Zverse và hành trình từ một startup in 3D nhỏ lẻ thành nhà cung ứng trọng điểm mặt nạ chống corona

10:30 Sáng - 10/04/2020
0 Bình luận
533
bởi Anh Tuấn

Trong bối cảnh hàng loạt trang thiết bị y tế phục vụ cuộc chiến chống virus corona rơi vào tình trạng thiếu hụt và tăng giá, startup Zverse tại Nam Carolina quyết tâm đối đầu với khủng hoảng và lên kế hoạch sản xuất 20 triệu mặt nạ bảo hộ.

Mới chỉ hai tuần trước, John Carrington còn đang theo dõi tình hình không mấy khả quan của thị trường chứng khoán, tính toán xem nên sa thải những ai trong đội ngũ nhân viên chỉ 20 người của mình, và hi vọng các nhà đầu tư sẽ đổ tiền vào vòng gọi vốn tiếp theo.

Hiện nay, toàn bộ cuộc sống của anh đã sang trang mới. Công ty do anh sáng lập, Zverse, một hãng phát triển phần mềm in 3D tại Columbia, Nam Carolina, là một trong những cái tên quan trọng bậc nhất trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19, đảm nhận việc sản xuất hàng triệu tấm chắn mặt có khả năng tái sử dụng cho các hệ thống bệnh viện lớn, các đô thị, và Hội Cựu chiến binh Hoa Kỳ. Carrington phải thuê thêm hàng chục nhân viên mới để đáp ứng kịp nhu cầu thị trường, thu về hàng triệu USD từ các nhà đầu tư, và có những cuộc trò chuyện đẫm nước mắt với các nhân viên y tế đang tuyệt vọng, cũng như người thân của các nạn nhân COVID-19.

Giữa những tin tức kinh tế đầy thảm họa – hàng chục triệu người rơi vào cảnh thất nghiệp, cùng một loạt những doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa và đối mặt với nguy cơ phá sản – một số công ty đã thích ứng bằng cách chuyển hướng sang những sản phẩm đáp ứng nhu cầu cấp bách trong thời điểm hiện tại trên lĩnh vực y tế. Những giải pháp họ đưa ra là cần thiết, nhưng cũng cho thấy cường quốc số một thế giới đã thiếu sự chuẩn bị trước đại dịch như thế nào – từ những câu chuyện xoay quanh tình trạng loạn giá cả, cho đến sự trì trệ của chuỗi cung ứng.

Ví dụ, các quan chức bang Oregon hôm thứ hai vừa qua đã cho biết bang này vừa đặt hàng hơn 4,6 triệu khẩu trang cho các bệnh viện, nhưng nhận về chỉ 10.000 chiếc. Oregon “còn chưa nhận được hàng triệu khẩu trang phẫu thuật, áo khoác bảo vệ, tấm chắn mặt, và găng tay đã đặt hàng từ các công ty tư nhân hoặc đã đề xuất với chính quyền liên bang” – theo phóng viên Reid Wilson của tờ The Hill. Điều đó đã buộc nhiều bang phải tự mình tìm cách giải quyết vấn đề, ví dụ như kêu gọi các doanh nghiệp địa phương chuyển sang sản xuất các loại tấm chắn mặt và máy thở.

Một phần của vấn đề nằm ở các nhà phân phôi và các nhà quản lý bên thứ ba, những người nắm trong tay các nguồn cung thuốc men và trang thiết bị y tế – theo lời Leah Houston, một bác sỹ ER, đồng thời là nhà sáng lập của HPEC.IO, một startup cung cấp mạng lưới dựa trên nền tảng blockchain cho các bác sỹ. Bà nói rằng đã nghe nhiều câu chuyện từ những người bạn bác sỹ của mình, rằng họ tuyệt vọng như thế nào trong việc tìm kiếm những trang thiết bị bảo hộ cá nhân.

Tôi có một người bạn có bố chuyên sản xuất tấm chắn mặt và đã chuyển hàng đến một bệnh viện, nhưng bị trả lại” bởi số hàng này không được phân phối bởi một nhà phân phối đã được chứng nhận. “Họ phải tìm một vị bác sỹ làm trung gian và gửi hàng trở lại“.

Zverse và hành trình từ một startup in 3D nhỏ lẻ thành nhà cung ứng trọng điểm mặt nạ chống corona - Ảnh 1.
Zverse và hành trình từ một startup in 3D nhỏ lẻ thành nhà cung ứng trọng điểm mặt nạ chống corona.

Cuộc chạy đua sản xuất tấm chắn – mặt nạ chống corona

Trong khi hàng ngàn người Mỹ có thể tự khâu khẩu trang tại nhà, và đang có khá nhiều dự án tự làm khẩu trang được sử dụng trong các bệnh viện, việc sản xuất tấm chắn mặt khó khăn hơn đôi chút. Loại sản phẩm này thường được làm từ nhựa, và thường được mang phía trên khẩu trang như một biện pháp bảo vệ bổ sung.

Nhiều công ty đã chuyển sang sản xuất tấm chắn mặt – ví dụ, một công ty con của Delta Airlines đang cùng với một đối tác liên kết phi lợi nhuận của Georgia Tech để sản xuất và phân phối 2.000 tấm chắn cho các nhân viên hỗ trợ y tế ở New York và 4.000 tấm chắn cho các bệnh viện ở khu vực Atlanta. Bauer, một nhãn hiệu chuyên về trang phục cho các cầu thủ hockey, nay cũng sản xuất tấm chắn mặt. Và CEO Apple, Tim Cook, gần đây cũng đăng tải rằng công ty của ông đang sản xuất tấm chắn mặt, hiện đã chuyển lô hàng đầu tiên đến các cơ sở bệnh viện Kaiser ở thung lũng Santa Clara.

Ngoài các công ty, nhiều cá nhân cũng tìm cách góp công sức vào cuộc chiến chống COVID-19. Tại Evansville, một cựu Y tá Không quân Hoa Kỳ đang làm việc trong một trường học đã phối hợp với một trường đại học kỹ thuật để in 3D hơn 300 tấm chắn mặt. Và một nhóm những người đam mê in 3D ở New Jersey cũng sử dụng những chiếc máy in 3D tại gia của họ để sản xuất tấm chắn mặt cho đội ngũ bác sỹ lẫn y tá địa phương.

Vào giữa tháng 3, Carrington, nhà sáng lập startup sản xuất mọi thứ, từ các ống thông hơi công nghiệp, đến các mô hình kiến trúc, đã nhận được những cuộc gọi đầu tiên đề nghị sản xuất tấm chắn mặt. “Chúng tôi bắt đầu nhận được nhiều yêu cầu gấp gáp từ các nhà quản lý và thậm chí là CEO của các bệnh viện, vốn là một điều rất bất thường” – anh nói. “Đề nghị đầu tiên đến từ một bệnh viện địa phương, vốn biết rằng chúng tôi chuyên về in 3D, và họ cần 5.000 tấm chắn mặt“.

Zverse và hành trình từ một startup in 3D nhỏ lẻ thành nhà cung ứng trọng điểm mặt nạ chống corona - Ảnh 2.
Zverse và hành trình từ một startup in 3D nhỏ lẻ thành nhà cung ứng trọng điểm mặt nạ chống corona.

Trong vòng 2 giờ, Carrington và nhóm của anh đã hoàn thiện một bản thiết kế. Ngày hôm sau, họ nhận được một cuộc gọi từ một cơ quan của hạt với đề nghị sản xuất 10.000 tấm chắn mặt, và tiếp đó một ngày nữa là đề nghị sản xuất 50.000 tấm chắn mặt khác từ một trong những hệ thống bệnh viện lớn nhất bang. Anh còn bắt đầu nhận được nhiều tin nhắn trực tiếp từ các y tá và bác sỹ. Và nhân viên một số cơ sở chăm sóc sức khỏe cuối đời (hospice) nói rằng, “Chúng tôi đang tiếp nhận các bệnh nhân COVID-19, và chúng tôi chẳng có gì bảo vệ cả“. Thậm chí có những bà mẹ gọi đến cho Carrington, kể về những đứa con đang bị nhiễm bệnh của họ.

Carrington thừa nhận rằng anh từng hoài nghi về đại dịch vào tháng trước. “Tôi đã nghi ngờ về những tác động mà nó có thể gây ra cho nước Mỹ” – anh nói. “Tôi không nghĩ nó lại là một vấn đề quá lớn như vậy, nhưng rồi tôi bắt đầu nghe tin dữ từ các bác sỹ và y tá“.

Bảy máy in 3D công nghiệp của Zverse không thể đáp ứng được nhu cầu. Do đó Carrington quyết định chuyển sang kỹ thuật ép phun nhựa, cho phép anh sản xuất tấm chắn mặt trên quy mô lớn với mức giá phù hợp với các bệnh viện. “In 3D rất đắt đỏ, và bạn không thể đạt được tính kinh tế theo quy mô” – anh giải thích. “Nếu in 3D, giá mỗi tấm chắn mặt là 30 USD, so với mức giá chỉ gần 10 USD của phương thức ép phun nhựa“.

Hiện tại, Zverse đang sản xuất 50.000 tấm chắn mặt mỗi ngày và dự tính tăng sản lượng lên 100.000 vào giữa tháng 4, với kỳ vọng sẽ sản xuất được 20 triệu tấm chắn vào tháng 7. Hồi tuần qua, Carrington tiếp tục nhận thêm một đơn đặt hàng từ Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ để sản xuất vài triệu tấm chắn nữa. Và ngân hàng của anh đã gọi để nói rằng nhóm marketing của họ muốn hợp tác với Zverse, vì “các anh là điều tốt lành duy nhất chúng tôi nghe được quanh đây“.

Tham khảo: FastCompany

Theo: Trí Thức Trẻ

Nguồn: genk.vn

Tin liên quan

Scroll Top