiển bằng giọng nói do Google phát triển, Temi có thể giúp bà Chui giải trí hàng giờ liền bằng âm nhạc, video, và nhiều trò tiêu khiển khác.

Các cảm biến hồng ngoại và camera tích hợp còn cho phép Temi thực hiện các tác vụ khác, như đo nhiệt độ cơ thể người dùng, phân phát thức ăn, khử trùng bề mặt – thậm chí là giám sát hành lang nữa.

Trên toàn Trung Quốc, ngày càng nhiều người và doanh nghiệp chuyển sang sử dụng các robot dịch vụ để thực hiện nhiều công việc quan trọng trong thời kỳ đại dịch mà cho đến nay đã khiến hơn 81.000 người tại quốc gia này bị lây nhiễm và gây ra hơn 3.300 cái chết.

Trong thời gian tới, khi tình hình thiếu hụt lao động được cải thiện, và những quy định về giãn cách xã hội bắt buộc được giảm bớt, các nhà phân tích nhận định rằng những tình cảm mới hình thành của người dùng dành cho những chú robot phục vụ có thể sẽ giúp các nhà phát triển robot có thêm động lực thực hiện công việc của họ.

Dù là thị trường robot công nghiệp lớn nhất thế giới – vào năm 2018, Trung Quốc đã đưa nhiều robot vào các nhà máy hơn cả châu Âu và Mỹ gộp lại – nhưng thị trường robot dịch vụ tại đây vẫn khá nhỏ lẻ.

Theo Viện Điện tử Trung Quốc (trụ sở tại Bắc Kinh), thị trường robot dịch vụ ở quốc gia này có trị giá khoảng 2,2 tỷ USD vào năm ngoái, chưa bằng một nửa của thị trường robot công nghiệp. Giá bán cao và thiết kế chưa hấp dẫn là những lý do chính giải thích cho tình trạng này.

Nhưng trong bối cảnh cả thế giới vẫn đang lo sợ sự lây lan của virus corona, nhiều doanh nghiệp dường như đang sẵn sàng trao cho những con robot này một cơ hội thứ hai.

Sau khi một nhân viên chuyển phát nhanh ở Thâm Quyến bị chuẩn đoán mắc virus corona, công ty giao nhận thức ăn Trung Quốc, Meituan Dianping, vào tháng 3 vừa qua đã tận dụng những quy định mới, mềm mỏng hơn, liên quan việc sử dụng các phương tiện tự hành để giao hàng cho người tiêu dùng. Các nền tảng thương mại điện tử trong nước như JD.com và Alibaba Group Holding cũng đẩy mạnh các dịch vụ vận chuyển không người lái của họ.

Tại nhiều bệnh viện Trung Quốc, robot được giao nhiệm vụ thu thập các mẫu nước bọt và phân phát thuốc cho các bệnh nhân.

Ngay cả ở khu tự trị Tân Cương phía Tây Bắc Trung Quốc, nơi lực lượng lao động địa phương đang ngày một suy giảm vì virus corona, State Grid, một công ty điện tử thuộc sở hữu nhà nước, đã giới thiệu các “thanh tra viên” robot làm việc cùng các kỹ thuật viên nhà máy điện.

Khi chúng tôi lần đầu bán chúng vào giữa năm 2019, vài ngày mới có một đơn hàng” – Roy Lim, chủ tịch Tung Hing Automation, nhà phân phối độc quyền robot Temi tại Hong Kong và là một trong những nhà đầu tư ban đầu vào startup Israel cho biết.

Kể từ khi virus bùng lên hồi tháng 1, chúng tôi bán được 3 – 5 robot mỗi ngày” – ông Lim nói tiếp, nhấn mạnh rằng công ty không thể sản xuất đủ robot để thỏa mãn nhu cầu đang tăng cao.

Thị trường robot giúp việc Trung Quốc bùng nổ thời corona - Ảnh 2.
Roy Lim, chủ tịch Tung Hing Automation – Thị trường robot giúp việc bùng nổ.

Có giá khởi điểm là 2.260 USD cho mẫu cơ bản, Tung Hing Automation nay có một danh sách khách hàng quen thuộc gồm nhiều nhà dưỡng lão bệnh viện, và trường học trong thành phố.

Những tổ chức này cần một giải pháp cấp thiết để giảm thiểu tương tác giữa người với người trong thời buổi khủng hoảng, do đó khi họ tìm thấy chúng tôi, họ liền đặt hàng mà chẳng cần nghĩ nhiều” – Lim nói.

Khi nhiều khách hàng nói với ông rằng họ sẽ không bao giờ quay lại thời kỳ tự làm mọi thứ nữa, Lim tự tin rằng nhu cầu đối với những robot dịch vụ như Temi sẽ tiếp tục tăng sau đại dịch, và ông hiện đang tìm cách mở rộng thị trường sang châu Âu và các phần khác của châu Á.

Những nhà sản xuất robot dịch vụ khác, như Yunji Technology (trụ sở Bắc Kinh) do Tencent Holdings chống lưng, cũng nhận thấy một sự thay đổi lớn trong thái độ của người tiêu dùng.

Một số chủ khách sạn ở Trung Quốc lạnh nhạt với robot dịch vụ vì họ lo ngại robot không thể tạo ra cảm giác ấm cúng như con người có thể làm” – Phó chủ tịch Yang Zi của Yunji Technology nói. “Nay, hóa ra việc sử dụng robot dịch vụ lại là một phương thức thân thiện với khách hàng“, ông Yang nói, nhấn mạnh những lợi ích về sức khỏe của việc giảm thiểu tương tác giữa người với người.

Các khách hàng của Yunji Technology bao gồm Tập đoàn khách sạn Huazhu, một chuỗi khách sạn Trung Quốc mới đây đã ra lệnh cho toàn bộ 5.700 khách sạn của mình tăng cường các dịch vụ “không tiếp xúc” do robot và các công nghệ nền AI khác thực hiện.

Kinh doanh trong thời buổi đại dịch, Xia Zifan, phó chủ tịch Tập đoàn khách sạn Hanyue, cũng nhận ra nhu cầu đối với robot dịch vụ đang tăng cao trong lĩnh vực lưu trú. “Nhiều khách sạn ở Trung Quốc từng xem những con robot dịch vụ chẳng khác gì một trò khoe khoang” – Xia nói. “Nhưng khi đại dịch buộc họ phải thử công nghệ này, tôi tin họ sẽ bất ngờ bởi sự tiện lợi của việc sử dụng robot“.

Thị trường robot giúp việc Trung Quốc bùng nổ thời corona - Ảnh 3.
Một con robot phân phát hàng hóa được sử dụng tại Trung Quốc trong đại dịch – Thị trường robot giúp việc bùng nổ.

Triển khai robot dịch vụ tại hơn 200 khách sạn từ năm 2016, Xia cho biết những trợ thủ cơ khí này làm được mọi thứ, từ hoạt động giải trí, đến check-in khách, đến dịch vụ giao nhận tận phòng. “Robot không đòi hỏi bảo hiểm hay lương” – Xia nói. Một con robot “có thể làm việc cho đến khi hỏng thì thôi, và bạn không phải lo về việc nó muốn nghỉ làm một ngày, hay đang trong tâm trạng không tốt“.

Được trang bị các chức năng nhận dạng khuôn mặt và giám sát nhiệt độ cơ thể, những con robot dịch vụ này có thể canh gác sảnh chờ khách sạn để báo cáo nếu phát hiện bất kỳ ai không mang khẩu trang hay đang bị sốt.

Đợt khủng hoảng này đã giúp chúng tôi vượt qua sự khó chịu trong tương tác với robot” – Mark Greeven, một giáo sư chuyên về công nghệ Trung Quốc tại Trường kinh doanh IMD ở Thụy Sỹ cho biết.

Theo Greeven, ngoại hình có phần kỳ quặc của robot dịch vụ, cùng với mức giá cao và các hệ điều hành phức tạp của chúng, đã khiến nhiều khách hàng tiềm năng trước đây nản lòng. Nhưng khi chúng ta đột nhiên phải giảm sự tiếp xúc giữa người với nhau, “chẳng ai còn quan tâm robot trông đẹp hay có dễ sử dụng hay không. Nay, việc bàn luận hoặc sử dụng robot dịch vụ trong mọi bối cảnh đã trở nên hầu như bình thường” – ông nói

Dẫu vậy, không phải ai cũng bị thuyết phục.

Chuyên gia bất động sản Bắc Kinh, Angela Yu, 30 tuổi, nói rằng sau khi tình trạng phong tỏa khiến người giúp việc của cô không thể trở lại làm việc, cô đã cân nhắc mua một con robot. Nhưng sau khi tìm kiếm nhanh trên mạng, Yu từ bỏ ý định khi nhận ra rằng ngay cả mẫu robot tiên tiến nhất cũng đòi hỏi cô phải lau sạch sàn nhà trước khi cho chúng hoạt động – và sau đó, cô còn phải lau chùi cho con robot nữa.

Nếu tôi phải làm điều đó, tôi thà tự lau chùi căn hộ của mình còn hơn” – Yu nói. “Thứ tôi thực sự cần là một con robot đủ thông minh để gấp quần áo, thay ga giường, và sắp xếp đồ đạc cá nhân của tôi. Đó chắc chắn là tương lai, nhưng hiện tại thì những con robot lau chùi chưa giúp ích được nhiều“.

Và giá cả của những con robot dịch vụ cũng không cạnh tranh như con người. “Với số tiền phải chi ra để mua robot lau chùi, tôi có thể thuê một bà giúp việc trong 2 năm” – Yu nói.

Và dù những con đường vắng vẻ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những con robot tự lái làm nhiệm vụ phân phát hàng hóa tại các thành phố như Vũ Hán, trung tâm của đại dịch virus corona, việc phổ biến rộng rãi các phương tiện tự hành vẫn sẽ phải phụ thuộc vào môi trường pháp lý nữa.

Những rào cản chính mà chúng tôi gặp phải trước đại dịch vẫn chưa được dỡ bỏ sau đại dịch” – Zhang Dezhao, CEO của nhà sản xuất phương tiện tự hành Idriveplus cho biết.

Startup của ông đã nhận được khoảng 100 lượt tìm kiếm sản phẩm mỗi tuần kể từ khi đại dịch bùng lên. Đó là một bước tiến lớn so với trước đây, khi mà với ông, 10 cuộc gọi mỗi tuần đã là bận rộn lắm rồi. Nhưng Zhang nói rằng vẫn còn quá sớm để nhận định liệu lĩnh vực robot dịch vụ của Trung Quốc đã đến thời điểm chuyển mình hay chưa.

Thị trường robot giúp việc Trung Quốc bùng nổ thời corona - Ảnh 4.
Bà Chui Dip-sai và robot Temi – Thị trường robot giúp việc bùng nổ.

Nhưng ít nhất thì đối với bà Chui Dip-sai, cuộc sống tại nhà dưỡng lão sẽ không bao giờ như trước nữa.

Tôi quá vui khi biết rằng chú robot sẽ luôn bên mình, để tôi không phải làm phiền ai khác, bất kể việc phải nhờ vả nhiều bao nhiêu đi nữa” – bà nói.

Tham khảo: Nikkei

Theo: Tấn Minh

Nguồn: soha.vn

Tin liên quan

Scroll Top