Kể từ khi ra mắt vào năm 2016, AirPods đã luôn được biết đến với vai trò là sản phẩm thống trị thị trường tai nghe True Wireless. Nhưng đến năm nay, vị thế ấy có vẻ đã bị bào mòn: theo số liệu của Counterpoint, thị phần của AirPods trong quý 2 vừa qua đã giảm chỉ còn 35%, thấp hơn hẳn so với mức 49% của năm 2019. Đáng ngạc nhiên hơn, điều này xảy ra khi AirPods vẫn chưa thoái trào: cũng theo Counterpoint, tổng doanh số AirPods năm nay sẽ tăng lên mức 82 triệu đơn vị, tăng mạnh so với mức 61 triệu của năm ngoái.
Tình cảnh của AirPods hiện tại gợi nhắc rất nhiều về những gì đã xảy ra với iPhone ngày trước. Ra mắt vào năm 2007, chiếc điện thoại này đã cách mạng hóa toàn bộ thị trường, xóa sổ toàn bộ các kiểu dáng đi trước và “đồng hóa” thế giới di động thành những thiết bị mỏng nhẹ có 4 góc bo tròn. Sự xuất hiện của iPhone có thể coi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của “cục gạch” Nokia và cỗ máy nhắn tin BlackBerry, cùng lúc truyền cảm hứng trực tiếp cho sự ra đời của Android.
Với vai trò cách mạng này, không có gì khó hiểu khi doanh số iPhone đã luôn tăng mạnh trong những năm đầu tiên. Trong 5 năm đầu tiên, gần như lượng iPhone bán ra trên toàn cầu luôn tăng gấp đôi qua từng năm. Quý 2/2011, lượng iPhone xuất xưởng vượt mặt smartphone Nokia.
Nhưng Apple chưa bao giờ chiếm được ngôi vương của thị trường di động nói chung (bao gồm cả smartphone lẫn điện thoại cơ bản). Một năm sau, khi Nokia để mất vị thế số 1, kẻ vươn lên chiếm ngôi lại là Samsung chứ không phải là Apple. Trong cùng thời gian Apple tăng trưởng thần tốc, Samsung còn… thần tốc hơn. Khi doanh số iPhone bắt đầu ngừng tăng trưởng vào năm 2012, Samsung vẫn kịp tăng gấp đôi lượng Galaxy bán ra trên toàn cầu trước đó.
Và, với sự xuất hiện của các hãng Android Trung Quốc sau đó, thị phần của Apple càng ngày càng suy giảm. Từ 2017 cho tới nay, lượng iPhone bán ra hiếm khi vượt quá ngưỡng 20% – phần lớn còn lại đã thuộc về chú robot xanh.
Lý do khiến cho smartphone Android vươn lên đè bẹp iPhone về thị phần là hoàn toàn dễ hiểu: trong khi Apple luôn nói không với phân khúc cao cấp, smartphone Android có mặt trên mọi mức giá. Ngay cả khi Apple nhân nhượng và ra mắt những sản phẩm hướng đến người dùng “tiết kiệm” như iPhone SE (400 USD), mức “giá mềm” của iPhone vẫn cao gấp 4 lần giá của những chiếc Android có trải nghiệm tốt – như Vsmart Joy chẳng hạn.
AirPods ngày nay cũng theo đuổi chiến lược giống hệt. Phiên bản rẻ nhất đã có giá lên tới 200 USD, tức cao gấp khoảng 10 lần so với Redmi Airdots của Xiaomi. Trong khi AirPods Pro ở mức giá 250 USD, mẫu tai nghe cao cấp nhất của Samsung là Galaxy Buds Live lại được tặng kèm miễn phí cho người mua Galaxy Note20 Ultra.
Bởi thế, việc các hãng tai nghe bứt tốc khiến để chiếm thị phần của AirPods có thể coi là tất yếu. Theo Counterpoint, trong khi AirPods chỉ có thể tăng trưởng 34% trong năm nay thì doanh số tai nghe Samsung lại tăng gấp 2 lần (212,5%). Không sớm thì muộn, AirPods sẽ trở lại thành sản phẩm nắm thị phần thiểu số.
Nhưng điều đó có nên khiến Apple lo lắng? Có lẽ là không. Ngay cả khi để mất vị trí số 2 vào tay Huawei, Apple vẫn đang được Warren Buffet coi là công ty kinh doanh “tốt nhất thế giới”. Lợi nhuận của Apple trong một quý cao gấp đôi lợi nhuận 6 tháng của Huawei. iPhone đã trở thành minh chứng rõ rệt rằng, ngay cả khi bị đè bẹp về thị phần, sự thống trị trên phân khúc cao cấp sẽ giúp Apple “ăn” hết lợi nhuận của cả thị trường.
AirPods cũng vậy. Nếu tính theo tỷ suất lợi nhuận trung bình của Apple là 30%, một chiếc AirPods bán giá 200 USD sẽ mang về 60 USD. Một chiếc “Airdots” giá 20 USD hay một chiếc Galaxy Buds tặng miễn phí dĩ nhiên sẽ chẳng thể nào mang lại lợi nhuận cao đến vậy. Cũng giống như iPhone, AirPods sẽ tiếp tục bị bán giá đắt, sẽ tiếp tục để mất vị trí vào tay đối thủ… Chẳng sao cả, bởi trong tầm nhìn của Tim Cook, chưa bao giờ sản phẩm Táo cần phải chiếm lấy vị trí số 1 làm gì cả.
Theo: CL
Nguồn: soha.vn