Thay thế Android là ‘nhiệm vụ bất khả thi’ với Huawei

02:25 Chiều - 06/06/2019
0 Bình luận
552
bởi Nam Nguyễn

Nhiều chuyên gia nhận định công ty Trung Quốc không thể tạo ra được hệ điều hành tốt, ổn định như Android hay Windows.

Vào tháng 5/2019, Google đã tuân theo quy định của Bộ Thương mại Mỹ và rút giấy phép sử dụng Android của Huawei. Nhiều thông tin cho thấy Huawei đã phát triển một hệ điều hành mới có tên Hongmeng OS hoặc Ark OS cho thiết bị di động để thay thế Android.

Tuy nhiên những chuyên gia phần mềm cho rằng thay thế Android là điều không thể.

Làm phần mềm không phải thứ khó nhất

Business Insider phỏng vấn nhiều chuyên gia phần mềm, và họ đều có chung nhận định việc xây dựng phần mềm không khó. Cái khó nhất là xây dựng một hệ sinh thái gồm các ứng dụng và dịch vụ như Google cung cấp cho Android.

“Đó là một việc rất khó”, Andreas Gal, Giám đốc kỹ thuật tại Mozilla nói. Ông Gal từng đóng vai trò phát triển hệ điều hành Firefox OS của Mozilla.

Hệ điều hành do Huawei phát triển được gọi là HongMeng OS tại Trung Quốc, và Ark OS ở nước ngoài.
Hệ điều hành do Huawei phát triển được gọi là HongMeng OS tại Trung Quốc, và Ark OS ở nước ngoài.

Sau khi bị Google chấm dứt hợp tác, Huawei tiết lộ họ đang đẩy nhanh quy trình phát triển hệ điều hành và chợ ứng dụng của mình. Tuy nhiên Huawei cũng không phải công ty duy nhất từng muốn thách thức nền tảng phần mềm khổng lồ.

Vào thập niên 1980 và 1990, các công ty như Commodore, Be và Next cùng những lập trình viên như Linus Torvalds đã thách thức sự thống trị của Windows bằng nhiều hệ điều hành, trong đó nền tảng Linux có thể coi là thành công nhất.

Trên mặt trận smartphone, BlackBerry, Palm, Microsoft và Mozilla đều từng có những nỗ lực thách thức Android của Google và iOS của Apple. Tuy nhiên tạo hệ điều hành không khó, làm thế nào để tạo hệ sinh thái đủ thu hút mới là thứ khó.

Nhiều hệ điều hành từng muốn thách thức Windows và macOS trên máy tính, nhưng rơi vào vòng luẩn quẩn khi không đủ người dùng lẫn nhà phát triển. Ảnh: PC World.
Nhiều hệ điều hành từng muốn thách thức Windows và macOS trên máy tính, nhưng rơi vào vòng luẩn quẩn khi không đủ người dùng lẫn nhà phát triển. Ảnh: PC World.

Ông Jean-Louis Gassée cũng đồng ý với nhận định đó. Từng là COO của Apple và CEO của Be, ông Gassée đã tạo ra hệ điều hành BeOS thách thức Windows và macOS nhưng không thành công. Ông cho rằng Huawei đủ tiềm lực và nhân lực để tạo nên một hệ điều hành mới, thậm chí cũng không cần mất nhiều thời gian để tạo ra “một sản phẩm dùng được” trên smartphone.

Tuy nhiên cũng giống như nhiều nỗ lực trước đó, hệ điều hành này không thể thu hút đủ lượng người dùng, và từ đó không thể hấp dẫn những nhà phát triển tạo ra ứng dụng cho hệ điều hành.

“Đây cũng giống với trường hợp mà chúng tôi gặp khó khăn trong quá khứ. Đó là một trạng thái luẩn quẩn, không lối thoát”, ông Andreas Gal nhận xét.

Huawei sẽ phải tự làm ứng dụng

Khi bị Google rút giấy phép, Huawei sẽ không thể sử dụng các dịch vụ của Google bao gồm CH Play, YouTube, Gmail và Google Maps. Đây đều là những dịch vụ quan trọng đối với người dùng Android.

“Không có ứng dụng của Google, họ không còn cơ hội nào”, một cựu lãnh đạo trong ngành di động yêu cầu giấu tên nói với Business Insider.

Không chỉ có các ứng dụng Google, Huawei còn phải tìm cách thay thế một loạt ứng dụng khác được yêu thích do những công ty Mỹ phát triển. Kể cả trong trường hợp các nhà phát triển không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của Mỹ, họ cũng không có nhiều động lực tạo một phiên bản riêng cho hệ điều hành chỉ dùng trên máy Huawei.

Không có Android và các dịch vụ của Google, những smartphone như P30 Pro khó thành công dù phần cứng rất tốt. Ảnh: The Verge.
Không có Android và các dịch vụ của Google, những smartphone như P30 Pro khó thành công dù phần cứng rất tốt. Ảnh: The Verge.

Theo ông Gassée, Huawei có thể học theo Amazon và tạo một phiên bản dành riêng cho ứng dụng Google hay Facebook. Trên những mẫu máy tính bảng Kindle Fire, ứng dụng chính thức của Google không xuất hiện nhưng vẫn có những ứng dụng thay thế giúp người dùng truy cập Gmail hoặc YouTube.

“Giống như trên máy tính vậy, bạn có thể truy cập dịch vụ Google rất dễ dàng mà không cần ứng dụng riêng”, ông Gassée giải thích.

Tuy nhiên việc phát triển này không đơn giản là tạo một phiên bản web, bởi Huawei có thể vướng vào rắc rối pháp lý nếu Google không cho phép họ sử dụng. YouTube và Gmail là những thương hiệu đã đăng ký bản quyền, do đó Huawei sẽ không được sử dụng các tên này cho ứng dụng tự mình tạo ra.

“Không đơn giản cứ vẽ một biểu tượng YouTube và cho lên máy là xong”, Gal nhận xét.

Ngoài ra, nhiều dịch vụ thông thường yêu cầu những quyền truy cập rất sâu trong thiết bị. Ví dụ với dịch vụ bản đồ, smartphone phải cấp phép để ứng dụng truy cập vào kết nối Wi-Fi và sóng di động nhằm định vị nhanh hơn.

Tương tự, để sử dụng chức năng dẫn đường ứng dụng cần cơ sở dữ liệu được cập nhật mới nhất về các tuyến đường, loại hình giao thông. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu để làm dịch vụ định vị không đơn giản, khó hơn rất nhiều so với sử dụng dịch vụ có sẵn của Google.

“Những thử thách đó có thể khiến họ chán nản”, ông Gal cho biết.

Theo Business Insider, cơ hội thành công của Huawei giờ nằm ở các nước đang phát triển. Lượng người dùng smartphone tại đây chưa nhiều, và giá cả có thể là yếu tố thuyết phục hơn là các dịch vụ và hệ sinh thái. Do đó, hệ điều hành của Huawei có thể tìm được các khách hàng tại đây.

“Tuy nhiên ở mọi nơi khác thì họ không có cơ hội. Tôi nghĩ chuyện này rất khó, tất cả bởi vì hệ sinh thái ứng dụng”, nhà lãnh đạo trong ngành di động nhận xét.

Theo: Nhật Minh

Nguồn: News Zing

Tin liên quan

Scroll Top