Khi thời hoàng kim đã lùi xa, vai trò của iPhone đối với Apple ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết

06:54 Sáng - 02/02/2020
0 Bình luận
569
bởi Nam Nguyễn

Sau cả một năm trời suy giảm ở mức 2 chữ số, một quý tài chính tăng trưởng trở lại 1 chữ số không đáng gọi là tin mừng.

Thoạt nhìn, kết quả kinh doanh quý 4 của Apple là một cột mốc rất quan trọng cho iPhone: doanh thu iPhone đã lần đầu tiên trở lại với tăng trưởng. Khoản tiền Apple thu về từ iPhone trong quý 4 vừa qua đạt 56 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ 2019.

Đáng tiếc rằng mức tăng trưởng nhỏ bé ấy không thể làm lu mờ một sự thật quan trọng: thời hoàng kim của iPhone đã lùi xa. Chỉ một quý tăng trưởng 8% cũng không thể làm lu mờ 4 quý liên tiếp suy giảm ở mức các mức lần lượt 15%, 17%, 13% và 10%. Sau cả một năm trời suy giảm ở mức 2 chữ số, một quý tài chính tăng trưởng trở lại 1 chữ số không đáng gọi là tin mừng. Con số 56 tỷ USD đạt được trong quý vừa rồi cũng vẫn còn kém xa mức đỉnh 61,5 tỷ USD mà Apple đạt được vào quý 4/2017, quý lên kệ của iPhone X. Khi thị trường smartphone nói chung vẫn tiếp tục lao dốc, khi Apple và các nhà sản xuất khác đều cạn kiệt sáng tạo, khả năng kỷ lục này bị đạp đổ cũng ngày một thấp dần.

Thành công nhỏ bé trong quý 4 không thể làm lu mờ sự thật rằng iPhone đã bước vào giai đoạn suy thoái.
Thành công nhỏ bé trong quý 4 không thể làm lu mờ sự thật rằng iPhone đã bước vào giai đoạn suy thoái.

Với các nhà đầu tư, iPhone quả thật cũng đã mất dần ánh hào quang. Suốt 1 năm qua, iPhone suy giảm nhưng giá cổ phiếu của Apple lại vẫn tăng đều, trị giá công ty thậm chí vượt cả mốc nghìn tỷ do iPhone X mang lại vào mùa hè 2018. Chỉ một ngày sau khi công bố kết quả quý 4, Apple đã cán đổ mốc 1,4 nghìn tỷ USD. Chưa một công ty công nghệ nào khác làm được điều này, bao gồm cả những đối thủ sừng sỏ như Microsoft, Amazon và Google/Alphabet.

Rõ ràng, các nhà đầu tư vẫn tin vào một tương lai bên ngoài chiếc iPhone. Với Tim Cook, tương lai ấy được tạo thành bởi 2 mảng sản phẩm vốn chẳng mấy ai để ý đến. Đầu tiên là dịch vụ, mảng kinh doanh bao gồm các ứng dụng/chương trình được cung cấp qua Internet như App Store, Apple Music, iCloud, Apple TV+, Apple Pay hay Apple News. Trong quý 4 vừa qua, mảng này đem về 12,7 tỷ USD, tương đương với doanh số Mac và iPad cộng lại. Không kém phần quan trọng là “Wearable, Home và Phụ kiện”: quý cuối năm, AirPods, AirPods Pro, Apple Watch, tai nghe Beats, HomePods và các thiết bị phụ trợ khác đã mang về cho Apple 10 tỷ USD.

Cả 2 mảng kinh doanh “phụ” này đều đang tăng trưởng ở mức 2 chữ số, trong đó mảng dịch vụ liên tục được Tim Cook nhắc đến với vai trò “cứu cánh” cho tương lai của nhà Táo. Cứ đến mỗi kỳ báo cáo là Tim Cook dường như luôn lặp lại một điệp khúc quen thuộc: doanh thu kỷ lục cho dịch vụ, kỷ lục cho App Store, kỷ lục cho Apple Watch, kỷ lục cho AirPods v…v… Suốt cả năm 2019 vừa qua, quý nào 2 mảng dịch vụ và phụ kiện cũng đều tăng trưởng ở mức 2 chữ số.

iPhone trở thành bệ phóng cho các dịch vụ số từ Apple.
iPhone trở thành bệ phóng cho các dịch vụ số từ Apple.

Nhưng với Tim Cook và cộng sự, vai trò của iPhone lúc này lại đang quan trọng hơn bao giờ hết. Khi công bố kết quả tài chính quý cuối năm, Tim Cook đã không quên nhắc đến một con số quan trọng: lượng thiết bị thông minh đang lưu hành (đang được người dùng sử dụng thực tế) của Apple đã chạm đến mốc 1,5 tỷ đơn vị. iPhone chăc chắn chiếm một phần lớn trong số này: theo Tim Cook, lượng iPhone lưu hành đã chạm tới kỷ lục mới (nói cách khác là vượt mốc 900 triệu máy từng công bố) và vẫn đang tăng trưởng. Càng ngày sẽ có càng nhiều người dùng iPhone, bất kể đó là iPhone cũ hay mới.

Hiện tượng tích cực này có thể không giúp iPhone trở lại với thời hoàng kim nhưng lại tạo ra mỏ vàng cho dịch vụ và phụ kiện. Theo CEO Tim Cook, “Lượng thiết bị lưu hành khổng lồ và đang tăng trưởng không chỉ là minh chứng rõ ràng cho sự hài lòng và trung thành của khách hàng mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng trên khắp các mảng kinh doanh khác, đặc biệt là với mảng dịch vụ”. Nếu người dùng đã sẵn sàng bỏ những khoản tiền lớn để mua iPhone, họ sẽ không ngại bỏ ra những khoản tiền nhỏ để mua Apple Music hay mở rộng bộ nhớ iCloud. Theo hé lộ của giám đốc tài chính Lucas Maestri, iFan hiện tại đang sở hữu 480 triệu tài khoản dịch vụ trả phí. Trong quý 1/2020, con số này sẽ chạm ngưỡng 500 triệu.

Hiển nhiên, iPhone bán chạy cũng sẽ tạo ra động lực khổng lồ cho AirPods và Apple Watch. Túi tiền dư dả của iFan đã biến bất lợi thành lợi thế khi họ sẵn sàng chịu chi để mua về một trải nghiệm Táo đầy đủ. “Tôi nghĩ mỗi sản phẩm của chúng tôi đều có thể thúc đẩy các mảng kinh doanh khác. Tôi nghĩ thường iPhone sẽ là sản phẩm đầu tiên, nhưng tôi cũng chắc chắn rằng nhiều người bước chân vào hệ sinh thái Apple thông qua chiếc Watch”, Tim Cook khẳng định, không quên nói thêm rằng Apple Watch Series 3 và AirPods Pro đã cháy hàng khi Apple không sản xuất đủ hàng để bán trong mùa mua sắm cuối năm.

Khi thời hoàng kim đã lùi xa, vai trò của iPhone đối với Apple ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết - Ảnh 3.
iPhone bão hòa, AirPods Pro cũng “cháy hàng”.

Tổng cộng, 2 mảng dịch vụ và phụ kiện mang về cho Apple 22,7 tỷ USD, tương đương với mảng di động của Samsung hay mảng thiết bị người tiêu dùng của Huawei. So với mức 56 tỷ USD của iPhone, con số này vẫn còn khá nhỏ bé nhưng lại đóng một vai trò quan trọng: khi các sản phẩm phần cứng truyền thống đều đang đứng yên hoặc thụt lùi, tương lai tăng trưởng của Apple là do dịch vụ và phụ kiện quyết định.

Và thật trớ trêu thay, nếu iPhone không bão hòa, nếu thời hoàng kim của iPhone không lùi xa, hai mảng kinh doanh “mới” đã chẳng thể thành công đến vậy.

Theo: Trí Thức Trẻ

Nguồn: genk.vn

Tin liên quan

Scroll Top