Tuần vừa qua, Intel đã chính thức ra mắt thế hệ 10 của Core i với tên mã Comet Lake-S, dòng CPU cho người dùng phổ thông thành công nhất của họ. Quả thực, với sự trỗi dậy của AMD Ryzen từ đầu năm 2017, kì vọng của thị trường với Chipzilla là rất lớn mỗi khi họ ra mắt một thế hệ CPU mới.
Bởi vậy, khi biết rằng Comet Lake-S được sản xuất trên tiến trình 14nm++++, người dùng và giới công nghệ đều tỏ ra khá thất vọng, nhất là khi đối thủ AMD Ryzen 3000 series được sản xuất trên tiến trình 7nm của TSMC từ năm ngoái. Dẫu biết mật độ bóng bán dẫn của Intel vẫn luôn vượt trội so với TSMC hay Samsung, khoảng cách của 14nm và 7nm là khá khó để khoả lấp.
Thế nhưng, để nói về hiệu năng, Intel Core i 10000 series nói chung hay Intel Core i9-10900K nói riêng vẫn cực kỳ đáng gờm. Dù hiệu năng đa nhân có đôi chút thua thiệt so với Ryzen 9 3900X vì số nhân ít hơn, hiệu năng chơi games của i9-10900K vẫn là đỉnh nhất thị trường. Thậm chí, nhờ xung nhịp cao, i9-10900K còn vượt mặt R9 3900X ở một số bài thử. Tất nhiên, những cải tiến này cũng đi cùng với nhiều thứ phải đánh đổi, sẽ được đi sâu hơn ở phần sau của bài đánh giá.
Trong bài đánh giá này, CPU Core i9-10900K được đóng gói trong bộ sản phẩm thử nghiệm dành cho giới truyền thông hay còn gọi là press kit. Hình ảnh về bao bì sản phẩm bán lẻ có thể dễ dàng được tìm thấy trên Google. Hộp press kit có màu xanh dương đặc trưng của Intel cùng logo và tên sản phẩm: Core thế hệ 10. Bộ press kit này bao gồm Core i9-10900K và i5-10600K (sẽ được đánh giá trong một bài riêng).
Mặc dù sử dụng socket LGA 1200 hoàn toàn mới, kích thước của các CPU Core i thế hệ 10 gần như không có sự khác biệt với các CPU Coffee Lake sử dụng socket LGA 1151. Điểm dễ nhận biết nhất có lẽ là thiết kế của miếng tản nhiệt IHS, được Intel giới thiệu là dày hơn đôi chút và là trợ thủ đắc lực cho việc tản nhiệt cho CPU. Dù có cùng kích thước vi mạch, CPU i9-10900K có tới 10 nhân, gần gấp đôi con số của i7-8700K đặt cạnh.
Một trong những điểm được đánh giá cao của thế hệ socket mới là dù thay đổi nhỏ về kích thước, các tản nhiệt CPU dùng cho các CPU socket LGA 115x vẫn hoàn toàn tương thích. Nhờ vậy, người dùng có nhu cầu nâng cấp máy sẽ không phải suy nghĩ về vấn đề tốn kém mua tản nhiệt mới hoặc thậm chí là mua block CPU nước mới nếu chơi tản nước custom.
Cấu hình thử nghiệm:
-CPU: Intel Core i9-10900K
-RAM: Corsair Vengeance LPX 2x16GB 3200MHz CL16
-Mainboard: Gigabyte Z490 AORUS Master
-VGA: EVGA RTX 2080 Super XC Ultra Hybrid
-NVMe: Samsung PM981 1TB
-Tản nhiệt CPU: Arctic Liquid Freezer II 240mm
-PSU: Corsair SF750
Trong cấu hình thử nghiệm, bo mạch chủ Gigabyte Z490 AORUS Master được lựa chọn bởi có dàn VRM cực khủng 16 pha với 2 chân nguồn EPS 8 pin, đảm bảo điện áp cho CPU đầu bảng i9-10900K. Ngoài ra, tản nhiệt AIO có kích thước radiator 240mm và độ dày trên 30mm sẽ là mức tối thiểu cho CPU này.
Đi vào thử nghiệm, hiệu năng đơn nhân và đa nhân của i9-10900K sẽ được đo đạc bằng Cinebench R20, công cụ thử nghiệm rất được ưa chuộng với những con số dễ hiểu và có bảng so sánh. Có thể thấy, hiệu năng đơn nhân của i9-10900K vẫn là mạnh nhất thị trường. Trong khi đó, hiệu năng đa nhân của nó có phần thua thiệt do có ít hơn tới 2 nhân / 4 luồng so với đối thủ trong tầm giá.
Tiếp tục là hiệu năng dựng hình 3D thông qua ứng dụng Blender với 2 bài thử thông dụng nhất hiện nay: BMW và Classroom. Ở cả 2 bài thử này, thời gian render lần lượt là 02’07” và 07’04”, chỉ thua kém khoảng 10% so với đối thủ trong khi thua tới 20% nhân/luồng. Có thể thấy, IPC vẫn là thứ khiến Intel có thể tự hào, khoả lấp được phần nào chênh lệch về số nhân và luồng.
Ở các bài thử khác như 3DMark Timespy, Firestrike, 7-zip, Mozilla Kraken, Jetstream v2,… điểm số của i9-10900K khá ngang cơ, có điểm hơn có điểm kém so với đối thủ dù có ít hơn 2 nhân 4 luồng. Sự thiệt thòi này cũng dẫn đến có những điểm số như CPU-Z thua đối thủ tới 20%.
Thực tế, những con số ở trên chỉ thể hiện sức mạnh thuần tuý của CPU. Vậy còn ở những bài thử thực tế thì sao? Lấy ví dụ là công cụ benchmark có sẵn của WinRAR, trình đóng gói/giải nén file được phần lớn người dùng PC sử dụng. Core i9-10900K cho điểm số đơn nhân lẫn đa nhân gần gấp đôi đối thủ. Thủ phạm của điểm số cực kì bất ngờ này chính là kiến trúc của WinRAR hay rất nhiều ứng dụng trên thị trường hiện nay không phù hợp với vi kiến trúc của Ryzen với các luồng có thể được đặt ở các cụm nhân phức hợp khác nhau. Bởi vậy, rất nhiều người dùng vẫn luôn đánh giá chủ quan rằng dùng Intel thì việc xử lý các tác vụ hay trải nghiệm người dùng thực tế luôn có phần mượt mà hơn.
Vậy lời khẳng định Core i9-10900K là “CPU chơi game mạnh nhất thị trường” của Intel có đúng thực tế? Câu trả lời chắc chắn sẽ chỉ gói gọn bằng một từ “Đúng”. Với những người đam mê công nghệ, việc có CPU nhiều nhân/luồng luôn là thứ họ hướng tới. Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế, nhất là game đôi khi không tỉ thuận với số nhân/luồng.
Vì sự hạn chế của các linh kiện có sẵn, bài đánh giá hôm nay chỉ có GPU RTX 2080 Super để đá cặp với i9-10900K. Kể cả khi chỉ được trợ lực bởi 1 GPU cận đỉnh thay vì RTX 2080 Ti, Core i9-10900K vẫn dễ dàng chứng minh vị thế dẫn đầu thị trường CPU chơi game của mình. Thoạt nghe thì 2020 rồi mà lại chạy game ở độ phân giải 1080p với cấu hình thử nghiệm trong bài có vẻ không phù hợp nhưng thực tế, việc chơi game ở độ phân giải thấp sẽ tạo nhiều việc hơn cho CPU để nó có thể toả sáng.
Có thể thấy, ở phần lớn các game được thử nghiệm, Core i9-10900K luôn nhỉnh hơn đối thủ một chút, nhất là ở chỉ số 1% low, thể hiện số khung hình 1% thời gian thấp nhất. Số khung hình tối thiểu cao sẽ giúp trải nghiệm game luôn mượt mà, thay vì số FPS trung bình nhưng trồi sụt liên tục, gây nên trải nghiệm không được mượt mà. Điều kiện lý tưởng vẫn luôn là số FPS 1% low cao hơn tần số quét của màn hình. Xung nhịp cao, IPC cao cũng như việc thử nghiệm sản phẩm kĩ càng với nhiều loại ứng dụng khác nhau, đặc biệt là game đã góp phần mang lại một trải nghiệm game mượt mà hơn rất nhiều so với đối thủ.
Về nhiệt độ và điện năng tiêu thụ, quả thực việc ép tiến trình 14nm tới giới hạn cũng gây ra những điểm bất cập. Đầu tiên, việc nhồi 10 nhân vào cùng 1 đế silicon cũng như việc mở hệ số nhân để CPU có thể boost lên mức 4,9 GHz và thậm chí lên tới 5,3 GHz với công nghệ Intel Verlocity Thermal Boost nếu được trang bị tản nhiệt khủng.
Bởi vậy, trong quá trình thử nghiệm, có những lúc nhiệt độ có thể vọt lên tới 93 độ C nhưng ngay sau đó lại về mức trung bình khoảng 50-60 độ C. Cũng phải công nhận Intel và đội ngũ kỹ sư của mình đã nghiên cứu và đưa ra quyết định đúng đắn về việc cán mỏng đế silicon cũng như tăng độ dày của IHS để tối ưu khả năng tán nhiệt. Tuy nhiên, điện năng tiêu thụ cũng là một vấn đề nan giải do hạn chế về mặt vật lý. Có thời điểm, điện năng tiêu thụ của riêng CPU có thể lên tới mức 250-300W. Để phục vụ nhu cầu ép xung thì cấu hình phụ trợ cho i9-10900K chắc chắn sẽ là một chiếc PSU có công suất thực khoảng 750W trở lên.
Để tổng kết thì Core i9-10900K vẫn trình diễn được hiệu năng đúng với cái tên “CPU chơi game tốt nhất thị trường” mà Intel đặt cho. Dù đang ở cực gần giới hạn vật lý của tiến trình 14nm, Intel vẫn biết cách để vượt mặt đối thủ ở những lĩnh vực mà mình có lợi thế. Đã vậy, hiệu năng của CPU Intel nói chung lại không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi xung nhịp RAM.
Dù Comet Lake-S còn thiếu sót khi không hỗ trợ chuẩn PCIe 4.0 mới nhất, các bo mạch chủ Intel 400 series trên thị trường hiện này đều “PCIe 4.0 Ready”, sẵn sàng để được kích hoạt với thế hệ Core i tiếp theo. Với cá nhân người viết, i9-10900K nói riêng và Intel Core thế hệ 10 nói chung là những CPU bản lề để tạo đà cho Intel xây dựng thế độc tôn cho mình ở thị trường CPU cho máy tính bàn phổ thông, nhất là khi AMD cũng đang dần chững lại về số nhân/luồng trên các CPU Ryzen của mình, bao gồm cả Ryzen 4000 đang được đồn đoán sẽ ra mắt trong năm nay. Nếu nhu cầu chính của bạn là chơi game, Intel Core i thế hệ 10 vẫn là lựa chọn tối ưu nhất, chỉ cần nhớ đầu tư tản nhiệt tốt một chút để tận dụng được hết khả năng của CPU.
Ưu điểm:
-Hiệu năng chơi game tốt nhất thị trường
-Nhiệt độ được kiểm soát rất tốt nhờ những cải tiến nhỏ nhưng tạo khác biệt lớn
-Xung nhịp cao khoả lấp được thua thiệt về số lượng nhân/luồng
-Không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi xung nhịp RAM
Nhược điểm:
-Công nghệ bán dẫn 14nm đã có tuổi thọ tới 5 năm tuổi
-Có thể khá tốn điện
-Cần chú ý đầu tư về tản nhiệt
Theo: Trí Thức Trẻ
Nguồn: genk.vn