Có thể nói rằng, năm nay là năm ra mắt mờ nhạt nhất của cả Android (phiên bản 11) lẫn iOS (14). Trong khi Google hủy bỏ toàn bộ sự kiện Build vì Covid-19 và chỉ ra mắt Android theo cách “không kèn không trống”, Apple lại chọn cách tổ chức sự kiện WWDC trực tuyến trong một đoạn video dài 2 giờ đồng hồ. Không chỉ thiếu đi lớp khán giả đầy phấn khích của mọi năm, iOS 14 cũng tỏ ra hoàn toàn mờ nhạt trước những chiếc Mac chạy ARM, “cú sốc” có lẽ là lớn nhất tại WWDC trực tuyến năm nay.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa rằng Android và iOS trở nên kém quan trọng. Trái lại, đây vẫn là 2 hệ điều hành thống trị thị trường phần cứng quan trọng nhất hiện nay – smartphone. Và, nhìn vào những gì Apple vừa công bố trên iOS 14, bạn có thể dễ dàng nhận ra được ưu thế và điểm yếu rõ rệt nhất của 2 ông lớn thị trường di động.
Apple thua xa về tính sáng tạo
Ngay cả các iFan ‘cứng’ nhất cũng khó có thể phủ nhận rằng Apple vừa copy khá nhiều tính năng của Android lên iOS 14. Đầu tiên và dễ thấy nhất, màn hình Home của iOS nay đã có thể hỗ trợ các widget (các “ô” đồ họa nhỏ dùng để hiển thị thông tin). Tính năng này đã được Google vén màn từ… 2009, tức là hơn một thập kỷ.
Tiếp đến, Apple có thêm một tính năng mới được gọi là “App Library”, hay “Thư viện Ứng dụng”. Bên trong màn hình này, Apple sẽ tập hợp tất cả các ứng dụng được người dùng cài lên máy. Mặc dù cách làm của Apple có chút khác biệt so với Android, bất kỳ fan nào của chú robot xanh cũng sẽ đều nhận ra đây chính chỉ là ý tưởng app drawer của Android được Apple cải tiến mà thôi.
Hiển nhiên, Apple cũng vẫn là một thế lực sáng tạo. Không ít lần Google cũng đã copy Apple, mà điển hình là màn copy trắng trợn toàn bộ các cử chỉ cảm ứng từ iPhone X lên Android 10. Tuy vậy, sự xuất hiện của iOS 14 vẫn có thể khiến các iFan thực sự lo lắng về khả năng sáng tạo phần mềm của Apple: chưa có một phiên bản nào lại mang nhiều tính năng “học hỏi” từ Android đến vậy. Bên cạnh widget và App Library, chúng ta còn có thể kể đến Wind Down (chế độ giúp người dùng nghỉ ngơi), App Clips (ứng dụng siêu nhỏ, kích hoạt bằng một lần quẹt), tìm kiếm emoji bằng bàn phím, Picture-in-Picture (bật trình phát video thu nhỏ trên màn hình)…
Google thua xa về độ hoàn thiện và thời gian cập nhật
Ở phía ngược lại, tuy “copy” nhưng cách làm của Apple có thể coi là copy VÀ cải thiện. Ví dụ, App Library của iOS không đơn thuần là liệt kê ứng dụng như Android mà còn nhóm các ứng dụng này lại theo tính năng (mạng xã hội, game…) và theo thời gian cài đặt hoặc theo gợi ý. App Clips trên iOS được tích hợp sâu với nhiều ứng dụng trong hệ sinh thái của iOS như iMessage, Apple Pay và Apple Maps. Hoặc, PiP trên iOS cho phép người dùng có thể thay đổi kích cỡ hiển thị, điều mà cho đến nay Google vẫn chưa thể thực hiện trên Android.
Nhờ vậy mà khi xét ở mức độ tổng thể, iOS vẫn được coi là hệ điều hành “ưu ái” người dùng hơn. Quan trọng nhất, iOS vẫn đè bẹp Android trên khía cạnh cập nhật: ngay cả những chiếc iPhone 6s và iPhone SE 4 inch cũng vẫn được cập nhật lên iOS 14. Với iPadOS, ngay cả iPad Air 2 ra mắt cách đây 6 năm cũng vẫn được nâng cấp hệ điều hành.
Con số này là hoàn toàn không tưởng đối với nhà Android. Vòng đời cập nhật của Android cao cấp thường chỉ ở mức 2 năm mà thôi. Để bạn tiện so sánh, mẫu Android bán chạy nhất trong cùng năm với iPhone 6s là Galaxy Note 5 chỉ được cập nhật tới Android 7.0 Nougat vào quý 2/2017 mà thôi. Ngay cả Google, ông chủ của Android và cũng là người “chăm” cập nhật nhất, cũng đã dừng nâng cấp cho chiếc Pixel 1 (2016) vào năm ngoái.
Tư duy cạnh tranh này có lẽ sẽ còn tiếp tục trong tương lai. Là hệ điều hành từ gã khổng lồ trên lĩnh vực phần mềm/dịch vụ Internet, Google chắc chắn sẽ còn duy trì khoảng cách đáng kể với Apple trên khía cạnh sáng tạo: số lượng tính năng Apple phải “copy” từ Google có lẽ sẽ còn gia tăng trong tương lai. Tuy vậy, là kẻ làm chủ phân khúc cao cấp, Apple vẫn sẽ mang đến một trải nghiệm trau chuốt và hoàn thiện hơn, sẽ ưu ái cập nhật cho người dùng lâu hơn. 2 gã khổng lồ di động, mỗi kẻ đều hơn/thua theo cách của riêng mình, hứa hẹn một cuộc chiến sẽ còn rất gay gắt trong tương lai.
Theo: Trí Thức Trẻ
Nguồn: genk.vn