Vừa được ‘giải cứu’ bằng 1 tỷ USD, Airbnb vẫn có thể cạn tiền mặt trong vòng 1 năm: Quả thực không thể coi nhẹ sức ‘công phá’ của dịch Covid-19

10:47 Sáng - 08/04/2020
0 Bình luận
450
bởi Nam Nguyễn

Startup kỳ lân Airbnb có thể cạn tiền trong vòng 1 năm tới.

Ngày 6/4 vừa qua, nền tảng chia sẻ nơi lưu trú Airbnb cho biết họ vừa gọi vốn thành công 1 tỷ USD dưới dạng vay nợ và phát hành chứng khoán vốn từ các công ty Silver Lake và Sixth Street Partners. Khoản đầu tư mới này sẽ góp phần “giải cứu” Airbnb trong bối cảnh hoạt động kinh doanh bị tê liệt vì dịch Covid-19.

Tuần trước, trong một cuộc họp trực tuyến, Brian Chesky – CEO của kỳ lân công nghệ Airbnb đã tiết lộ kế hoạch tạm dừng tất cả các hoạt động marketing, tuyển dụng và có khả năng sẽ giữ lại tiền thưởng của nhân viên để tiết kiệm tiền mặt trong bối cảnh tình hình kinh doanh giảm sút do đại dịch Covid-19. Ước tính, nếu các hoạt động trên bị ngừng lại, Airbnb có thể tiết kiệm được tới 800 triệu USD.

Vừa được ‘giải cứu’ bằng 1 tỷ USD, Airbnb vẫn có thể cạn tiền mặt trong vòng 1 năm: Quả thực không thể coi nhẹ sức công phá của dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh, startup này đã lỗ 322 triệu USD trong suốt 9 tháng của năm 2019. Tuy doanh thu tăng thêm 1,65 tỷ USD trong quý III/2019 nhưng cũng không thể bù đắp chi phí tăng vượt trội của công ty.

Mối quan hệ hợp tác vào cuối năm ngoái với Ủy ban Olympic và Paralympic quốc tế của Airbnb cũng bị hoãn lại cho đến năm sau do dịch Covid-19. Cộng thêm việc khách hàng ở khắp nơi trên thế giới liên tục hủy đặt phòng vì dịch bệnh, có vẻ như kế hoạch IPO của Airbnb sẽ phải hoãn lại trong thời gian tới. Khi được hỏi về kế hoạch sa thải, Brian cho biết “bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra”. Hiện Airbnb có khoảng 7.000 nhân viên trên toàn thế giới.

Trong khi đó, Reuters tiết lộ rằng những nhà đồng sáng lập Airbnb sẽ không nhận 6 tháng lương và các giám đốc cấp cao cũng nhận mức lương giảm 50% để giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Vừa được ‘giải cứu’ bằng 1 tỷ USD, Airbnb vẫn có thể cạn tiền mặt trong vòng 1 năm: Quả thực không thể coi nhẹ sức công phá của dịch Covid-19 - Ảnh 2.
Airbnb chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19.

Airbnb không phải công ty duy nhất chịu cú đánh của đại dịch với ngành du lịch toàn cầu. Rất nhiều nền tảng đặt chỗ khác cũng đang phải vật lộn để tồn tại do số lượng khách hàng hủy đặt phòng ngày càng tăng.

Trước đó, Airbnb đã đưa ra chính sách cho phép khách du lịch hủy đặt phòng và hoàn tiền đầy đủ cho đối tác từ ngày 14/3 và ngày nhận phòng trước ngày 14/4. Động thái trên vấp phải sự không đồng tình của các chủ nơi lưu trú vì họ không được thông báo trước về chính sách trên.

Để xoa dịu và hỗ trợ chủ nhà, Brian cho biết công ty sẽ dành ra 250 triệu USD bồi hoàn cho 25% doanh thu thất thoát do hủy đặt phòng. Bên cạnh đó là 10 triệu USD dành cho “Superhosts” – những người quản lý nơi lưu trú phổ biến và được đánh giá cao để giúp họ trả tiền thuê mặt bằng hoặc thế chấp.

Bên cạnh đó, Airbnb còn tuyên bố mở rộng chương trình nơi lưu trú y tế của mình để cung cấp chỗ ở cho các chuyên gia y tế và y bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Theo điều khoản, Airbnb sẽ miễn tất cả các khoản chi phí trong thời gian này. Đồng thời những chủ nhà làm tương tự để hỗ trợ người lao động cũng được áp dụng chế độ như trên.

Tuy tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn nhưng Brian cho rằng khi đại dịch kết thúc và cuộc sống trở lại bình thường, Airbnb sẽ phát triển nhanh chóng nhờ nhu cầu du lịch tăng cao của người dân bị hạn chế đi lại trong thời gian dài. Dù ban lãnh đạo Airbnb tỏ ra rất lạc quan nhưng tuần trước, công ty đã tự hạ mức định giá xuống còn 26 tỷ USD so với mức 31 tỷ USD mà các quỹ đầu tư định giá trước đó.

Trong khi đó, theo một số chuyên gia, dựa trên kết quả kinh doanh thua lỗ liên tiếp và ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, đặc biệt, nếu nó kéo dài lâu hơn dự kiến, Airbnb sẽ cạn tiền mặt trong vòng 1 năm dù họ vừa gọi vốn thành công 1 tỷ USD.

 

Theo: Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Nguồn: genk.vn

Tin liên quan

Scroll Top