Vì tình hình dịch bệnh virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) lây lan nên nhu cầu làm việc tại nhà càng cao đây là cơ hội để kẻ gian đột nhập vào máy tính của bạn.
Đơn giản vì hiện tại “virus corona” hoặc “Covid-19” là những cụm từ được sử dụng nhiều để đánh cắp thông tin người dùng hoặc cài những phần mềm độc hại vào thiết bị cá nhân. Những người bị hacker tấn công không những đối mặt với rủi ro cá nhân mà có thể trở thành cửa hậu để tin tặc xâm nhập vào hệ thống dữ liệu của tổ chức.
Do đó, để tránh việc bị tin tặc lợi dụng, cũng như tự tăng cường bảo mật máy tính khi làm việc tại nhà, bạn có thể tham khảo một vài gợi ý sau đây.
1. Cập nhật các phần mềm cài đặt trên máy tính lên phiên bản mới nhất
Việc kiểm tra, cài đặt các bản cập nhật mới cho phần mềm mình thường dùng được xem như là một việc làm cần thiết nhằm giúp đảm bảo các phần mềm này luôn ở trạng thái sử dụng tốt nhất.
Đồng thời, việc cài đặt phiên bản mới còn giúp phần mềm khắc phục các lỗi phát sinh ở phiên bản cũ và sử dụng thêm được các tính năng mới mà nhà phát triển bổ sung thêm.
Bạn có thể cài đặt công cụ ucheck của nhà phát triển để thao tác được nhanh hơn.
2. Kích hoạt tính năng xác thực hai yếu tố
Xác thực hai bước là phương pháp bảo mật cộng thêm trước khi truy cập vào tài khoản. Nó yêu cầu bất kỳ ai đăng nhập vào tài khoản của bạn không những phải có mật khẩu mà còn cần mã truy cập. Mã này có thể gửi đến tài khoản email của bạn hoặc lấy trong ứng dụng Authentication trên điện thoại.
Trên thực tế, 90% mật khẩu có thể bị bẻ khóa trong vòng 6 giờ, 2 phần 3 người dùng internet sử dụng cùng mật khẩu ở mọi nơi. Các đợt tấn công mạng chuyên nghiệp còn có thể kiểm thử hàng tỉ mật khẩu trong vòng vài giây. Chính vì điểm yếu này các nhà cung cấp dịch vụ trên thế giới đã cố gắng tạo thêm một lớp xác thực nữa để cải thiện tình trạng tài khoản người dùng bị hacked.
Bước bảo mật cộng thêm này khiến tài khoản của bạn khó bị xâm nhập hơn rất nhiều, cũng như việc nó có khả năng phòng chống trường hợp bạn gặp mã độc có khả năng đánh cắp thông tin truy cập của bạn.
3. Sử dụng trình antivirus tin cậy
Đã không hiếm những trường hợp người dùng máy tính bị các tín tặc đánh cắp dữ liệu và phá hủy hệ thống máy tính. Các tin tặc thực hiện hành vi trên thông qua virus, họ sử dụng nhiều thủ đoạn để có thể lấy cắp thông tin nhạy cảm và bảo mật của bạn. Chính vì thế, để bảo vệ máy tính luôn được an toàn trước các cuộc tấn công của virus, cách tốt nhất là bạn nên cài đặt những phần mềm chống virus cho máy tính của mình.
Như chính cái tên của nó đã cho thấy, phần mềm diệt virus sẽ tìm kiếm và loại bỏ các virus đang ẩn náu trên máy tính của bạn. Khi bạn đã cài đặt một chương trình antivirus cho máy tính thì không cần quá lo lắng bởi nó sẽ bảo vệ bạn khỏi bất kỳ loại virus nào đang cố gắng xâm nhập vào hệ thống. Trong đa số các trường hợp, phần mềm antivirus sẽ chủ động xóa bỏ virus khỏi hệ thống để ngăn chặn lây lan.
Mặc định Windows 10 đã có sẳn Windows Security, tuy nhiên nếu bạn muốn việc bảo mật được tối ưu hơn, hãy sử dụng các phần mềm bản quyền của các hãng antivirus nổi tiếng như Kaspersky, Bitdefender,…
4. Sử dụng VPN
VPN là mạng riêng ảo, Virtual Private Network, là một công nghệ mạng giúp tạo kết nối mạng an toàn khi tham gia vào mạng công cộng như Internet hoặc mạng riêng do một nhà cung cấp dịch vụ sở hữu. Các tập đoàn lớn, các cơ sở giáo dục và cơ quan chính phủ sử dụng công nghệ VPN để cho phép người dùng từ xa kết nối an toàn đến mạng riêng của cơ quan mình.
Khi kết nối máy tính hoặc một thiết bị khác chẳng hạn như điện thoại, máy tính bảng với một VPN, máy tính hoạt động giống như nó nằm trên cùng mạng nội bộ với VPN. Tất cả traffic trên mạng được gửi qua kết nối an toàn đến VPN. Nhờ đó, bạn có thể truy cập an toàn đến các tài nguyên mạng nội bộ ngay cả khi đang ở rất xa.
Dịch vụ VPN cá nhân chủ yếu bảo vệ quyền riêng tư của người dùng chứ không bảo vệ dữ liệu người dùng khỏi các phần mềm độc hại.
5. Cảnh giác với các email, thông báo lạ
Tương tự các tin giả về Covid-19, bạn cũng nên cảnh giác với những tin nhắn đáng ngờ của tin tặc và các thành phần lừa đảo. Theo Microsoft, 91% các cuộc tấn công trên Internet bắt đầu bằng một email độc hại. Một số có thể hứa hẹn gửi đến bạn những thông tin quan trọng về dịch bệnh nhưng trên thực tế, khi bạn nhấp chuột vào đường link hoặc tải tập tin về, đó là một phần mềm ăn cắp dữ liệu. Máy tính ngay lập tức bị tấn công, người dùng có thể mất quyền kiểm soát.
Công nghệ Deepfake thậm chí có thể giả giọng nói, video và yêu cầu bạn làm một số việc bất thường, như chuyển tài liệu mật, chuyển tiền cho ai đó xa lạ. Trong trường hợp này, bạn nên gọi điện lại để kiểm tra, thông báo với những người có liên quan trước khi hành động.