iPad Pro 2020 bị “mổ bụng” lần hai, tiết lộ những khác biệt giữa LiDAR và Face ID

01:32 Sáng - 01/08/2020
0 Bình luận
509
bởi An Bùi

“Nội tạng” của mẫu iPad Pro mới nhất khá tương đồng với thế hệ trước, tuy nhiên độ nhạy của cảm biến LiDAR lại không giống cụm camera TrueDepth.

“Mổ bụng” một sản phẩm đến 2 lần chỉ trong vòng vài ngày, và tất cả những gì chúng ta được thấy chỉ là một đoạn video ngắn gọn, được quay trong bối cảnh tự cách ly, không phải là điều các chuyên gia tại iFixit thường làm. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn diễn ra theo đúng những quy trình sửa chữa thông thường, với một vài sự khác biệt nho nhỏ.

Tách rời màn hình của iPad Pro với phần còn lại của máy đòi hỏi phải dùng đến một bộ gảy guitar và máy sấy, thay vì dùng miếng đệm làm ấm để khiến keo dính chảy ra. Giống như iPad Pro 2018, các chuyên gia phải vặn mặt lưng một chút để tháo các sợi cáp và tấm chắn được vặn ốc trước khi tách rời nó ra hoàn toàn.

Mô-đun camera mới được tách biệt bằng vài con ốc, bên trong chứa một mô-đun góc siêu rộng 10MP cùng với một camera góc rộng 12MP, và cảm biến LiDAR mà trong lần mổ bụng trước đây chúng ta đã biết được cấu thành từ hai mô-đun được đậy nắp và xếp chồng lên nhau. Theo dự đoán thì các mô-đun này có chứa một bộ truyền tín hiệu VCSEL và một cảm biến nhận tín hiệu, trong đó bộ truyền sẽ bắn ra một dãy chấm hồng ngoại mà cảm biến có thể nhận diện được.

Bằng cách sử dụng một camera hồng ngoại, các chuyên gia iFixit phát hiện ra rằng hệ thống LiDAR bắn ra một loạt chấm hồng ngoại theo mô hình thông thường, ít hơn đáng kể so với số chấm hồng ngoại của camera TrueDepth. Bởi LiDAR không được thiết kế dành cho các ứng dụng theo kiểu Face ID, dường như nó chỉ dành cho các tác vụ ánh xạ độ sâu đơn giản trên một phạm vi rộng hơn chứ không dành cho đo đạc chính xác các đặc tính trên khuôn mặt.

iPad Pro 2020 bị “mổ bụng” lần hai, tiết lộ những khác biệt giữa LiDAR và Face ID - Ảnh 2.
Các chấm hồng ngoại từ LiDAR (trái) và Face ID (phải)

Các camera trước tập trung trên một tổ hợp đơn nhất, với phần cứng tương tự như mô-đun đời trước. Cổng USB-C vẫn được thiết kế theo kiểu mô-đun ở phần đáy máy, thay vì được hàn cứng lên bảng mạch, giúp việc sửa chữa dễ dàng hơn.

Bảng mạch logic – giống như mọi mẫu iPad khác – được dán cứng ở trong, với dây nhợ chạy bên dưới, và được bảo vệ bởi hai cell pin lớn. Bảng mạch này có chip A12Z Bionic với 6GB RAM, tăng thêm 2GB so với các đời trước.

Pin được cố định bằng keo có thể kéo dãn, một số khu vực được dán bằng keo thường nên vẫn rất khó để thay thế. Hai cell pin có tổng dung lượng 36,59 watt-giờ, giống như đời trước.

Kết luận của iFixit đưa ra sau khi hoàn thành lần “mổ bụng” thứ hai là iPad Pro 2020 có “quy trình sửa chữa khá khó chịu” dù chỉ mang lại những nâng cấp nhỏ cho người dùng. Việc sử dụng keo dính và cần dụng cụ nạy mới mở được máy đã buộc iFixit phải cho chiếc tablet mới nhất của Apple điểm số sửa chữa 3/10.

Tham khảo: AppleInsider

Theo: Trí Thức Trẻ

Nguồn: genk.vn

Tin liên quan

Scroll Top