Trong cuộc chiến thiết bị đeo, các nhà sản xuất Android càng rộng lượng bao nhiêu thì Apple càng hẹp hòi bấy nhiêu

08:50 Sáng - 24/08/2020
0 Bình luận
382
bởi An Bùi

Galaxy Watch 3 của Samsung, “AirDots” của Xiaomi hay OPPO Watch đều hỗ trợ trải nghiệm khá đầy đủ trên iPhone. Nhưng Apple Watch thì không thể sử dụng được với smartphone Android.

Bất kỳ ai từng cố sử dụng Apple Watch hay AirPods với thiết bị Android (hoặc Windows) có lẽ đều sẽ đi đến một nhận định chung: đó thực sự là những trải nghiệm dở tệ. Nếu dùng AirPods với smartphone Android, bạn sẽ mất khả năng tùy biến các cử chỉ điều khiển, mất tính năng đọc tin nhắn, mất khả năng chia sẻ audio. Nếu dùng AirPods với Windows 10, bạn sẽ không thể chuyển thiết bị thông minh như khi kết hợp AirPods với iPhone và MacBook. Nếu dùng Apple Watch với Galaxy S20 hay Mi 10…

Không! Bạn thậm chí còn không thể sử dụng Apple Watch với bất kỳ một chiếc smartphone nào ngoài iPhone. Về mặt lý thuyết, bạn có thể dùng iPhone để kích hoạt Apple Watch có kết nối 4G LTE rồi sau đó ghép đôi chiếc đồng hồ này với điện thoại Android, nhưng đó cũng là việc làm cực kỳ vô nghĩa: bạn chẳng thể sử dụng những ứng dụng đòi hỏi cả Watch cả điện thoại, chẳng thể truyền dữ liệu sức khỏe hay cài mới các ứng dụng cho Apple Watch từ Android.

Trong cuộc chiến thiết bị đeo, các nhà sản xuất Android càng rộng lượng bao nhiêu thì Apple càng hẹp hòi bấy nhiêu - Ảnh 1.

Thiết bị wearable của Apple vẫn chỉ dành riêng cho smartphone của Apple.

Trong cuộc chiến thiết bị đeo, các nhà sản xuất Android càng rộng lượng bao nhiêu thì Apple càng hẹp hòi bấy nhiêu - Ảnh 2.

Ngược lại, các hãng smartphone Android vẫn luôn sẵn sàng hỗ trợ cho smartwatch/tai nghe của mình có thể hoạt động tốt với iPhone.

Dĩ nhiên, phần đông người dùng sẽ không mua AirPods và Apple Watch để kết nối với thiết bị Android hay thiết bị Windows. Nhưng xét cho cùng, tai nghe True Wireless và smartwatch vẫn là những thiết bị độc lập với smartphone. Lẽ ra, các phụ kiện này không nên bị “trói” vào một hệ sinh thái điện thoại hay PC duy nhất.

Chính các đối thủ của Apple đã chứng minh điều này. Họ đi theo hướng hoàn toàn ngược lại, khi cho phép người dùng iPhone, iPad và Mac tận hưởng đầy đủ các tính năng có trên những chiếc smartwatch và tai nghe không gắn mác Táo. Samsung chẳng hạn. Cả 2 phụ kiện mới nhất và đình đám nhất của Samsung là Galaxy Buds Live và Galaxy Watch 3 đều được hỗ trợ khá đầy đủ tính năng thông qua các ứng dụng Galaxy trên nền iOS. Ứng dụng Galaxy Watch còn hỗ trợ Gear S2, vốn là mẫu smartwatch được Samsung ra mắt từ năm 2015. Điều này cho thấy ngay từ khi cuộc chiến wearable mới chớm nở, gã khổng lồ Hàn Quốc đã mang tham vọng thu hút người dùng Apple đến với phụ kiện Galaxy.

Xiaomi, OPPO, Huawei…, tất cả đều có ứng dụng để hỗ trợ kết nối smartwatch hay smartband của riêng họ với iPhone. Thậm chí, đối thủ duy nhất của Apple trên lĩnh vực hệ điều hành di động là Google cũng hỗ trợ đầy đủ cho WearOS trên iOS. Cả thế giới Android đều mang một tư tưởng chung: smartwatch, smartband và tai nghe True Wireless không phải là để cạnh tranh với Apple, mà là để tạo nguồn thu từ chính các iFan vẫn đang sử dụng iPhone, iPad và MacBook.

Trong cuộc chiến thiết bị đeo, các nhà sản xuất Android càng rộng lượng bao nhiêu thì Apple càng hẹp hòi bấy nhiêu - Ảnh 3.

Với các nhà sản xuất Android, iFan vẫn có thể là nguồn sinh doanh thu smartwatch và tai nghe.

Bên cạnh những người lựa chọn duy nhất một hệ sinh thái, vẫn có những người sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị chạy nhiều hệ điều hành khác nhau. Chắc chắn, có một lượng lớn người dùng iPhone không sử dụng máy Mac. Có một lượng lớn người dùng smartphone Android đã và đang mua iPad. Đã nửa thập kỷ trôi qua, và họ vẫn chưa thể sử dụng Apple Watch hay AirPods một cách trọn vẹn.

Nhìn từ góc độ công nghệ, đó là một thiệt thòi khá vô lý. Một lần nữa, Apple Watch và AirPods đều là các thiết bị độc lập, có chip riêng, pin riêng và cũng chỉ đòi hỏi Bluetooth để kết nối với điện thoại. Việc AirPods và Apple Watch trở nên “què quặt” trên Android và Windows là do Apple cố tình làm vậy.

Lý do có lẽ không gì khác ngoài chiến lược kinh doanh của Tim Cook. Với vị CEO của Apple, phụ kiện có vẻ vẫn chỉ là mảng kinh doanh phụ. Không giống như Samsung hay Xiaomi coi wearable là một nguồn thu mới, độc lập với smartphone (hay PC, tablet), Apple coi wearable là sợi dây trói người dùng ở lại với hệ sinh thái Táo. Người dùng mua Apple Watch khi nâng cấp điện thoại sẽ buộc phải chọn iPhone. Khi người dùng iPhone và AirPods mua laptop mới, MacBook sẽ có thêm phần lợi thế so với Surface.

Trong cuộc chiến thiết bị đeo, các nhà sản xuất Android càng rộng lượng bao nhiêu thì Apple càng hẹp hòi bấy nhiêu - Ảnh 4.

Thị trường đang chia làm hai nửa, hai chiến lược khác biệt nhau hoàn toàn: một bên là khu vườn đóng của nhà Táo, một bên là sự cởi mở của các nhà sản xuất Android (hay nói chính xác hơn trong trường hợp này, là Tizen, WearOS). Kết thúc quý 2 vừa qua, Apple Watch, AirPods và các phụ kiện khác đã mang lại cho Apple 6,4 tỷ USD – khoản tiền cao gần ngang ngửa tổng doanh thu tất cả các mảng kinh doanh của Xiaomi trong quý 1. Nhưng thị phần wearable của Apple cũng đang dần bị các đối thủ gặm nhấm. Liệu kịch bản của cuộc chiến smartphone có lặp lại với wearable, liệu Apple có dần bị các đối thủ đẩy lùi khỏi vị trí thống trị?

Hãy cùng chờ xem.

Theo: Trí Thức Trẻ

Nguồn: genk.vn

Tin liên quan

Scroll Top