Phần lớn chúng ta sử dụng Windows hàng ngày nhưng ít khi cảm nhận ảnh hưởng của nó tới cuộc sống số của ta. Câu hỏi đơn giản nhất ta có thể đặt ra cho hệ điều hành nổi tiếng nhất thế giới là tại sao nó lại có cái tên đó?
Dưới đây là câu trả lời của Glyn Williams trên Quora, một cây bút đóng góp cho nhiều đầu báo nổi tiếng như Forbes, HuffPost, BBC, Apple News. Có thể ông không phải cá nhân đặc biệt xuất chúng trong ngành công nghệ, nhưng những gì ông viết ra đã nhận được sự đồng tình của Besada Hanna, kỹ sư phần mềm, cũng là người truyền bá công nghệ cho Microsoft và Sharon Ravindran, kỹ sư phần mềm hiện đang công tác tại Microsoft.
Hệ điều hành đầu tiên của Microsoft là MS-DOS, với “D” là chữ cái đầu của từ “disk – ổ đĩa”.
Giao diện truyền thống của hệ điều hành máy tính là một màn hình hiển thị kí tự, các câu lệnh đều phải nhập thủ công bằng tay. Đồng nghĩa với việc một người sử dụng hệ điều hành phải nắm rõ các câu lệnh, áp dụng được vào bất kỳ tình huống nào, chẳng hạn như truy cập thư mục, tìm đường dẫn tới game Doom chẳng hạn.
Bên cạnh đó, họ phải hiểu được máy móc đang trong trạng thái nào: ví dụ như đang chạy cái gì, bật tác vụ nào đang ở thư mục gì, bằng việc đọc các câu lệnh có trên màn hình.
Cuối thập niên 70, đầu thập niên 80, một số cơ quan nghiên cứu phần mềm – nổi tiếng nhất là Xerox, công bố một giao diện người dùng hoàn toàn mới, không yêu cầu người sử dụng máy tính phải hiểu biết chuyên sâu về các câu lệnh.
Màn hình sẽ là nơi hiển thị các câu lệnh dưới dạng hình ảnh, hiển thị luôn trạng thái cỗ máy. Có thể tưởng tượng màn hình là một thế giới 2D ảo, hiển thị hình ảnh chứ không còn là những dòng lệnh khô khan. Mỗi khi chọn một thứ gì đó, màn hình sẽ hiện lên một khung nhỏ hiển thị nội dung bạn vừa chọn. Trong thế kỷ 21, đó là điều hiển nhiên nhưng vào thời kỳ chớm nở của hệ điều hành, đó là cả một bước tiến lớn của công nghệ.
Sáng tạo ra cái mới thì phải đặt tên cho nó. Họ đã gọi những giao diện mới là Windows – Cửa sổ, Icons – Biểu tượng, Mice – Chuột và mouse Pointer – trỏ chuột, tạo nên “tứ hùng” WIMP.
Đáng buồn là Xerox đã không thể thương mại hóa ý tưởng mang tính cách mạng. Apple thì sớm nhận ra tiềm năng khổng lồ của WIMP, họ cho ra đời cỗ máy Macintosh.
Microsoft nhanh chóng theo bước thời đại, họ đặt một lớp giao diện mới đè lên lớp DOS cũ. Họ đặt tên cho nó là Windows, vừa là một phần của WIMP, lại vừa cho người dùng dễ tưởng tượng ra một cái “cửa sổ” nhìn vào thế giới kỳ diệu của máy tính.
Theo thời gian, “Windows” trở thành hệ điều hành, một trong những phần mềm được cài nhiều nhất trong mọi máy tính trên thế giới.
Xem thêm:
Theo: Tổng Hợp
Nguồn: Genk