Quyết định tham gia chương trình phổ cập smartphone của Bphone có thể coi là một bất ngờ lớn. Trong suốt 3 thế hệ sản phẩm đầu tiên, tập đoàn của CEO Nguyễn Tử Quảng chưa từng chạm tay tới phân khúc giá thấp. Trước B40, smartphone có giá khởi điểm thấp nhất của Bkav là Bphone 3 khi ra mắt vào năm 2018 đã có giá lên tới gần 7 triệu đồng. Bphone 2 năm 2017 khởi điểm ở mốc gần 10 triệu đồng, còn Bphone thế hệ đầu khởi điểm gần 11 triệu đồng.
Nhưng đây vẫn chưa phải là mức giá thấp nhất mà Bkav nhắm tới. Trong một cuộc phỏng vấn với một chuyên trang tài chính tại Việt Nam vào tháng 3 (cũng gần với thời điểm ra mắt ban đầu của Bphone 86 trước khi phải hoãn vì Covid-19), đại diện Bkav cho biết tập đoàn này đang cùng các nhà mạng trong nước phối hợp để sản xuất smartphone giá siêu rẻ. Theo vị đại diện, Bkav đã “làm chủ được công nghệ lõi, do đó có thể “phổ cập smartphone giá 500.000 đồng tới 100% người dân”.
Trước đó, kế hoạch phổ cập smartphone thương hiệu Việt đến 100% người dân với giá 500.000 đồng đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý I/2020 của bộ này. Để đưa smartphone 4G có giá thành sản xuất khoảng 50 USD (hơn 1 triệu đồng) xuống giá bán 500.000 đồng, các nhà mạng sẽ trợ giá 10 USD, các nhà phát triển ứng dụng sẽ trợ giá thêm khoảng 1 USD với mỗi ứng dụng cài đặt sẵn.
Quyết định tham gia chương trình phổ cập smartphone của Bphone có thể coi là một bất ngờ lớn. Trong suốt 3 thế hệ sản phẩm đầu tiên, tập đoàn của CEO Nguyễn Tử Quảng chưa từng chạm tay tới phân khúc giá thấp. Trước B40, smartphone có giá khởi điểm thấp nhất của Bkav là Bphone 3 khi ra mắt vào năm 2018 đã có giá lên tới gần 7 triệu đồng. Bphone 2 năm 2017 khởi điểm ở mốc gần 10 triệu đồng, còn Bphone thế hệ đầu khởi điểm gần 11 triệu đồng.
Ngay cả mức giá khá “mềm” (5,5 triệu đồng) của B40 cũng mới chỉ đưa Bphone vào mức giá tầm trung chứ chưa thể coi là một sản phẩm giá rẻ. Trên mỗi khung giá, điện thoại của Bkav đều không phá giá cấu hình khi sánh cùng các đối thủ cạnh tranh. Ví dụ, Bphone 3 dùng Snapdragon 636 nhưng khi ra mắt cũng có giá lên tới 7 triệu đồng, B86 mới ra mắt ngày 10/5 có giá 10 triệu đồng nhưng cũng chỉ dùng Snapdragon 675. Thay vì chạy đua cấu hình, Bphone quảng bá những yếu tố trải nghiệm như DAC “rời” (tích hợp Qualcomm), “AI camera đầu tiên” hay mới đây B86 có “2 camera tương đương như 5 camera của smartphone khác”.
CEO Nguyễn Tử Quảng đã từng ví von bán smartphone giá rẻ là chiến lược của smartphone Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2017, CEO Bkav chia sẻ:
“Tôi gặp rất nhiều người và nhiều người đều đặt câu hỏi như vậy? Sao không bán ra sản phẩm giá vừa phải mà định vị ở phân khúc cao cấp. Lựa chọn con đường khó khăn, gian nan và khó đạt được thành công”.
Câu trả lời của ông là một câu hỏi ngược:
“Bạn muốn VN có một tập đoàn công nghệ như Samsung, Apple hay bạn muốn có một thương hiệu Trung Quốc? Bạn muốn phương án nào?”
Không nằm ngoài dự đoán, tầm nhìn hướng vào các phân khúc cao hơn không thể giúp Bphone đánh bại Apple, một thương hiệu vốn cũng chỉ tập trung vào smartphone giá cao. Thế chỗ cho Bphone, vinh dự này thuộc về Vsmart: theo số liệu Gfk, trong quý 1 Vsmart trở thành thương hiệu smartphone đầu tiên lọt top 3 tại Việt Nam với thị phần trên 10%. Như vậy, Vsmart đã trở thành tên tuổi Việt đầu tiên có thể cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, vượt mặt Apple và thậm chí còn nhích dần lên “chiếu trên” cùng 2 ông lớn thống trị là Samsung và OPPO.
Hiển nhiên, chiến lược của Vsmart là dùng chính chiêu bài của người Trung Quốc và thậm chí còn nâng lên tầm cao mới. Tháng 11/2019, Vsmart Live gây sốt khi được giảm giá xuống còn 3,5 triệu đồng cho phiên bản 4GB RAM và 3,8 triệu đồng cho phiên bản 6GB RAM. Ở khung giá này, Vsmart Live vừa sử dụng chip mạnh mẽ hơn, vừa có dung lượng RAM lớn hơn các đối thủ Trung Quốc. Thậm chí, Vsmart Live còn được trang bị màn hình AMOLED trong khi smartphone Trung Quốc cùng tầm vẫn chỉ sử dụng màn hình IPS.
Nối tiếp Live là mẫu Joy 3 với cấu hình một lần nữa hấp dẫn hơn hẳn đối thủ cùng tầm. Trong tháng 1/2020, Joy 3 đã giúp Vsmart thiết lập một thành công mới khi bán được 12.000 máy tới tay người dùng chỉ trong vòng 1 ngày đầu lên kệ.
Để bạn đọc tiện so sánh, Bphone 2 trong một năm chỉ bán được khoảng 10.000 máy. Bkav khẳng định Bphone 3 chỉ mất 1 tháng để đạt đến cột mốc này, nhưng sau đó lại không hề hé lộ thêm bất kỳ thông tin nào về tình hình kinh doanh smartphone.
Không khó để nhìn ra vì sao Vsmart và Bkav lại chọn hai con đường hoàn toàn khác biệt nhau. Smartphone giá rẻ đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ để xây dựng quy trình, xây dựng nhân lực, xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối v…v… Bản thân những hãng smartphone Trung Quốc lọt top toàn cầu như Xiaomi hay Huawei cũng có lợi nhuận rất thấp khi so sánh cùng các thương hiệu có chỗ đứng vững chắc trên phân khúc cao cấp như Apple và Samsung.
Vsmart có đủ tiềm lực để theo đuổi cuộc đua này. Vốn điều lệ của VinSmart khi thành lập vào tháng 6/2018 là 3000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, VinGroup “rót” thêm cho VinSmart 1240 tỷ đồng. Công ty này vừa hoàn thành nhà máy công suất 125 triệu máy/năm tại Hòa Lạc, Hà Nội.
Trong khi đó, năm 2015, Bkav lãi chỉ 5,7 tỷ đồng (đây cũng là năm ra mắt Bphone 1); năm 2016 lỗ 5,3 tỷ đồng và năm 2017 lãi 8,7 tỷ đồng. Số liệu 2018 và 2019 không được Bkav công bố rộng rãi nhưng chắc chắn sẽ chỉ là một phần nhỏ so với mức 37,7 nghìn tỷ lợi nhuận gộp của VinGroup trong năm vừa rồi.
Bởi thế, việc Bphone tham gia vào chương trình phổ cập smartphone giá 500.000 đồng thực sự là một bất ngờ lớn. Có vẻ như, với những cơ hội phần mềm (nơi Bkav là một thế lực), tập đoàn của tỷ phú Bkav đã tìm thấy lối đi trong cuộc chiến smartphone giá rẻ vốn vô cùng khắc nghiệt. “Khi đi vào sản xuất với số lượng lớn, cùng với sự trợ giá của các nhà mạng, nhà cung cấp ứng dụng… thì việc phổ cập smartphone giá 500.000 đồng tới 100% người dân là điều có thể thực hiện được”, đại diện Bkav nói.
Và đó là một bất ngờ đáng vui mừng. Thay vì chỉ 1 lựa chọn smartphone giá rẻ, người dùng Việt sẽ có thêm lựa chọn mới, đến từ hãng smartphone đã luôn kêu gọi tập trung vào trải nghiệm cao cấp thay vì cấu hình và giá bán. Từ chỗ hoàn toàn vắng bóng trong cuộc đua phổ cập di động thông minh, các hãng smartphone Việt sẽ trở thành ngọn cờ đi đầu giúp cho mọi người dùng Việt Nam có thể chạm tay tới kết nối 4G. Khi tinh thần cạnh tranh được đẩy mạnh, chúng ta càng có quyền hy vọng các nhà sản xuất sẽ nỗ lực để đưa tạo ra trải nghiệm giá mềm ngày một chất lượng hơn.
Chưa rõ khi nào những chiếc Bphone 500.000 đồng sẽ được công bố. Nhưng với khẳng định của Bkav, với những thay đổi thể hiện qua quyết định vén màn B40, lần đầu tiên trong lịch sử, Bphone giá rẻ sẽ không còn là một giấc mơ xa vời viển vông.
Theo: Trí Thức Trẻ
Nguồn: genk.vn