Razer vào tháng 7 vừa qua đã chính thức ra mắt 2 chiếc tai nghe over-ear (chụp tai) dành cho game thủ với tên gọi Barracuda X và OPUS X. Nếu như OPUS X mang đậm tính thời trang, hướng tới đối tượng thích màu sắc trẻ trung, năng động thì phiên bản Barracuda X lại thu hút tệp khách hàng thích sự đơn giản nhưng vẫn toát lên nét “ngầu” và đặc biệt là dành cho game thủ.
Hộp của Barracuda X vẫn giống với các dải sản phẩm tai nghe trước đây của Razer, với mặt trước màu đen, logo rắn 3 đầu nổi tiếng ở góc phải và cạnh bên được phủ màu xanh lá rất quen thuộc. Người dùng cũng có thể thấy một số thông tin và tính năng của sản phẩm, như hỗ trợ kết nối đa nền tảng, micro tháo rời, thiết kế công thái học, dùng driver 40mm,…
Nắp bên trong tiếp tục in dòng chữ nhấn mạnh sản phẩm làm ra cho game thủ và phát triển lên là nhờ có game thủ.
Trọn bộ bên trong sản phẩm gồm tai nghe, dongle Multi-Platform Connectivity (kết nối bằng cổng USB-C), micro rời, dây nối 3,5mm độ dài 1m5, cáp sạc USB-A to USB-C, cáp chuyển đổi USB-A sang USB-C (để cắm dongle với các hệ thống không có cổng USB-C).
Cận cảnh dongle của Razer. Lưu ý tai nghe Barracuda X là tai nghe không dây, tuy nhiên không bằng giao thức Bluetooth mà thông qua chiếc dongle này. Lợi điểm của nó là có thể cắm vào nhiều nền tảng khác nhau, như máy tính, laptop, Nintendo Switch, Playstation 4-5 hay điện thoại Android có cổng USB-C. Bên cạnh đó, kết nối dongle cũng giúp giảm độ trễ hơn so với kiểu kết nối Bluetooth.
Tất cả các nút điều khiển đều nằm ở tai trái, với nút có viền xanh lá là mute âm rất tiện lợi trong những lúc chơi game hay họp online mà bạn muốn tắt voice mình nhanh, bánh răng chỉnh âm lượng, nút nguồn, cổng 3,5mm nếu cần kết nối có dây và kế đến là cổng cắm micro rời.
Toàn bộ mặt ngoài của tai nghe này được phủ màu đen nhám, logo Razer được khắc lên tuy cùng màu với lớp vỏ nhưng khi có ánh sáng phản chiếu vào thì nổi bật lên trông rất ngầu.
Phần đệm trên headband khá êm, bọc bên ngoài là một lớp giả da.
Cảm nhận đầu tiên khi đeo tai nghe này vào là nó rất êm. Vì là người bị cận thị nên tôi rất ngại đeo tai nghe over-ear, bởi khi đeo phần chụp tai đè vào vành tai, cộng với lực ép vào gọng kính càng khiến tôi khó chịu, thậm chí là đau nếu đeo hơn 30-45 phút.
Với Barracuda X thì ngược lại, mọi thứ ôm vào tai và đầu rất êm, không quá ép và đặc biệt là không nặng đầu. 250gr là trọng lượng lý tưởng với bản thân tôi và có lẽ sẽ phù hợp với đại đa số game thủ phải đeo kính cận giống như tôi.
Pad tai được làm bằng vải với họa tiết tổ ong, đeo thời gian dài cảm giác vẫn khá mát mẻ, không nóng. Nhìn chung chiếc tai nghe này tạo cảm giác rất thoải mái, không như bản Razer BlackShark V2 trước đây, tuy chất âm “xịn” hơn nhưng lại đeo không được lâu.
Điểm cộng tiếp theo là phần micro có thể tháo rời. Ngoài gamer luôn cần micro mọi lúc, những người có công việc văn phòng ban ngày giống tôi chắc có lẽ không quá cần thiết đến bộ phận này. Với việc tháo rời, tai nghe trông gọn hơn và tôi chỉ cần gắn vào mỗi khi họp online mà thôi.
Sản phẩm có hỗ trợ âm thanh 7.1, người dùng khi mua về nên tải phần mềm trên máy tính để có trải nghiệm tốt nhất, đặc biệt là khi xem phim hoặc chơi game. Chất âm theo đánh giá nhanh của người viết thì tai nghe này hơi thiên về Treble, âm Bass có phần chưa đủ lực. Như tôi đã nói ở trên, người dùng nên tải phần mềm 7.1 để có trải nghiệm tốt hơn và cứu vớt được rất nhiều khi chơi game lẫn xem phim.
Khác với dòng BlackShark V2 vốn dùng driver 50mm, Razer quyết định trang bị TriForce driver 40mm cho Barracuda nhằm làm cho ngoại hình mỏng hơn, nhẹ hơn và phù hợp với tính di động. Thú thật nếu đeo BlackShark V2 khi chơi game trên smartphone, cổ của bạn sẽ chịu sức ép từ độ nặng của nó lẫn việc cúi đầu vào màn hình lại càng không tốt cho đốt sống cổ chút nào. Vậy nên Barracuda X này có vẻ hợp lý hơn hẳn và BlackShark V2 chỉ nên dùng cho máy tính khi đốt sống cổ bạn luôn ở vị trí an toàn nhất.
Có 1 điểm còn hạn chế ở Barracuda X này là người dùng sẽ không có cách nào biết được số % pin còn lại trên tai. Tai không hỗ trợ với phần mềm Synapse của Razer, phần kết nối tai của Windows cũng tất nhiên không hiển thị phần này, bởi nó chỉ dành cho tai nghe Bluetooth mà thôi.
Không hiển thị pin trên Windows…
Còn với tai nghe Bluetooth thì chúng ta sẽ biết được đầy đủ thế này.
Thậm chí Barracuda X cũng không được xuất hiện trên phần mềm Synapse.
Theo Razer, thời lượng pin của Barracuda X là 20 giờ cho 1 lần sạc đầy, vậy nên bạn cần để ý nạp pin cho nó tùy vào mức độ sử dụng của bản thân, hoặc khi gấp quá có thể dùng dây cáp 3,5mm để “chữa cháy”.
Nhìn chung, Razer Barracuda X có nhiều điểm đáng khen, từ việc kết nối được nhiều nền tảng cho đến tạo cảm giác đeo nhẹ nhàng là thứ mà tôi rất ưng. Có thể nói đây là một trong số ít tai nghe over-ear dành cho gaming mà lại có trọng lượng rất nhẹ và đó sẽ là thứ rất cần cho các game thủ có nhu cầu sử dụng hàng giờ mỗi ngày. Trong tầm giá này, người dùng vẫn có nhiều sự lựa chọn khác nhau, tuy nhiên nếu cần một chiếc tai nghe gaming gọn, nhẹ, tính cơ động cao và đặc biệt có thể kết nối được nhiều nền tảng thì Razer Barracuda X là một lựa chọn khá hợp lý.
Theo: Pháp luật & Bạn đọc
Nguồn: genk.vn