Trong tháng 12 tới, BKAV sẽ chính thức tung ra bộ đôi tai nghe true wireless AirB và AirB Pro. Được công bố lần đầu hồi tháng 5/2020, AirB đã lập tức gặp phải tình trạng trì trệ nghiêm trọng. Phải đến cuối tháng 10/2021 vừa qua, BKAV mới lên tiếng xác nhận thời điểm mở bán cặp tai nghe này, với lý do dẫn đến sự lỡ hẹn là bởi quá trình nghiên cứu gặp phải nhiều trở ngại.
Nếu như AirB Pro là model cao cấp với tính năng chống ồn chủ động, thì AirB thuộc phân khúc bình dân với mức giá rẻ hơn, cụ thể là 1.49 triệu đồng. Nhưng, AirB sẽ vẫn thừa hưởng nhiều tính năng của AirB Pro như kháng nước, chống ồn cuộc gọi và chất lượng âm thanh.
AirB, tai nghe true wireless của BKAV
Trong suốt những tuần vừa qua, CEO Nguyễn Tử Quảng đã liên tục có những phát biểu trên mạng xã hội, khẳng định rằng AirB có chất lượng rất tốt. Thậm chí, ông Quảng còn so sánh AirB Pro với sản phẩm cao cấp của “hãng A” khi nói về chất lượng âm thanh. Điều này tạo cho chúng tôi một kỳ vọng rất cao vào cặp tai nghe này.
BKAV từng so sánh sản phẩm của mình với tai nghe true wireless cao cấp của “hãng A”
Mới đây, chúng tôi đã có dịp được trên tay một phiên bản thử nghiệm của AirB. Liệu trải nghiệm thực tế của chiếc tai nghe này ra sao so với những tuyên bố hùng hồn của BKAV và CEO Nguyễn Tử Quảng?
Mở hộp & tổng quan thiết kế
Cách thức đóng hộp của AirB không có gì quá đặc biệt và gần tương tự so với các sản phẩm tai nghe true wireless khác. Bên trong hộp, bên cạnh tai nghe, người dùng còn nhận được 2 cặp eartips thay thế và 1 sợi cáp USB-A sang USB-C. Một điều cần lưu ý là người dùng bắt buộc phải đọc giấy hướng dẫn trước khi sử dụng tai nghe, bởi nó có chứa nhiều thông tin quan trọng mà họ sẽ không thể tìm thấy ở bất cứ đâu.
Hộp của AirB với tông màu trắng và hình ảnh của chiếc tai nghe
Phụ kiện đi kèm: eartips thay thế và cáp USB-C
Thiết kế của AirB như một sự pha trộn giữa AirPods và AirPods Pro, với phần “chuôi” dài của AirPods và dạng nhét tai (in-ear) như AirPods Pro.
Hộp sạc của AirB và AirPods Pro
AirB có thiết kế pha trộn giữa AirPods và AirPods Pro
Khi BKAV công bố AirB lần đầu, một số người đã lập tức nhận ra điều này và cho rằng BKAV đang “nhái” AirPods của Apple. Chúng tôi không cho rằng nó là một điều đáng để bận tâm, bởi lẽ thiết kế dạng earbuds như AirPods đã trở thành tiêu chuẩn chung của thị trường, với hàng loạt nhà sản xuất như Xiaomi, Oppo, Realme, Huawei… cũng có các sản phẩm tương tự. Trước đó, ông Nguyễn Tử Quảng cũng cho rằng đây là một điều “không có gì phải xấu hổ” trong kinh doanh thương mại và là một cách để marketing.
Thông số kỹ thuật
Về cơ bản, AirB là phiên bản rút gọn của AirB Pro với điểm khác biệt duy nhất, theo lời CEO BKAV, là sự cắt giảm của tính năng chống ồn chủ động (ANC). Còn lại, cả hai tai nghe chia sẻ chung thiết kế và hầu hết các tính năng còn lại.
Thông số AirB (ghi trên vỏ hộp):
– Chống nước, chống bụi IP45
– ENC: Khử ồn, tăng chất lượng đàm thoại
– Pin sử dụng trong 6 giờ, kèm thêm 21 giờ trên hộp sạc
– Thiết kế cao cấp, hoàn thiện tinh xảo
– Cảm ứng điện dung: Chạm vào tai nghe để ra lệnh
– Gọi trợ lý ảo: Google Assistant, Siri
– Bluetooth 5.0
Thế nhưng, ngoài những thông tin được BKAV công bố công khai, AirB còn có một sự khác biệt cơ bản so với AirB Pro về chipset. Thời gian qua, BKAV đã đề cập nhiều tới việc AirB Pro sử dụng chipset của Qualcomm (Mỹ), tuy nhiên, nguồn tin của chúng tôi cho biết AirB lại sử dụng chip JL AC6976, một con chip đến từ nhà sản xuất ZhuHai JieLi đến từ Trung Quốc.
Chất lượng gia công: Bản lề tệ, nhiều chi tiết chưa hoàn thiện
Mặc dù trên vỏ hộp của AirB nói rằng chiếc tai nghe này có “thiết kế cao cấp, hoàn thiện tinh xảo”, và CEO Nguyễn Tử Quảng cũng từng quả quyết đây là một thiết bị “được thiết kế tỉ mỉ, chính xác tuyệt đối”; nhưng qua trải nghiệm thực tế, chúng tôi lại nhận thấy điều hoàn toàn ngược lại.
Nếu săm soi thật kỹ, không khó để tìm được những điểm thiếu tinh tế trên AirB. Trên tai nghe có nhiều chi tiết nhựa thừa nham nhở mà người dùng có thể dùng móng tay để cạy ra. Hay, chất liệu bề mặt ở phần kim loại ở chuôi cũng không đồng đều và còn khá thô. Một chi tiết khá khó hiểu nữa là mặc dù đây là chiếc AirB bản thường, nhưng case sạc lại được in chữ “Pro”… và lại còn bị in lệch.
Chi tiết nhựa thừa nham nhở trên tai nghe
Chất liệu kim loại chưa được xử lý tốt
Tuy nhiên, do chiếc AirB này là phiên bản thử nghiệm, vậy nên đây là những tiểu tiết mà chúng tôi sẽ tạm bỏ qua. Thay vào đó, hãy tập trung vào chi tiết thiết kế đã được BKAV xác nhận: đó chính là phần bản lề của vỏ case, vốn chỉ đơn giản là một sợi dây (được làm bằng nhựa cứng hoặc cao su).
Bản lề “sợi dây” của AirB lỏng lẻo và tạo cảm giác rẻ tiền
CEO Nguyễn Tử Quảng nói rằng đây là chủ ý của BKAV để phòng tránh tình trạng gãy bản lề, từ đó giúp tiết kiệm cho người dùng. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá đây là thiết kế bản lề tệ nhất mà chúng tôi từng thấy ở trên một chiếc tai nghe TWS, bởi nó tồn tại vô vàn nhược điểm như (1) tạo cảm giác lỏng lẻo, kém cao cấp, (2) thao tác lấy tai nghe khó khăn vì nắp hộp không thể mở được nếu người dùng không giữ tay và (3) hộp không có khả năng nhận biết khi người dùng mở nắp.
Đây là thiết kế bản lề tệ nhất mà chúng tôi từng thấy trên một chiếc tai nghe TWS
Về độ bền, cũng là mục đích được BKAV hướng tới qua thiết kế này, chưa thể đưa ra một kết luận nào do thời gian sử dụng còn hạn chế. Tuy nhiên, qua một cuộc khảo sát mà chúng tôi tổ chức với 2.700 lượt bầu chọn, 89% người dùng chưa bao giờ gặp phải tình trạng gãy bản lề trên tai nghe true wireless mà họ đang sử dụng.
Vì vậy, thiết kế của AirB không những không đem đến lợi thế rõ ràng, mà còn khiến cho chiếc tai nghe này phải gánh chịu nhiều nhược điểm so với các sản phẩm khác. Hay nói một cách khác, BKAV đã tiến một bước, nhưng lùi tới ba bước với thiết kế này.
Điều khiển bằng cảm ứng: Nhiều tính năng nhưng cần thời gian làm quen
Như đã nói ở trên, AirB hỗ trợ các thao tác cảm ứng, và người dùng cần “học” cách sử dụng các thao tác này trên giấy hướng dẫn sử dụng. Các tính năng mà người dùng có thể thực hiện trên AirB tương đương so với những tai nghe TWS khác trên thị trường, bao gồm bật/tắt nhạc, chuyển bài hát, trả lời cuộc gọi và gọi trợ lý ảo. AirB có thêm tính năng điều chỉnh âm lượng bằng cách giữ nút cảm ứng. Đây là một tính năng mà không nhiều tai nghe có, và theo chúng tôi đánh giá là khá thiết thực.
Các thao tác cảm ứng của AirB
Dù vậy, cần phải khẳng định rằng không phải tất cả người dùng sẽ thích các thao tác cảm ứng. Bởi lẽ, trong nhiều trường hợp khi người dùng muốn điều chỉnh vị trí tai nghe trong tai, họ sẽ vô tình chạm vào bề mặt cảm ứng và khiến cho chiếc tai nghe thực hiện các thao tác ngoài ý muốn. Một số nhà sản xuất như Samsung đã nhận biết được vấn đề này và bổ sung tuỳ chọn cho phép tạm thời vô hiệu hoá tính năng cảm ứng. Tiếc rằng, với AirB, người dùng sẽ không thể làm như vậy bởi chiếc tai nghe này…
Không có ứng dụng quản lý
Theo những gì chúng tôi ghi nhận, AirB không có ứng dụng quản lý trên smartphone. Đây là một điều khá kỳ quặc, bởi lẽ hầu hết những chiếc tai nghe true wireless trên thị trường hiện nay đều có ứng dụng đi kèm, chưa kể BKAV lại là một công ty chuyên về lĩnh vực phần mềm. Không rõ điều này có thay đổi trong tương lai hay không, chỉ biết rằng, trên hướng dẫn sử dụng của AirB không hề đề cập tới việc chiếc tai nghe này có ứng dụng, mà người dùng chỉ có thể ghép nối với nó qua ứng dụng Cài đặt của smartphone.
Hướng dẫn sử dụng của AirB không đề cập tới sự tồn tại của ứng dụng trên smartphone
Việc không có ứng dụng khiến cho người dùng AirB phải chịu nhiều thiệt thòi so với những loại tai nghe khác. Ví dụ, người dùng sẽ không thể tuỳ ý thiết lập các thao tác cử chỉ theo ý mình, hay điều chỉnh equalizer để phù hợp với gu nhạc của bản thân.
Quá trình ghép nối AirB lần đầu không quá khó khăn, khi người dùng chỉ cần lấy tai nghe ra khỏi hộp và lựa chọn “AirB” trong phần cài đặt Bluetooth là xong. Lúc này, AirB sẽ phát ra âm thanh “Đã kết nối” bằng tiếng Việt.
Người dùng ghép nối AirB qua Cài đặt Bluetooth của điện thoại
Tuy nhiên, nếu như người dùng đã ghép nối AirB với một thiết bị nào đó và nay muốn ghép nối với một thiết bị khác, họ sẽ cần “reset” chiếc tai nghe này bằng cách chạm nhanh ba lần ở nút cảm ứng, rồi giữ 8 giây ở lần thứ ba. 8 giây là một khoảng thời gian tương đối dài, chưa kể, người dùng sẽ cần làm như vậy với từng bên tai nghe. Vì vậy, nếu bạn có nhiều thiết bị, quá trình này sẽ trở nên khá mất thời gian.
Chất lượng âm thanh tệ hại
Điều khiến chúng tôi bất ngờ nhất khi trải nghiệm AirB chính là chất lượng âm thanh tệ hại của chiếc tai nghe này. Bởi lẽ, trước đó ông Nguyễn Tử Quảng từng có nhiều lời ca ngợi về chất lượng âm thanh của chiếc AirB, nói rằng đội ngũ kỹ sư BKAV đã mất đến 2 năm mới đạt được kết quả này.
Chất lượng âm thanh của AirB khiến chúng tôi thật sự thất vọng
Cần phải khẳng định rằng, chất lượng âm thanh vốn là lĩnh vực đánh giá nặng tính chủ quan, do mỗi người lại có một “gu” nhạc riêng. Tuy nhiên, chúng tôi đã liên hệ với ít nhất ba reviewer công nghệ khác nhau đã được trải nghiệm AirB trong thời gian ngắn, và cả ba đều đồng ý rằng chiếc tai nghe này có chất lượng âm thanh không tốt. “AirB tiếng đục, bass và treble đều kém, chi tiết thấp”, một reviewer nói với chúng tôi.
Một lần nữa, đây chỉ là bản thử nghiệm, và có thể chất lượng âm thanh sẽ được cải thiện ở phiên bản chính thức.
“Không thể tin nổi”
Do thời gian của chúng tôi với AirB rất hạn chế, vậy nên khó có thể gọi đây là một bài “review”, đặc biệt khi mà đây mới chỉ là một phiên bản thử nghiệm không hơn không kém.
Tuy vậy, thông qua việc trải nghiệm một số tính năng chủ chốt, chúng tôi chưa thấy được bất kỳ ưu điểm nào của AirB so với các đối thủ khác trên thị trường. Thị trường tai nghe TWS hiện đã đến ngưỡng bão hoà, và người dùng chỉ cần bỏ ra chưa tới 1 triệu đồng là đã có thể sở hữu những chiếc tai nghe TWS đến từ các thương hiệu nổi tiếng với độ hoàn thiện cao, chất lượng âm thanh tương đối tốt và hỗ trợ nhiều tính năng. Một số sản phẩm thậm chí còn hỗ trợ chống ồn chủ động, tính năng mà AirB thiếu vắng. Vậy, đâu là lý do để người dùng lựa chọn AirB?
Đây là điều khiến cho chúng tôi cảm thấy thật sự bất ngờ. Bởi, mặc dù AirB đã bị “delay” tới hơn 1.5 năm so với dự kiến ban đầu, nhưng nó không những không có ưu điểm gì, mà còn tồn tại vô vàn vấn đề, từ trong ra ngoài, từ phần cứng cho tới phần mềm. Và chúng tôi không chắc rằng quãng thời gian ngắn ngủi còn lại là đủ để BKAV có thể khắc phục được toàn bộ các vấn đề trên.
Hy vọng rằng, BKAV sẽ sẵn sàng tiếp thu những ý kiến đóng góp từ cộng đồng như những gì CEO Nguyễn Tử Quảng từng tuyên bố (ảnh: Zing).
Sự bất ngờ được đẩy cao hơn nữa, khi như đã nói ở đầu bài viết, CEO BKAV từng dùng rất nhiều mỹ từ để miêu tả về AirB như “cao cấp”, “chất lượng”, “tuyệt vời”, “tỉ mỉ”… Nhưng, chúng tôi lại không cảm nhận được bất kỳ điều nào trong số đó khi tận tay trải nghiệm sản phẩm. Quả thật là “không thể tin nổi”.
Đương nhiên, mọi bài đánh giá đều bị ảnh hưởng bởi nhu cầu và sở thích riêng của tác giả. Nếu như bạn vẫn còn lòng tin dành cho AirB, trong tháng 12 tới, hãy tới trực tiếp các Bphone Store của BKAV để trải nghiệm và đưa ra nhận định riêng của bản thân.
Cửa hàng Bphone Store:
– Số 88B, Tòa nhà CT3, đường Dương Đình Nghệ, P.Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội
– 398 Trần Khát Chân, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội
– 28B, Nguyễn Sỹ Sách – TP Vinh – Nghệ An
– Số 38 Đức Lợi 1, Phường Thuận Phước, Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng
– 57A Hùng Vương, P. 4, Q. 5, Hồ Chí Minh
– Số 67 Đường số 3, KDC CityLand Center Hill, P. 7, Q. Gò Vấp, Hồ Chí Minh
Theo: Pháp luật & Bạn đọc
Nguồn: genk.vn