Trên tay và trải nghiệm nhanh Sony A7 IV: Nhiều cải tiến hấp dẫn từ trong ra ngoài

11:30 Sáng - 16/11/2021
0 Bình luận
413
bởi Duy Khoa

Sony A7 III tính đến nay đã gần 4 năm tuổi và sự ra đời của A7 IV lần này xem như cơn mưa giải hạn cho fan.

Dòng máy ảnh mirrorless A7 của Sony đã bước đến thế hệ thứ 4 và theo tôi đây là thiết bị có sự thay đổi khá nhiều không chỉ về ngoại hình, cảm giác sử dụng mà bên cạnh đó còn là những “nội lực” bên trong rất ấn tượng.

Ngoại hình “đắp” từ Sony A7S III mang luồng gió trải nghiệm mới

Cảm nhận đầu tiên khi cầm A7 IV là thân hình nó có nhiều nét thừa hưởng từ A7S III thay vì A7 III, và cũng nhờ vậy mà theo tôi cảm giác sử dụng được cải thiện hơn rất nhiều. Điểm dễ thấy nhất chính là phần báng cầm dày hơn so với phiên bản trước giúp việc cầm 1 tay cũng thoải mái hơn, tránh trượt tay.

Báng cầm sâu hơn cho cảm giác cầm tốt hơn.

Bánh răng ngoài cùng thay vì có đánh số +/- EV thì giờ đây đã bị “xóa trắng”, về mặc định nó vẫn có chức năng điều chỉnh giá trị EV, tuy nhiên điểm mới là chúng ta có thể gán chức năng khác tùy theo sở thích hay thói quen sử dụng.

Tiếp đến là màn hình LCD giờ đây có thể xoay lật đa hướng thay cho hai chiều như ở Mark III. Với kiểu thiết kế này, Sony đưa A7 IV tiếp cận được nhiều đối tượng người dùng hơn, trong đó có cả vlogger và hội thích selfie.

Hỗ trợ 2 khe thẻ nhớ SD, tuy nhiên điểm mới của A7 IV so với người tiền nhiệm là khe 1 hỗ trợ luôn cả CFexpress Type A cho tốc độ ghi dữ liệu nhanh hơn so với SD.

Logo A7 IV được dời vào gần ống ngắm điện tử (EVF) thay vì nằm ở rìa ngoài như đời trước. Ống ngắm EVF dùng tấm nền OLED 3,68 triệu điểm ảnh với tần số cao 120fps.

Sony cũng chú trọng vào khả năng quay video hơn cho phiên bản Mark IV này, đó là lý do vì sao ngay dưới bánh răng chế độ chụp còn có cả bánh răng phụ để chuyển từ chụp sang quay một cách nhanh chóng hơn.

Sony A7 IV có trọng lượng 659g, nặng hơn phiên bản trước khoảng 9g và dày hơn chút đỉnh. Theo cảm nhận người viết, sự thay đổi về cân nặng này vẫn trong mức chấp nhận được, nếu người dùng thích nhỏ gọn hơn thì Sony A7C sẽ là lựa chọn phù hợp hơn.

Các cổng kết nối của máy bao gồm cổng HDMI Type-A (loại lớn), cổng microphone, cổng xuất âm thanh riêng biệt, USB Type-C 10 Gbps, một cổng USB Type-C khác có khả năng kết nối 1000BASE-T Ethernet để chụp tethered và một cổng micro USB.

Máy vẫn sử dụng pin NP-FZ100 giống với A7 III và hầu hết các máy ảnh Sony hiện nay, nhờ vậy khi nâng cấp hoặc sắm thêm máy thì người dùng cũng không tốn thêm hầu bao để mua pin dự phòng.

Do thời gian mượn máy khá ngắn và không có nhiều dịp để chụp nên bản thân người viết cũng chưa dùng cạn hết 1 lần sạc pin. Theo Sony công bố pin có thể trụ được trong vòng 520 đến 580 bức ảnh.

Nhiều cải tiến mới từ bên trong

Trái tim của A7 IV đã được thay mới sau 4 năm, theo đó cảm biến 24.2MP BSI Exmor R trên A7 III đã lùi về sau để phiên bản 33MP BSI Exmor R CMOS lần này xuất hiện. Độ phân giải 24.2MP vẫn cho chất lượng tốt trong thời điểm này, tuy nhiên nó đang dần được xếp xuống hàng entry-level hoặc mid-range, hay nói cách khác là trở thành “chuẩn” cần có cho các máy ảnh mirrorless hiện tại. Vậy nên sự nâng cấp lên 33MP là điều hợp lý để có thể cạnh tranh với các đối thủ khác cũng như không phải “ngáng chân” 42MP của A7R III hay 61MP của A7R IV.

Bên cạnh đó, chiếc A7 thế hệ mới này cũng sử dụng vi xử lý BIONZ XR mới, vốn từng được dùng trên A7S III cho dải dynamic range cao hơn cũng như hiệu năng xử lý mạnh hơn 8 lần so với BIONZ X ở đời trước.

Khả năng lấy nét của A7 IV cũng được cải thiện, theo đó hỗ trợ Tracking AF theo thời gian thực, lấy nét người, động vật và chim cho cả chế độ chụp ảnh lẫn quay phim. Đây được xem là chiếc máy ảnh khá đa năng đầu tiên của Sony khi cho phép tối ưu AF ở cả chụp lẫn quay.

Được biết, A7 III sau bản cập nhật Ver 3.0 cuối năm 2020 cũng đã có Tracking AF theo thời gian thực cho động vật, tuy nhiên không hỗ trợ tracking chim như đời IV này. Trong quá trình trải nghiệm, người viết nhận thấy khả năng Tracking AF theo thời gian thực của A7 IV là rất tốt, sử dụng chuyển đổi giữa eye – face detection, phase và contrast một cách hợp lý để tránh bị trượt nét, thậm chí là cả trong điều kiện thiếu sáng.

Máy có 759 điểm lấy nét theo pha và 425 điểm lấy nét theo tương phản, hiệu quả lấy nét trong điều kiện thiếu sáng là -4 EV. Một số điểm đáng chú ý khác bao gồm hệ thống chống rung IBIS nâng lên 5,5 bước, chụp liên tiếp 828 ảnh với hệ thống bộ nhớ đệm mới.

Sony nhấn mạnh vào khả năng quay phim của máy, với khá nhiều những nâng cấp so với phiên bản tiền nhiệm. A7 IV cho phép quay 4K Full-frame 24/30fps với bit-rate cao nhất 600 Mbps dạng 10-bit 4:2:2; hoặc 4K 60fps khi quay ở chế độ Super 35 (crop 1.5x). Hệ thống lấy nét mắt người, động vật theo thời gian thực cũng sẽ hoạt động khi quay video.

Máy còn có một tính năng mới cho phép bù trừ hiện tưởng thở (breathing) khi quay video đối với ống kính của hãng. Hiện tượng breathing khi quay phim xảy ra khi người dùng lấy nét vào những điểm khác nhau, và khung hình có sự chuyển dịch gây xao nhãng với người xem. A7 IV sẽ có thể “giao tiếp” với những ống kính được hỗ trợ, điều chỉnh khung hình trong lúc quay để giải quyết vấn đề này.

Cảm nhận chung

Như tôi đã đề cập ở phần trên, Sony A7 IV đã thể hiện được khả năng lấy nét rất tốt, thậm chí là tốt hơn nhiều so với phiên bản trước khi chụp ở điều kiện thiếu sáng. Trong những bức ảnh dưới đây (sử dụng cùng ống kính Sony FE 24-105 F4 G OSS), có thể thấy nguồn sáng duy nhất là đốm lửa và chủ thể dù là người hay là những chú bò thì đều được máy ảnh bắt và bám nét rất nhanh. Hầu hết các bức ảnh này đều chụp ở khoảng ISO 10.000 và 12.800, chi tiết và màu sắc vẫn được bảo toàn rất tốt.

Cảm giác cầm nắm và thao tác cũng thoải mái hơn nhiều nhờ sự thay đổi về mặt công thái học, nút điều khiển, cho tới menu cũng được thay đổi giống với dòng A7S III. Nhìn chung tôi rất hài lòng trong ngày trải nghiệm này.

Điều khiến tôi lăn tăn nhất có thể là giá thành, bởi giờ đây A7 IV có mức giá lên đến gần 60 triệu đồng cho body, trong khi đó nếu so về thời điểm ra mắt Mark III chúng ta chỉ cần chi ra 49 triệu đồng mà thôi. Theo suy nghĩ của người viết, việc giá thành tăng này có lẽ một phần do ảnh hưởng từ vấn đề thiếu hụt linh kiện và chip toàn cầu trong thời gian qua, hoặc cũng có khi Sony muốn định hướng lại phân khúc sản phẩm của mình khi mức giá dưới 50 triệu đồng đã có A7C.

Với việc phân cấp như vậy, người dùng giờ đây có nhiều sự lựa chọn hơn: thích gọn nhẹ và giá thành rẻ hơn có thể nhìn sang A7C hoặc muốn “gom trọn bộ” công nghệ mới, đa-zi-năng từ chụp đến quay thì lựa chọn A7 IV nhưng phải đánh đổi mức giá cao hơn.

Một vài ảnh chụp khác bằng Sony A7 IV và FE 24-105 F4 G OSS:

Đánh giá

Theo: TUẤN LÊ

Nguồn: genk.vn

Để lại lời nhắn của bạn
  • Đánh giá

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Scroll Top