POCO M3 là cái tên “đáng gờm” của các đối thủ trong cùng phân khúc. Người dùng không chỉ quan tâm tới cấu hình hiệu năng của máy mà còn dành sự quan tâm lớn tới khả năng chụp hình và quay video. Với mức giá chỉ hơn 3 triệu đồng, camera của POCO M3 sẽ có những ưu nhược điểm gì đáng để cân nhắc?
Đáp lại sự chờ đợi của người dùng, mới đây Xiaomi đã chính thức giới thiệu POCO M3 tại thị trường Việt Nam. Đây là một chiếc smartphone có mức hiệu năng trên giá thành khá tốt trong phân khúc với Snapdragon 662, pin 6000mAh, loa kép, camera 48MP,… Nhưng chỉ với hơn 3 triệu đồng thì camera 48MP của POCO M3 liệu có thật sự nổi trội? Bài viết dưới đây giúp các bạn có thêm thông tin tham khảo trước khi quyết định mua chiếc điện thoại này.
Cụm camera của POCO M3 có gì?
Cụm camera chính của máy có thiết kế lạ mắt kéo dài theo chiều rộng của máy. Đây là điểm khác biệt so với đại đa số các mẫu smartphone hiện nay. POCO M3 sở hữu 3 camera sau và 1 camera selfie.
Có thể do nhà sản xuất chưa tối ưu tốt phần mềm nên trong quá trình sử dụng ứng dụng camera gốc của máy thỉnh thoảng có hiện tượng giật lag và phản hồi chậm. Điều này diễn ra nhiều hơn khi dung lượng pin của máy còn dưới 20%.
Điểm trừ đầu tiên và có lẽ là quan trọng nhất đối với camera của POCO M3 đó chính là máy không có camera góc siêu rộng (ultrawide). Hai camera phụ của máy là macro và đo độ sâu trường ảnh có lẽ chẳng mấy khi người dùng sử dụng tới. Camera ultrawide thì lại rất hữu ích khi đi du lịch, chụp kiến trúc, chụp kéo dài chân “sống ảo” thì lại không được trang bị trên POCO M3.
Bắt đầu soi vào chất lượng hình ảnh, ở điều kiện môi trường đầy đủ sáng, cảm nhận đầu tiên ngay khi bấm máy là khả năng lấy nét nhanh, hình ảnh có độ sắc nét tốt, màu lên tươi tắn không quá “gắt”. Nhưng khi xem kĩ lại ảnh thì chất lượng thật sự không xuất sắc đối với 1 chiếc camera có độ phân giải 48MP sử dụng cảm biến Samsung S5KGM1. Zoom lên dễ dàng nhận ra bức hình có độ chi tiết không cao, các chi tiết bị bệt nhiều hơn khi càng xa trung tâm bức hình, nhất là phần lá cây.
AI nhận diện khung cảnh của máy hoạt động nhanh và chính xác, thử nghiệm nhanh thì máy nhận diện tốt đang chụp bầu trời, mặt nước, người hay thú cưng,… Có điều trong một vài trường hợp ảnh bị đẩy màu sắc và tương phản lên quá đà. Như bức hình dưới đây, máy nhận diện đang chụp thú cưng, màu sắc bị đẩy lên tone cam vàng khá gắt, độ tương phản cũng bị đẩy cao nhưng độ chi tiết lại không tốt, ảnh rất bệt.
Điều tương tự xảy ra khi chụp người trong môi trường chênh sáng mà bật AI. POCO M3 xử lý bức hình không tốt khi màu sắc da mẫu bị đẩy tương phản cao, nhìn da hơi sậm và khối trên gương mặt không đẹp.
Để có những bức hình chụp người hài hòa hơn thì nên tắt AI hoặc chuyển qua chế độ chụp Chân dung. Sở hữu camera phụ đo chiều sâu 2MP, POCO M3 cho khả năng chụp ảnh “xoá phông” ở mức khá. Nếu soi kĩ thì viền tóc xử lý còn lỗi nhưng với 1 chiếc điện thoại hơn 3 triệu đồng chụp như này đã cũng là ổn rồi.
Ảnh từ chế độ chụp Chân dung màu da cũng chưa được xử lý tốt. Để bức hình đẹp hơn người dùng có thể dùng trình “chỉnh sửa” sẵn có của máy để màu sắc hài hoà.
Đến với tính năng chụp hình selfie, có lẽ đây là một trong những điểm cộng về camera của máy. Với độ phân giải 8MP, camera selfie của POCO M3 cho ra những bức hình có độ chi tiết cao, bắt nét nhanh, AI của máy làm đẹp rất tự nhiên.
Để bức hình selfie thêm đẹp, người dùng hoàn toàn có thể chụp selfie “xoá phông” ở chế độ Chân dung. Tuy máy chỉ xử lý “xoá phông” bằng phần mềm nhưng thuật toán của nhà sản xuất làm rất tốt, tóc ít bị lẹm, da mẫu cũng tươi tắn tone hồng cam.
Môi trường thiếu sáng luôn là thử thách lớn đối với camera điện thoại. POCO M3 thuộc phân khúc giá rẻ nên càng gặp khó khăn trong điều kiện chụp hình này. Hình ảnh chụp bằng camera thường thấy rất rõ nhiễu hạt, đặc biệt là nhiễu hạt màu khiến bức ảnh có màu xanh đỏ lung tung khác với thực tế.
Chuyển sang chế độ chụp Ban đêm vấn đề này được khắc phục. Bức hình cho ra không bị nhiễu hạt, vùng sáng tối cũng được cân bằng hơn. Tuy nhiên ở chế độ này, máy tự động chụp nhiều tấm hình để ghép lại, mất vài giây để máy xử lý nên người chụp hơi rung tay nhẹ hoặc gió lay cây là bức hình bị mờ nhoè, hình ảnh kém phần chi tiết và bệt hơn.
Tiếp tục chuyển qua chế độ chụp 48MP để test, đây có lẽ là bức hình khá nhất trong 3 chế độ chụp. Bức hình gần như không nhìn rõ nhiễu hạt, độ chi tiết cũng cao hơn hẳn 2 chế độ kia, sự chênh lệch vùng sáng – tối ở mức chấp nhận được.
Khả năng quay video và mic thu âm
Trong khoảng 1-2 năm trở lại đây, nhà sản xuất Xiaomi đã cải thiện đáng kể mic thu âm khi quay video của mình. POCO M3 cũng được “hưởng ké” điều này. Khả năng thu âm khi quay video của máy được cải thiện nhưng vẫn chưa thực sự tốt. Hơn nữa khả năng chống rung của máy kém nên phần quay video là một yếu điểm của POCO M3.
Tạm kết
Nhìn chung với một chiếc smartphone giá rẻ trong phân khúc 3-4 triệu đồng như POCO M3 thì người dùng không thể kỳ vọng quá nhiều về hiệu năng camera như những chiếc máy tầm trung và cao cấp. Tuy nhiên, nếu so sánh với một số sản phẩm khác trong cùng phân khúc, cũng như dựa trên những tính năng nổi bật khác, thì POCO M3 vẫn là một “đối thủ đáng gờm” sở hữu chất lượng camera đủ dùng trong hầu hết các trường hợp
Theo: Pháp luật & Bạn đọc
Nguồn: genk.vn