Dù chưa phải là SoC thửa riêng hoàn toàn, Tensor có thể là bước chân đầu tiên trên con đường trở thành iPhone của thế giới Android

09:53 Sáng - 08/08/2021
0 Bình luận
666
bởi Phương Anh

Google dường như đang bắt đầu đi theo con đường mà Apple cũng đã từng đi.

Dòng Pixel 6 mới được ra mắt là chiếc điện thoại mang nhiều toan tính nhất của Google trong những năm gần đây, với sự thay đổi lớn nhất là SoC thửa riêng mang tên Tensor. Lần đầu tiên Google cho thấy khả năng tận dụng nhiều năm kinh nghiệm học máy để đưa một chiếc điện thoại Pixel trở nên phổ biến hơn, chứ không chỉ là một dòng thiết bị thú vị trong cộng đồng những người yêu công nghệ nữa.

Tensor là một ván bài quan trọng của Google, với trung tâm là bộ phận TPU (Tensor Processing Unit) với khả năng cải thiện hình ảnh, video, tìm kiếm, phụ đề tự động,… và những tính năng liên quan đến AI như vậy. Đây là một yêu cầu rất cao, và chúng ta phải chờ đến khi có sản phẩm thực tế để đánh giá hiệu quả thực sự của SoC này. Nhưng kể cả khi Tensor chưa thể đưa dòng Pixel lên đến tầm “iPhone của thế giới Android”, đây cũng có thể là bước đi quan trọng đầu tiên để tới với vị thế một flagship Android đầu bảng. 

Dù chưa phải là SoC thửa riêng hoàn toàn, Tensor có thể là bước chân đầu tiên trên con đường trở thành iPhone của thế giới Android - Ảnh 1.

Ngoài phần TPU, những gì chúng ta được biết về SoC này còn khá mờ mịt – nhưng khả năng là Google sẽ sử dụng những bộ phận như CPU, GPU hay modem với thiết kế từ các bên thứ 3. Điều này đồng nghĩa với việc chiếc Pixel 6 sẽ mang lại cảm giác sử dụng giống với những mẫu điện thoại Android khác chạy chip Qualcomm hay Exynos trong hầu hết các tác vụ, thay vì là một bản nâng cấp mang tính cách mạng để có thể đối đầu với chip dòng A từ Apple. 

Phía Google chưa đưa ra được nhiều thông tin về kiến trúc thực tế của Tensor – các thành phần như CPU, GPU đã nhắc tới bên trên. Nhưng dựa trên những tin đồn suốt thời gian qua, và cả thực tế là Google chắc chắn sẽ quảng cáo về những điều chỉnh, cải tiến đặc biệt nếu họ thực hiện, thì khả năng cao là phần lớn những gì bên trong Tensor sẽ được thuê làm bên ngoài bởi một hãng khác. Qualcomm và Samsung cũng đã sử dụng chiến thuật tương tự – mẫu Snapdragon 888 sử dụng những phiên bản tùy chỉnh những thiết kế của Arm như Cortex-X1, A78 và A55, trong khi Exynos 2100 sử dụng thiết kế của Arm cho cả CPU và GPU.

Theo thông tin từ XDA thì có vẻ Tensor sẽ sử dụng kết hợp các thiết kế nhân Cortex-A78, Cortex-A76 và Cortex-A55 cũng như thiết kế GPU tiêu chuẩn – Mali của Arm. Điều này đồng nghĩa với việc sự khác biệt về hiệu năng CPU hay GPU giữa Tensor và một SoC “phổ biến” như Snapdragon 888 hay Exynos 2100 sẽ là không lớn. Nhưng điều này có thể coi là một nước đi đúng, đặc biệt là khi Google muốn sản xuất một chiếc flagship thực thụ. 

Dù chưa phải là SoC thửa riêng hoàn toàn, Tensor có thể là bước chân đầu tiên trên con đường trở thành iPhone của thế giới Android - Ảnh 2.

Như ông Rick Osterloh từ Google trả lời trang The Verge, thì “những thành phần tiêu chuẩn mà mọi người chú ý sẽ rất cạnh tranh, còn những thành phần AI sẽ khác biệt hoàn toàn”. Rõ ràng với lịch sử của dòng Pixel, kể cả khi có sự thay đổi lớn như Tensor, điều khiến chúng đặc biệt không phải là chơi game mượt thế nào hay CPU mạnh ra sao hoặc pin có tốt không. 

Điều này chỉ ra một sự thật hơi phũ phàng với Android hay Pixel fan: Tensor có lẽ không phải là lời giải thần kì mà họ đang trông đợi. Nó không phải một con chip được làm và thiết kế hoàn toàn bởi Google, tối ưu cho phần mềm Android và phần cứng Pixel để mang lại sức mạnh và hiệu năng theo cái cách mà Apple đã làm trong nhiều năm qua. 

Nhưng tin tốt là Tensor bên trong Pixel 6 mới chỉ là sản phẩm thế hệ đầu tiên. Thật dễ để thắc mắc tại sao Google không học Apple mà làm một con chip thửa riêng luôn đi, nhưng thực tế là Apple cũng đã bắt đầu với chiến thuật tương tự trên các SoC dòng A đời trước. Chip A4 và A5 thực ra chỉ sử dụng các thiết kế Arm tiêu chuẩn với CPU core (tất nhiên là với một chút cải tiến và tối ưu hóa), để rồi các thế hệ sau mới là những thiết kế tùy chỉnh riêng. 

Trong việc sản xuất Pixel 6, các tin đồn đều cho thấy có vẻ như Google đang hợp tác với Samsung. Gã khổng lồ Hàn Quốc sẽ chịu trách nhiệm sản xuất những con chip – điều cũng hợp lí bởi Samsung và TSMC là hai hãng duy nhất có thể sản xuất chip trên tiến trình 5nm. Trong những tin đồn, có vẻ như Samsung và Google phối hợp rất chặt chẽ trong cả việc thiết kế con chip, chứ không chỉ là nhà sản xuất. Nhưng rõ ràng là chúng ta vẫn phải chờ đến khi Google công bố nhiều thông tin hơn về Tensor để có thể đánh giá được mức độ của sự phối hợp đầy hứa hẹn này. 

Ý tưởng sử dụng một con chip với nhiệm vụ xử lí các tác vụ học máy không phải là điều gì mới là với dòng điện thoại Pixel. Google trước đây cũng đã mang những con chip xử lí AI vào trong dòng điện thoại con cưng của mình kể từ 2017 – với Pixel Visual Core và sau này là Pixel Neural Core (để rồi chính Google bỏ đi trên Pixel 5). Thế nên với các fan của dòng điện thoại Pixel, Tensor giống với một sự tinh chỉnh lại những gì đã làm hơn là một cải tiến hoàn toàn mới. 

Dù chưa phải là SoC thửa riêng hoàn toàn, Tensor có thể là bước chân đầu tiên trên con đường trở thành iPhone của thế giới Android - Ảnh 3.

Sự khác biệt lớn có lẽ vẫn nằm bên trong TPU, mà theo thông tin chúng ta được biết thì sẽ xử lí nhiều kiểu tác vụ AI hơn là những gì Visual/Neural Core có thể làm được. Nó cũng được tích hợp chặt chẽ hơn với chiếc điện thoại, khi Google ghi chú rằng TPU có thể làm những thứ như trực tiếp xử lí dữ liệu hình ảnh qua đây. Những lợi ích này có thể sẽ xứng đáng với công sức Google bỏ ra để làm một SoC thửa riêng như vậy, dù tất nhiên chúng ta sẽ phải đợi cho tới Pixel 6 được bán ra để so sánh nó với những mẫu flagship Android khác. 

Còn ở hiện tại, điểm khác biệt giữa Tensor và Snapdragon 888 với chúng ta có lẽ chỉ là một vài “chiêu thức” khác biệt về trí tuệ nhân tạo. Nhưng vẫn phải nhắc lại, cũng như những con chip thời kì đầu của Apple, Tensor rất có thể là bước chân đầu tiên trên hành trình dài sản xuất những con chip thửa riêng của Google. Và điều đó đáng mong đợi với người dùng hơn là những cải thiện về học máy, hay trí tuệ nhân tạo.

Theo: Pháp luật & Bạn đọc

Nguồn: genk.vn

Tin liên quan

Scroll Top