Đầu tháng 4 vừa qua, Redmi, thương hiệu con của Xiaomi đã cho ra mắt một dòng sản phẩm giá rẻ được khá nhiều người quan tâm, đó là một chiếc vòng đeo tay thông minh có tên Redmi Band. Chiếc vòng đeo tay mới này được Redmi cho ra mắt khiến nhiều người dùng tự hỏi liệu trong cùng một phân khúc giá rẻ, Redmi Band và đối thủ của nó là Mi Band 4 (cũng của Xiaomi), chiếc vòng đeo tay nào mới là sự lựa chọn hợp lý ở thời điểm hiện tại.
Vỏ hộp của Redmi Band có thiết kế khá giống với hộp của Mi Band 4 phiên bản nội địa
Trong hộp chỉ có duy nhất chiếc Redmi Band và sách hướng dẫn sử dụng, không có dock sạc
Đây là Redmi Band, chiếc vòng đeo tay này có thiết kế vuông vắn ở các góc và cạnh
Màn hình của Redmi Band có kích thước 1.08 inch, độ phân giải 108 x 220. Thực chất màn hình này sử dụng tấm nền LCD TFT chứ không phải tấm nền OLED như nhiều thông tin được công bố trước đây
Khác biệt hoàn toàn so với thiết kế bo cong tròn của Mi Band 4 (phải). Màn hình của Redmi Band cũng là màn hình dạng phẳng hoàn toàn, trong khi đó của Mi Band 4 là màn hình hơi cong nhẹ ở xung quanh, cho cảm giác vuốt và thao tác thoải mái hơn. Kích thước màn hình của Redmi Band cũng lớn hơn một chút so với Mi Band 4
Một trong những điểm yếu của Redmi Band khi so sánh với Mi Band 4 chính là về màn hình. Màn hình trên Redmi Band là màn hình LCD TFT có chất lượng kém hơn nhiều so với màn hình OLED trên Mi Band 4, cả về chất lượng hiển thị và độ sáng. Khi đi ngoài trời nắng gắt thì có thể nhận thấy rõ màn hình Redmi Band tối hơn nhiều khi so sánh với Mi Band 4
Màn hình của Redmi Band còn có một nhược điểm khá dễ nhận thấy là hiện tượng nháy màn hình. Hiện tượng này có thể cảm thấy rõ rệt mỗi khi thao tác vuốt lên xuống để chuyển giữa các chế độ và giao diện. Khả năng cao đây là một lỗi phần mềm và Redmi có thể sẽ sớm khắc phục trong thời gian tới thông qua một bản cập nhật
Về độ dày thì cả hai gần như tương đương nhau, không có nhiều khác biệt đáng kể
Redmi Band sử dụng loại dây có thiết kế tương tự Mi Band 4
Phía mặt lưng của Redmi Band: đây là nới đặt các loại cảm biến như cảm biến đo nhịp tim để hỗ trợ theo dõi sức khỏe người dùng
Do không đi kèm dock sạc rời như Mi Band 4 nên cách sạc của Redmi Band cũng khá độc đáo
Để sạc được Redmi Band thì người dùng cần tháo một bên dây đeo của sản phẩm ra để lộ đầu sạc. Đầu sạc này là đầu sạc USB Type-A (cổng đực) nên có thể dễ dàng cắm trực tiếp vào các củ sạc điện thoại hiện tại mà không cần tới dây nối.
Khi sạc thì Redmi Band trông sẽ như thế này!
Tương tự Mi Band 4, Redmi Band cũng có các tính năng hỗ trợ và theo dõi sức khỏe như đo nhịp tim, đếm số bước chân, đo chất lượng giấc ngủ, tính số calo tiêu thụ cũng như các chế độ luyện tập riêng biệt
Do cùng Xiaomi sản xuất, Redmi Band có giao diện sử dụng gần như tương đồng so với Mi Band 4, cả về các thao tác và tính năng
Redmi Band cũng có thể thay đổi được hình nền, người dùng chỉ cần kết nối thiết bị thông qua ứng dụng Xiaomi Wear (hiện mới chỉ có mặt trên Android). Redmi Band cung cấp khá nhiều mặt đồng hồ thú vị để người dùng có thể đồng bộ hóa
Thêm một điểm yếu của Redmi Band ở thời điểm hiện tại là về mặt hỗ trợ ngôn ngữ. Hiện tại, Redmi Band chỉ hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Trung và tiếng Anh về mặt giao diện cũng như hiển thị. Do đó với các thông báo tiếng Việt, Redmi Band sẽ không thể hiển thị đúng thông báo (như hình). Đây là vấn đề về phần mềm và người dùng có thể chờ đợi thêm một thời gian để Redmi có thể cập nhật phần mềm hỗ trợ thêm nhiều ngôn ngữ mới
Về thời lượng pin, theo công bố thì Redmi Band có thời lượng dùng pin khoảng 14 ngày, tức là ít hơn khoảng 1 tuần so với Mi Band 4. Ngoài ra, Redmi Band cũng hỗ trợ khả năng kháng nước tiêu chuẩn 5ATM tương tự như nhiều smartband và smartwatch trên thị trường
Ở thời điểm hiện tại, Redmi Band đang có mức giá khoảng 330.000 đồng tại thị trường Trung Quốc (theo mức giá của Xiaomi công bố), rẻ bằng một nửa so với Mi Band 4. Đây là mức giá của riêng thị trường nội địa, còn ở thị trường Việt Nam, Redmi Band có mức giá cao hơn một chút, khoảng 400.000 tới 450.000 đồng tùy cửa hàng, trong khi đó Mi Band 4 có mức giá rơi vào khoảng 550.000 – 600.000 đồng.
Với mức giá như vậy cùng một số nhược điểm như chúng tôi đã kể ở phía trên, có lẽ Redmi Band hiện chưa phải là một món phụ kiện có mức giá hời đối với người dùng Việt, ít nhất là cho tới thời điểm hiện tại, mức giá cao kèm theo việc chưa hỗ trợ tiếng Việt sẽ là một trở ngại rất lớn.
Trong tương lai nếu Redmi Band có mức giá giảm xuống sát với mức giá được bán ra ở thị trường Trung Quốc, cùng với việc được cập nhật phần mềm thì đây sẽ trở thành một món phụ kiện giá rẻ đáng để sở hữu trong phân khúc giá dưới 500.000 đồng. Tất nhiên nếu bạn muốn một thiết bị smartband có chất lượng tốt hơn cũng như cho trải nghiệm sử dụng quen thuộc hơn thì Mi Band 4 sẽ vẫn là một sự lựa chọn đáng tiền, bởi mức giá của Mi Band 4 hiện đang giảm khá nhiều theo từng ngày.
Xin cảm ơn cửa hàng ChoiHay.vn đã hỗ trợ chúng tôi thực hiện bài viết này!
Theo: Trí Thức Trẻ
Nguồn: genk.vn