Điện thoại màn gập đã vượt được nhiều giới hạn của cả phần cứng lẫn phần mềm, thế nhưng vẫn còn một rào cản lớn mà họ chưa chinh phục được: khoa học chưa tạo ra một loại kính có thể bẻ cong. Để điện thoại có thể gập lại một cách tinh tế, màn điện thoại phải được làm từ nhựa. Nhưng ai cũng đau đáu một câu hỏi, liệu ta có thể sử dụng một vật liệu khác để làm màn hình, đơn cử như bụi kim cương siêu cứng?
Ước mơ có vẻ xa vời, nhưng ngay tại hội chợ CES 2020, phóng viên CNET có dịp gặp gỡ với một công ty đặc biệt: họ cho rằng mình đã tìm ra cách sản xuất kính siêu bền siêu nhẹ dành riêng cho điện thoại màn gập, họ sử dụng kính kim cương để làm nên nó.
Smartphone màn gập đang là xu hướng, và hiển nhiên một loại kính có thể gập được sẽ trở thành công nghệ được mọi hãng săn đón. Nhưng tính tới giờ, các hãng sản xuất máy màn gập đều phải dựa vào nhựa – thứ vốn dễ trầy xước trong quá trình sử dụng.
Giá thành thì cao mà màn lại còn dễ hỏng (chính Samsung cũng khuyến cáo người có móng tay dài nên sử dụng Galaxy Fold cho cẩn thận), những điểm khiến máy cháy hàng là óc tò mò của người dùng, thiết kế thú vị và chưa có tiền lệ của máy, cộng thêm cảm giác sung sướng mà cái màn hình lớn đem lại. Nếu sớm áp dụng được công nghệ kính dẻo siêu bền vào sản xuất điện thoại màn gập, giá thành máy sẽ ít nhiều giảm đi và họa chăng, trong tương lai gần ta sẽ đều quen với máy màn gập mà vứt xó chiếc “smartphone một mảnh” ta đã quen dùng bấy lâu.
Hãng Corning, nhà sản xuất kính cường lực Gorilla Glass giới thiệu cho phóng viên CNET thấy một loại kính đủ mỏng để gập mà không vỡ, thế nhưng kính này vẫn đang trong giai đoạn phát triển, chưa biết bao giờ mới tung ra thị trường smartphone vẫn đang khao khát thứ công nghệ mới. Trong thời gian chờ đợi không mấy hạnh phúc, các hãng muốn chạy theo xu hướng màn gập đành phải chiều lòng khách bằng những vật liệu sẵn có.
Và đó là khi Miraj Diamond Glass – Kính Kim cương Miraj xuất hiện và hứa hẹn làm chao đảo thị trường; nó là vật liệu kim cương nano được sản xuất trong phòng thí nghiệm, dùng để phun lên bề mặt bất kỳ một lớp vật chất chỉ dày 100 nanomet, tức là 1/10.000 độ dày của một sợi tóc.
Người ta có thể phủ thứ vật liệu kính kim cương này lên tấm nhựa hoặc một tấm kính dẻo chưa qua xử lý. Theo lời công ty đứng sau công nghệ mới, nó vừa cứng nhưng lại vừa có thể gập.
“Kim cương nano vốn đã khá dẻo rồi, rồi chúng tôi lại còn phủ lên được kính dẻo nữa. Lớp phủ rất dễ xử lý, vật liệu sẽ không mất đi khả năng gập”, Adam Khan, nhà sáng lập và cũng là CEO đương nhiệm của công ty Bán dẫn Akhan, tổ chức đang nghiên cứu và phát triển Kính Kim cương Miraj.
Kim cương và nhựa: đâu là vật chất tối ưu?
Kim cương vốn nổi tiếng với danh hiệu vật liệu cứng nhất Trái Đất, và thí nghiệm mới do Lockheed Martin trình diễn cho thấy kính kim cương của Bán dẫn Akhan còn có thể chịu được cả laser công suất lớn. Akhan sẽ là nhà cung cấp kính kim cương cho quân đội Mỹ ứng dụng vào các vũ khí năng lượng và các công nghệ liên quan, đây sẽ là bổn cũ soạn lại – công nghệ được áp dụng trong quân sự đi vào cuộc sống hàng ngày.
Nhiều khả năng, tinh thể kim cương trong công nghệ mới sẽ loại bỏ được độ bóng xuất hiện tại chỗ gập màn hình của Galaxy Fold hay Motorola Razr. CEO Khan nói rằng họ có thể dùng Kính Kim cương Miraj để phủ trục gập của điện thoại, nên nhà sản xuất sẽ không cần phải gia cố cơ chế gặp bằng kim loại nữa. Họ còn khoe thêm rằng có thể phủ trực tiếp kính kim cương lên gốm. Vật liệu này kháng được dầu và nước, thậm chí còn có thể nhận nhiệt từ thiết bị và phân tán ra môi trường – vừa tản được nhiệt cho máy mà lại vừa giúp kéo dài tuổi thọ pin.
Vẫn còn một tin vui nữa: Khan nói rằng giá thành của việc phủ kính kim cương sẽ tương đương với giá lắp Gorilla Glass của Corning. Tuy vậy, Khan không nói rõ giá thành bao nhiêu, và hãng Corning cũng không bình luận gì trước khẳng định của đối thủ.
Vẫn có nhiều lý do để nhà sản xuất dè chừng trước Kính Kim cương Miraj. Nhiều bên chỉ ra rằng cả kính kim cương và sapphire – vẫn được dùng để làm lens cho camera iPhone – có thể cứng cáp đấy, nhưng vẫn giòn hơn kính cường lực bằng hóa học Gorilla của Corning. Bên cạnh đó, việc xử lý nhựa để sản xuất điện thoại hàng loạt cũng dễ dàng hơn việc sử dụng kính.
“Khi kính vỡ, nó sẽ tan thành nhiều mảnh. Khi nhựa vỡ, nó sẽ nứt”, Tom Gitzinger, kỹ sư, kiến trúc sư và giám đốc bộ phận tại Motorola cho hay. Motorola đã có kinh nghiệm ứng dụng nhựa vào sản xuất màn hình máy hồi vẫn theo đuổi dòng Motorola Droid, ắt họ phải biết một hai điều về màn hình nhựa dẻo.
Khái niệm “Kính kim cương” gợi lại một lời hứa thuở xưa …
Chỉ tính riêng tại CES thôi, đây không phải lần đầu tiên anh Khan hứa hẹn về một màn hình kính gập. CES 2017 là thời điểm nhiều người biết về Kính Kim cương Miraj lần đầu tiên, qua lời hứa hẹn đầy tự tin của Khan rằng cuối năm ấy, ta sẽ diện kiến chiếc điện thoại đầu tiên sử dụng kính kim cương.
Một năm sau lời hứa, cũng tại sự kiện CES, anh hứa lại: cuối năm 2019 sẽ có máy, và thêm rằng đã có một nhà sản xuất điện thoại hợp tác với mình rồi.
Giờ là thời điểm đầu năm 2020, vẫn thấy Khan góp mặt tại CES; tóc anh bạc hơi chút, giọng anh dù điềm tĩnh nhưng vẫn tự tin như ngày nào. Phóng viên CNET hỏi về lời hứa hẹn năm xưa, và về sự tồn tại của kính kim cương ứng dụng được vào điện thoại màn gập.
Hóa ra quá trình phát triển sản phẩm trong mơ này gặp hai trở ngại: chất lượng không đạt được như kỳ vọng, rồi những hãng hợp tác ngày nào quyết định rời đi.
“Thế giới sản xuất linh kiện có nhiều thay đổi, và nhiều bên từng cộng tác với chúng tôi nay đã dừng lại – họ đã cùng đồng hành nhưng rồi đột ngột dừng, và chúng tôi vẫn chưa ổn định được để mà chạm vạch đích, tuy nhiên công ty vẫn còn đang làm việc với phần đông các bên sản xuất linh kiện”, anh Khan nói.
Giấc mơ kính kim cương gập được cũng còn xa lắm. Kính Kim cương Miraji sẽ chưa sẵn sàng để ứng dụng vào sản phẩm thử nghiệm trong tương lai gần, ít nhất ta sẽ phải chờ một thế hệ smartphone nữa. Vậy nên, dù Bán dẫn Akhan có tìm được đối tác từ giờ cho tới cuối 2020, và đợi đến 2021 mới có sản phẩm, thì màn hình kính kim cương lắp cho điện thoại màn gặp vẫn còn “hít khói” cho màn hình gập thường.
Tham khảo CNET
Theo: Trí Thức Trẻ
Nguồn: genk.vn