Tương tự các đối thủ như Sony, Samsung, HTC,… LG cũng rút ngắn chu kỳ ra mắt sản phẩm cao cấp từ một năm xuống còn 6 tháng, tức ra 2 “bom tấn” mỗi năm. Đầu 2015, người dùng được thấy mẫu LG G4 có camera tốt và màn hình lượng tử, cuối năm, hãng điện thoại Hàn Quốc đã mang đến Việt Nam mẫu V10 hướng đến những đối tượng người dùng riêng: Phái mạnh và thích nghe nhạc chất lượng cao.
Nếu LG G4 là model có kiểu dáng trung tính, thì V10 lại có ý đồ thiết kế khá rõ ràng. Máy có hai viền thép không gỉ Dual Guard chuẩn 316L thường dùng trong quân đội và những thiết bị cơ khí yêu cầu độ bền cực cao. So với những smartphone dùng khung nhôm thông thường, chất liệu thép của LG V10 bền hơn gấp đôi.
Tuy không phải nguyên khối, nhưng thân máy được liên kết tốt giữa các phần kim loại và nhựa, cho cảm giác cầm rất liền lạc và cứng cáp. Phần mặt lưng của máy có những đường vân nổi, cắt xẻ ngang dọc trông hầm hố, đầy sắc cạnh. LG sử dụng những đường nét mạnh, dày cho khu vực camera. Phím nguồn cũng được làm tròn, nhỏ và phẳng hơn so với dòng G trước đây.
LG V10 có màn hình 5,7 inch, độ phân giải 2.560 x 1.440 pixel, mật độ điểm ảnh 513 ppi. So với G4, V10 chỉ lớn hơn một chút về màn hình và có độ phân giải tương đương. Vốn dẫn đầu thế giới về công nghệ hiển thị, không khó để LG mang đến màn hình cao cấp nhất cho V10.
Màn hình của máy có độ nét cao, màu sắc khá rực, cho góc nhìn rộng. Khi sử dụng ngoài trời, màn hình của LG V10 vẫn hiện đủ sáng như trong điều kiện bình thường.
Tuy nhiên, sự khác biệt của LG V10 không nằm ở màn hình chính mà là một màn hình phụ có kích thước 2,1 inch, độ phân giải 160 x 1.040 pixel ở cạnh trên màn hình chính. Người dùng có thể sắp xếp 5 biểu tượng ứng dụng yêu thích trên màn hình phụ, ghi tên riêng ở góc màn hình, điều khiển trình chơi nhạc, trượt ngón tay trên màn hình này để nhận hoặc từ chối cuộc gọi mà không gián đoạn ứng dụng/game đang mở. Khi màn hình chính của điện thoại tắt, màn hình phụ vẫn tiếp tục hiển thị thời gian, tình trạng pin hoặc thông tin thời tiết.
Nếu như mẫu G4 là model đỉnh cao về chụp ảnh của LG, thì V10 lại không được hướng tới tầm vóc của G4, dù dùng chung cảm biến. Các trang công nghệ quốc tế đều cho rằng camera trên mẫu V10 có cách hoạt động khác với LG G4 và màu ảnh cũng có sự chênh lệch. Điều này được cho là khác biệt trong phần mềm chụp ảnh.
Tuy không thể sánh bằng LG G4 về chất lượng ảnh chụp, nhưng LG V10 cũng là model có camera chính mạnh mẽ trong các smartphone Android cao cấp với độ phân giải 16 MP, quay được video ở độ phân giải 2K. Model này thậm chí còn là smartphone quay video tốt nhất hiện nay khi có chống rung quang học, lấy nét tay và hệ thống mic thu âm có thể tinh chỉnh hướng thu âm, lọc tiếng gió,…
Sở hữu đến 2 camera ở mặt trước, LG V10 cung cấp cho người dùng khả năng chụp ảnh selfie góc rộng mà không cần đến “gậy tự sướng”. Người dùng cũng có thể chọn tính năng Multi – view để chụp ảnh với ba camera cùng một lúc và ghép lại chung một tấm hình, hoặc dùng tính năng Snap để tạo ra những video có nhiều cỡ cảnh.
LG V10 có những thông số rất giống với LG G4 khi được trang bị chip 6 nhân Qualcomm Snapdragon 808, nhưng dung lượng RAM được nâng từ 3 lên 4 GB. LG cũng tỏ ra hào phóng khi cung cấp 64 GB bộ nhớ trong và viên pin 3.000 mAh có thể tháo rời.
Khác với vi xử lý Snapdragon 810, Snapdragon 808 không gặp vấn đề quá nhiệt, đủ khoẻ để xử lý những ứng dụng, game yêu cầu đồ hoạ cao nhất, cũng như cho tốc độ đáp ứng nhanh, không có độ trễ trong các thao tác thông thường. LG V10 chỉ mất 1,16 giây để mở ứng dụng camera, tắt máy và khởi động lại thiết bị chỉ trong vòng 30 giây.
So với cá đối thủ cạnh tranh, LG V10 có điểm benchmark thấp hơn, nhưng điều này dường như không có nhiều ý nghĩa trong bối cảnh các smartphone cao cấp hiện nay đã quá dư thừa sức mạnh phần cứng, đến mức ít người dùng nào có thể khai thác tối đa thiết bị của mình.
Tương tự những mẫu LG cao cấp trước đây, V10 cũng được trang bị tốc độ kết nối 4G LTE lên đến Cat 6 và Wi-Fi chuẩn AC mới nhất.
LG V10 là mẫu smartphone chơi nhạc tốt nhất trên thị trường. Nếu như trước đó, smartphone cao cấp của LG đều hỗ trợ chơi nhạc lossless, thì đến mẫu V10, LG đã tiến bước xa hơn khi hợp tác với ESS Technology để mang đến chip giải mã tín hiệu âm thanh (DAC) Sarbe 9018C2M, gồm 2 kênh chất lượng cao dành cho các thiết bị di động với khả năng giải mã DSD 11.2 MHz (DSD256) và PCM lên đến 24 bit/192 kHz. Ngoài ra, V10 cũng có một chip giải mã mặc định đi kèm Qualcomm Snapdragon 808. Người dùng có quyền lựa chọn giữa hai loại vi xư lý này trong phần cài đặt, mục “32 bit Hi-Fi DAC”.
Trải nghiệm âm thanh với tai nghe được hiệu chỉnh bởi AKG đi kèm máy, LG V10 thể hiện khả năng chơi nhạc rất đáng khen. Âm thanh được tái hiện chi tiết, âm trầm đánh chắc, khoẻ và âm trung tươi sáng, mạch lạc. Trên các diễn đàn đánh giá thiết bị âm thanh của quốc tế, V10 được ví sánh ngang với mẫu Sony ZX100 – một mẫu máy nghe nhạc tầm giá 10 triệu của Sony. Tuy vượt xa nhiều smartphone đối thủ về chất lượng âm thanh, nhưng V10 chưa thể sánh với những máy nghe nhạc chuyên dụng.
LG V10 là một trong những mẫu smarphone rất khác biệt trên thị trường, và được nhà sản xuất chăm chút kỹ lưỡng từ thiết kế, màn hình, camera, hiệu năng cho đến âm thanh, tốc độ kết nối Internet. Màn hình phụ là ý tưởng hay, nhưng không phải là thứ quá cần thiết đối với người dùng thông thường. Giá trị mà chiếc V10 mang lại, có thể nằm ở thiết kế mạnh mẽ, camera chuyên quay video và khả năng chơi nhạc tốt nhất trong số các smartphone cao cấp hiện nay.
Nếu tìm điểm trừ để nói về chiếc V10, người dùng chỉ có thể “chê” model này ở thiết kế quá nam tính, khó phù hợp với người dùng nữ và một camera tuy giống hệt với G4, nhưng chưa cho ảnh xuất sắc bằng.
Theo: Duy Tín
Nguồn: News Zing