Giới thiệu
iPad Air 4 là chiếc tablet mới nhất của Apple ở phân khúc trung cấp. Với mức giá 599 USD (tại Mỹ), iPad Air 4 có mức giá rẻ hơn iPad Pro 11″ 2020 (799 USD) và cao hơn iPad cơ bản (giá 329 USD). iPad Air 4 là một bản nâng cấp lớn so với thế hệ iPad Air 3 trước đó với thiết kế được lột xác, mang dáng dấp của iPad Pro với cạnh vuông góc, phím Home bị loại bỏ, cổng USB-C và màn hình tràn viền.
Tại Việt Nam, iPad Air 4 sẽ được mở bán chính hãng từ tháng 11 tới với mức giá 16.9 triệu đồng, rẻ hơn khoảng 4.5 triệu đồng so với iPad Pro 2020.
Chip A14 Bionic là điểm “ăn tiền”
Ưu điểm lớn nhất của iPad Air 4 là con chip A14 Bionic mới nhất của Apple, tương tự như trên iPhone 12 series. Do được dựa trên kiến trúc mới, vậy nên chip A14 trên iPad Air 4 còn tỏ ra vượt trội hơn so với A12X/A12Z trên iPad Pro 2018/2020 về điểm đơn nhân. Về dung lượng RAM, iPad Air 4 được trang bị 4GB RAM, tương đương iPad Pro 2018 và thấp hơn mức 6GB của iPad Pro 2020.
Dù có hơn kém điểm số, nhưng trên thực tế sử dụng, người dùng sẽ khó có thể nhận ra sự khác biệt giữa chip A14, A12X và A12Z. Đây đều là những con chip quá mạnh đối với các tác vụ phổ thông, và chưa có một ứng dụng nào có thể làm khó được chúng.
Màn hình & hệ thống loa: Hạ cấp so với iPad Pro
Dù thiết kế thoạt nhìn có vẻ rất giống nhau, tuy nhiên thực tế màn hình của iPad Air 4 bị cắt giảm khá nhiều yếu tố so với iPad Pro, ví dụ như kích thước bé hơn 0.1 inch (10.9 inch so với 11 inch), viền dày hơn và độ sáng thấp hơn đôi chút.
Thế nhưng, yếu điểm lớn nhất của màn hình iPad Air 4 so với iPad Pro là tần số quét 60Hz, so với 120Hz của iPad Pro. Điều này khiến cho các hoạt hoạ và hiệu ứng trên màn hình của iPad Air 4 tỏ ra “giật cục” so với iPad Pro.
Màn hình 60Hz còn làm ảnh hưởng tới trải nghiệm bút Apple Pencil, khi nó tạo ra độ trễ lớn hơn khi người dùng viết/vẽ trên màn hình.
Tương tự như vậy, nếu chỉ nhìn bên ngoài, hệ thống loa của iPad Air 4 và iPad Pro rất giống nhau với 4 lỗ khoét ở 2 cạnh bên, tạo cho người dùng cảm giác rằng iPad Air 4 có 4 loa như iPad Pro. Thực tế, iPad Air 4 chỉ có 2 loa, và 2 trong số 4 lỗ khoét chỉ mang mục đích… trang trí. Chính vì vậy, iPad Air 4 cho chất lượng âm thanh kém hơn so với iPad Pro, bao gồm cả âm bass và treble.
Dù thua thiệt ở cả hai yếu tố màn hình và loa, thế nhưng, thực tế điều này chỉ có thể cảm nhận rõ ràng khi người dùng đã từng sử dụng những chiếc iPad Pro thế hệ trước. Còn đối với đa số người dùng thông thường (vốn cũng là đối tượng người dùng chính mà iPad Air 4 hướng tới), họ sẽ không gặp bất cứ vấn đề gì.
Touch ID tích hợp nút nguồn: Nhạy, nhưng không tiện bằng Face ID
Một tính năng vừa mới, vừa cũ của iPad Air 4 là cảm biến vân tay Touch ID. Cũ là vì cảm biến vân tay Touch ID là một thứ đã quá quen thuộc với người dùng, nhưng mới là bởi iPad Air 4 là thiết bị đầu tiên của Apple với cảm biến vân tay được đặt ở phím nguồn, thay vì phím Home như các thiết bị trước.
Nếu chỉ đánh giá dưới góc độ của một cảm biến vân tay, thì Touch ID tích hợp nút nguồn của iPad Air 4 cho trải nghiệm rất tốt. Mặc cho tiết diện tiếp xúc với đầu ngón tay tương đối nhỏ, nhưng nó đem đến khả năng nhận dạng chính xác và nhanh chóng. Dù vậy, để đạt được hiệu quả tốt nhất, người dùng sẽ cần thay đổi vị trí ngón tay của mình trong quá trình đăng ký dấu vân tay.
Mặc dù đảm nhiệm rất tốt vai trò của là một cảm biến vân tay, nhưng khi so sánh với công nghệ nhận dạng khuôn mặt Face ID trên iPad Pro, Touch ID trên iPad Air lại tỏ ra lép vế. Với Face ID, người dùng sẽ chỉ cần nhìn vào màn hình là máy sẽ mở khoá. Trong khi đối với Touch ID, họ sẽ phải với tay tới cảm biến vân tay. Đối với một thiết bị có kích thước lớn và nặng như tablet, việc sử dụng cảm biến vân tay là kém thuận tiện hơn nhiều so với nhận diện khuôn mặt.
Chưa kể, với Face ID, người dùng có thể mở khoá ở khi cầm iPad ở mọi hướng mà mình muốn. Còn với Touch ID, họ sẽ cần phải mất vài giây “mò mẫm” xem cảm biến Touch ID ở đâu.
Nhìn chung, Touch ID trên iPad Air gặp tình cảnh tương tự như màn hình và loa ở trên: nó đủ tốt với đa số người dùng, nhưng một khi bạn đã sử dụng quen iPad Pro thì sẽ cảm thấy khó có thể hài lòng.
Kết luận: Tốt, nhưng chưa nên mua ngay
Việc so sánh màn hình, loa hay công nghệ sinh trắc học của iPad Air 4 với iPad Pro là có phần không công bằng. Dòng iPad Air được Apple đặt ở phân khúc dưới iPad Pro, vậy nên chuyện nó thua kém so với iPad Pro là hoàn toàn dễ hiểu.
Vậy tại sao chúng tôi lại liên tục so sánh iPad Air 4 với iPad Pro, mặc dù biết rằng so sánh như vậy là không công bằng? Bởi lẽ, với mức giá khoảng 16 triệu đồng của iPad Air 4, không ít người dùng sẽ tính tới chuyện sở hữu chiếc iPad Pro 2018 có giá tương đương. Và ở cùng tầm giá này, ngoại trừ con chip A14 dựa trên cấu trúc mới hơn, iPad Air 4 gần như thua thiệt hoàn toàn so với iPad Pro 2018.
Dù vậy, do iPad Pro 2018 là một model đã ra mắt từ lâu, vậy nên hàng mới, chính hãng đã gần như “tuyệt chủng”. Người dùng nếu muốn sở hữu iPad Pro 2018 sẽ gần như bắt buộc phải “săn lùng” hàng xách tay hoặc hàng cũ, đòi hỏi kinh nghiệm kiểm tra máy. Trong khi đó, iPad Air 4 chính hãng đang có mặt trên kệ hầu hết các hệ thống lớn, và người dùng có thể sở hữu nó một cách dễ dàng (và an tâm).
iPad Air 4 là một chiếc tablet rất tốt. Thiết kế lột xác, kèm theo những nâng cấp về màn hình, loa và chip A14 Bionic đã khiến cho iPad Air 4 là một cú nhảy vọt so với thế hệ cũ. Tuy nhiên, khi mà giá bán của iPad Air 4 vẫn còn ngang ngửa với iPad Pro thế hệ cũ, người dùng sẽ không khỏi cảm thấy phân vân.
Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng iPad Air 4 sẽ đáng mua hơn khi mà mức giá của nó giảm. Ở thời điểm hiện tại, mức giá ngang ngửa với iPad Pro 2018 có thể khiến cho iPad Air 4 tỏ ra kém hấp dẫn; tuy nhiên trong vài tháng tới, khi mà khoảng cách về giá giữa hai chiếc máy này được nới rộng, người dùng sẽ dễ dàng hơn trong việc chấp nhận những nhược điểm của iPad Air 4.
iPad Air 4 phù hợp với:
– Người dùng phổ thông cần một chiếc tablet tầm trung, đáp ứng tốt nhu cầu học tập, làm việc và giải trí.
iPad Air 4 không phù hợp với:
– Nguời dùng đang sử dụng iPad Pro, đặc biệt là những model với màn hình 120Hz.
Theo: Bình Minh
Nguồn: soha.vn