Dùng Grab trên smartphone Huawei mới thấy Google đã khôn khéo như thế nào

12:15 Chiều - 02/06/2020
0 Bình luận
358
bởi Phương Trần

Quả thật là trên lý thuyết, chẳng có gì ngăn cản người dùng Huawei cài đặt APK lên chiếc điện thoại không-có-Google-Play của họ. Nhưng một kẻ khôn ngoan như Google đâu có dễ gì để các “đối tác” qua mặt?

Gần đúng ngày “kỷ niệm” 1 năm bị Tổng thống Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại – và mất quyền sử dụng Android của Google, Huawei tiếp tục ra mắt một phiên bản P30 tiếp theo. Là dòng sản phẩm cuối cùng của Huawei trước khi nhận lệnh cấm, tính đến nay P30 đã được Huawei làm mới tới 3 lần. Lần đầu tiên, tại sự kiện IFA tháng 9/2019, Huawei ra mắt P30 Pro với thiết kế 2 màu và Android 10 cài đặt sẵn. Tháng 1/2020, P30 Lite “New Edition” được vén màn. Và, gần đây nhất, P30 Pro lại được hồi sinh dưới tên gọi “P30 Pro New Edition”.

Sau khi vén màn các phiên bản P30 đầu tiên vào tháng 3, Huawei đã ra mắt thêm 2 thế hệ đầu bảng mới: Mate 30 và P40. Mẫu P40 Pro thậm chí còn đánh bại toàn bộ các đối thủ sừng sỏ để vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng DxOMark.

Dùng Grab trên smartphone Huawei mới thấy Google đã khôn khéo như thế nào - Ảnh 1.

Chuyện chưa từng có trong lịch sử: Một hãng smartphone 3 lần làm mới smartphone của năm cũ.

Nhưng Huawei vẫn cứ phải làm mới P30, vì đây là model cuối cùng được cài đặt Google Play. Với người dùng Huawei trên toàn cầu, Google Play là cách duy nhất để chạm tới một trải nghiệm Android chấp nhận được.

Nghịch lý của Android

Với các fan của Android, đây có thể coi là một điều đáng ngạc nhiên. Bởi ngay từ những ngày đầu tiên, Google đã luôn quảng bá tính “mở” của Android. Một trong những yếu tố “mở’ nhất của Android là khả năng cài ứng dụng. Khác với iPhone – nơi cách duy nhất để cài đặt ứng dụng là qua chợ App Store của Apple, người dùng Android vẫn có nhiều cách để cài ứng dụng họ mong muốn mà không cần phải dùng tới chợ Google Play. Có vô số nguồn thứ 3 để tải file APK, và bất cứ một công ty nào cũng đều có thể tự tạo ra một chợ ứng dụng riêng để phân phối app cho Android. Samsung, Amazon, các công ty Trung Quốc và dĩ nhiên là cả Huawei đều đã làm như vậy.

Nhưng đáng buồn thay, tính “mở” của Android chỉ dừng ở mặt lý thuyết. Trong một thử nghiệm mới đây, chúng tôi đã thử cài đặt 2 ứng dụng gọi xe và gọi đồ ăn khá phổ biến là Grab và Now lên P40 Pro. Cả 2 ứng dụng này đều không có trên chợ AppGallery của Huawei, và do đó phải cài đặt qua file APK độc lập.

Dùng Grab trên smartphone Huawei mới thấy Google đã khôn khéo như thế nào - Ảnh 2.

Chuyện ngược đời: Hệ điều hành “mở”, nhưng thiếu dịch vụ của riêng một công ty thì ứng dụng lỗi không dùng được.

Kết quả? Grab vẫn chạy nhưng phần bản đồ trắng xóa. Thông báo “Grab không thể chạy nếu không có các dịch vụ Google Play” xuất hiện. Người dùng vẫn có thể đặt xe, nhưng đó là một trải nghiệm vô cùng giới hạn và kém trực quan. Tương tự, người dùng Now không thể đăng nhập vào ứng dụng (dù vẫn có thể xem hàng quán và món ăn). Thông báo của Now vẫn là “Không chạy được nếu không có các dịch vụ Google Play”.

Nghịch lý xảy ra. Người dùng vẫn có thể tìm được bộ cài, vẫn có thể cài đặt và thậm chí vẫn có thể khởi chạy ứng dụng trên những chiếc Huawei không có Google, nhưng các ứng dụng này hoặc trở nên vô dụng, hoặc trở nên cực kỳ giới hạn.

Cái “khôn” của Google

Cái khôn của Google là đây. Google vẫn có quyền nói Android là mở, là miễn phí, vì quả thật người dùng vẫn có thể cài đặt ứng dụng lên bất kỳ một bản Android nào qua APK, các công ty vẫn có thể loại bỏ hoàn toàn các dịch vụ Google Play và tự thay thế bằng bộ dịch vụ của riêng mình. Nhưng trong thực tế, nếu trải nghiệm Android-không-có-Google trở nên dở tệ như Grab và Now trên P40 Pro, mấy ai lại muốn rời xa Google?

Dùng Grab trên smartphone Huawei mới thấy Google đã khôn khéo như thế nào - Ảnh 3.

Android vẫn là một hệ điều hành mở, nhưng các nhà phát triển thì lại bị “trói” vào các dịch vụ nền của riêng Google.

Gã khổng lồ tìm kiếm làm thế nào để tạo ra những sợi dây vô hình này? Hãy nhìn vào mô tả của chính Google dành cho Play Services. Bộ dịch vụ này bao gồm yếu tố tối quan trọng với ứng dụng là định vị (Google Maps) và thông báo (Firebase Cloud Messaging). Một số yếu tố quan trọng khác như tìm kiếm nội dung offline, tùy chỉnh quyền truy cập (app permissions) hay danh sách liên lạc cũng có sẵn trong bộ dịch vụ Google Play.

Một lần nữa, về mặt lý thuyết, các công ty vẫn có thể tự tạo ra các giải pháp thay thế, và các nhà phát triển ứng dụng cũng có quyền lựa chọn các giải pháp thay thế này. Đơn cử, Facebook có dịch vụ thông báo riêng, không cần phải đi qua dịch vụ thông báo của Google. Các ứng dụng nhắn tin hay mạng xã hội tại Trung Quốc cũng có thể dùng dịch vụ của Huawei hoặc tự phát triển riêng. Nhưng Google vẫn quá khôn: đâu phải nhà phát triển nào cũng có tiềm lực như Facebook, WeChat hay Tencent để mà hất cẳng hoàn toàn các dịch vụ Play khỏi ứng dụng của riêng họ.

Chưa kể, với ứng dụng sử dụng dịch vụ “nền” riêng thay vì Google Play Services, sức ép tạo ra lên phần cứng sẽ càng lớn, gây ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng. Ví dụ điển hình là smartphone Trung Quốc nội địa thường có RAM lớn hơn bản quốc tế: không thể nhận thông báo qua dịch vụ của Google, các nhà phát triển Trung Quốc buộc phải giữ ứng dụng của họ trên RAM để “lắng nghe” cuộc gọi, tính năng đang đến.

Dùng Grab trên smartphone Huawei mới thấy Google đã khôn khéo như thế nào - Ảnh 4.

Google đã từng chính thức cảnh báo người dùng về các nguy cơ khi cố cài đặt Play Services lên điện thoại Huawei.

Vô số những trói buộc

Kết quả là chẳng ai bảo ai, nhà phát triển nào cũng chọn các dịch vụ mặc định của Google. Cả hệ sinh thái Android lẫn người dùng vì thế cũng bị “trói”… Trên smartphone của Google, ứng dụng gọi xe/đặt đồ ăn mất khả năng định vị vì không truy cập được vào Google Maps, mạng xã hội Twitter mất khả năng hiện thông báo do không kết nối được tới dịch vụ Firebase Cloud Messaging của Google.

Chưa dừng lại ở đây, người dùng Huawei (và bất kỳ một thiết bị Android nào khác không được Google cấp phép) phải đối mặt với đủ loại rắc rối. Google dùng đủ mọi biện pháp pháp lý để ngăn chặn các hãng sản xuất không thể tạo ra phương thức cài đặt Play Services một cách dễ dàng. Và kể cả nếu vượt qua được tất cả những khó khăn này rồi, họ lại phải đối mặt với những rủi ro to lớn khi dùng ứng dụng ngân hàng, tài chính hoặc công việc. Liệu một người dùng có nên “yêu” một thương hiệu smartphone đến mức sẵn sàng chấp nhận mất tiền, mất thông tin nhạy cảm theo cách này?

Tại sao phải chấp nhận, trong khi họ vẫn có nhiều lựa chọn Android-có-Google khác: Samsung, Xiaomi hay Vsmart chẳng hạn?

Dùng Grab trên smartphone Huawei mới thấy Google đã khôn khéo như thế nào - Ảnh 5.

Thị trường vẫn còn quá nhiều lựa chọn smartphone Android CÓ dịch vụ Google…

Còn Huawei chỉ có lựa chọn duy nhất là liên tục làm mới lại P30. Android có thể coi là hệ điều hành “mở”, “miễn phí”, nhưng một kẻ khôn như Google đâu có dại gì tạo ra một thứ thực sự miễn phí cho kẻ khác hưởng lợi. Bằng cách này hay cách khác, Android vẫn là của riêng Google. Gã khổng lồ tìm kiếm có đủ cách để biến trải nghiệm Android-không-có-Google trở thành “địa ngục số” cho người dùng Huawei, ZTE hay bất kỳ một thương hiệu smartphone nào khác không có Play Services.

Theo: Trí Thức Trẻ

Nguồn: genk.vn

Tin liên quan

Scroll Top