Cách đây 10 năm, dung lượng ổ cứng tối đa cũng chỉ đạt 128 GB, còn nay nó đã chạm mốc 24 TB, thậm chí cao hơn. Vậy RAM thì sao? Đã bao giờ bạn nghĩ mình có thể làm gì với 1 TB RAM chưa?
Ảnh trên là máy chủ được trang bị 16 vùng bộ nhớ, mỗi vùng bộ nhớ có 3 khe cắm RAM: 1 thanh 32 GB (1×32 GB) và 2 thanh 16 GB (2×16 GB), tương đương mỗi vùng bộ nhớ là 64 GB RAM. Tổng cộng 16 vùng bộ nhớ là: 16 x 64 GB = 1.024 GB RAM. Tuy nhiên, hình ảnh này đã được chụp cách đây vài năm. Giờ đây, máy chủ được trang bị RAM tới 1 TB không còn hiếm.
Đa phần máy chủ chỉ cần tới 16 GB hoặc 32 GB RAM. Rất ít hệ thống máy tính để bàn thông thường nào có tới 32 GB RAM.
Khi bạn xem video trên web, trình duyệt sẽ phải tải video xuống trước một vài giây rồi mới bắt đầu phát. Trong suốt quá trình phát lại, trình duyệt sẽ tiếp tục tải xuống từng phần video và phát từng phần mỗi khi dữ liệu được tải về máy.
Từng phần dữ liệu video tải về máy được gọi là buffer. Các video được buffer sẽ lưu trữ trong bộ nhớ tạm (RAM). Khi RAM dùng hết, nó sẽ lưu trữ trong RAM ảo – là một phần của ổ cứng được trích xuất làm nơi lưu trữ khi hệ thống sử dụng hết dung lượng RAM vật lý.
Thông thường, tải xem cùng lúc nhiều video không phải ý hay bởi quá trình tải dữ liệu từ RAM ảo vào RAM vật lý cực chậm. Nhưng sẽ chẳng hề gì nếu bạn có tới 1 TB RAM.
Trình duyệt hiện nay ngốn khá nhiều bộ xử lý. Chúng cần xử lý tất cả nội dung đa phương tiện như video, âm thanh, tài liệu, và hàng chục các định dạng khác nhau.
Một cách chi tiết, nếu bạn mở 15 tab trình duyệt cùng lúc, Firefox sẽ ngốn khoảng 520 MB RAM, còn Chrome khoảng 750 MB RAM.
Nếu bạn chơi game trên web, hoặc mở các trang web tương tác đa phương tiện, mạng xã hội thì dung lượng RAM sẽ tiêu tốn nhiều hơn.
Nhưng với 1 TB RAM thì sao? Bạn có thể mở hàng nghìn tab trình duyệt cùng lúc mà máy vẫn chạy trơn tru.
Với 1 TB RAM, bạn có thể mở nhiều game trên một máy và chẳng bao giờ cần phải đóng chúng lại. Dữ liệu sẽ lưu trữ trong RAM và bạn có thể chuyển từ game này sang game kia ngay lập tức nếu muốn. Thậm chí nếu cần nghỉ giải lao, không chơi game nữa, cứ để game tự chạy và bạn có thể quay lại chơi game bất cứ lúc nào.
Nguyên lý này cũng áp dụng cho cả các ứng dụng ngốn bộ nhớ như chỉnh sửa âm thanh kỹ thuật số, biên tập video, chỉnh sửa ảnh độ phân giải cao. Cứ mở tất cả và để đó, máy tính của bạn vẫn chạy trơn tru.
Ổ cứng RAM là dạng ổ ảo trên hệ thống sử dụng một phần của RAM để lưu trữ dữ liệu. Để thiết lập ổ cứng RAM, bạn chỉ cần cài phần mềm SoftPerfect RAMDisk trên Windows, Mac hay Linux.
Ổ cứng RAM có tốc độ truyền tải dữ liệu rất lớn. Ổ cứng HDD thông thường hiện nay chỉ có tốc độ truyền tải dữ liệu tối đa 120 MB/giây; ổ SSD đạt tối đa 550 MB/giây, trong khi ổ cứng RAM có thể đạt 6,4 GB/giây, nhanh gấp hơn 11 lần so với ổ SSD.
Với 1 TB RAM, bạn có thể dễ dàng chuyển đổi thành ổ cứng RAM để tăng tối đa tốc độ truyền tải dữ liệu trên máy tính.
Về cơ bản, bạn có thể chạy được hệ điều hành trong hệ điều hành khác. Chẳng hạn, có thể chạy macOS ở dạng cửa sổ trong Windows PC, hoặc thậm chí có thể chạy Windows trong Windows, hoặc Windows trong Linux.
Nhưng máy ảo cũng ngốn nhiều tài nguyên hệ thống, và RAM chính là hạn chế lớn nhất khi chạy nhiều máy ảo cùng lúc.
Với 1 TB RAM, nỗi lo này hoàn toàn được gạt bỏ. Bạn có thể chạy cùng lúc hàng chục hệ điều hành mà không lo đơ máy.
Xem thêm: Vì sao laptop của bạn ngày càng chậm?
Theo: Gia Nguyễn
Nguồn: News Zing