Ngày mai, Microsoft sẽ khai tử Windows 7 – hàng triệu người dùng hệ điều hành này sẽ không còn được hỗ trợ cập nhật hay vá lỗi nữa.
Xét trên nhiều khía cạnh, thành công của Windows 7 gắn với cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển Windows, cũng như máy tính cá nhân nói chung. Không chỉ là bản cải tiến của Windows Vista, Windows 7 còn là hệ điều hành được người dùng PC yêu thích nhất trong cả thập kỷ. Windows 7 phổ biến đến nỗi nhiều người dùng bỏ qua Windows 8 và chỉ nâng cấp khi Windows 10 hoàn thiện.
Tuy nhiên, khi vòng đời của Windows 7 gần kết thúc, nhiều người vẫn trung thành với hệ điều hành 10 năm tuổi này. Theo ZDnet, trong 1,2 tỷ máy tính chạy Windows trên toàn cầu, khoảng 1 tỷ máy tính dùng Windows 10 và hầu hết phần còn lại vẫn đang sử dụng Windows 7. Điều này có nghĩa gần 200 triệu PC có thể sẽ tiếp tục dùng phần mềm lỗi thời, không được vá lỗ hổng bảo mật.
Kỷ nguyên PC đi tới hồi kết
Quãng thời gian thành công của Windows 7 trùng với thời kỳ đỉnh cao máy tính cá nhân. Các chuyên gia nhận định, Windows 7 bị khai tử báo hiệu hồi kết của kỷ nguyên PC.
Khi Windows 7 ra mắt, iPhone và cửa hàng ứng dụng App Store đã xuất hiện nhưng chưa phổ biến, trong khi iPad còn chưa được Apple giới thiệu. Nếu muốn một trợ thủ đắc lực trong công việc, người dùng buộc phải chọn máy tính.
Sau một thập kỷ, bức tranh toàn cảnh của thị trường thiết bị công nghệ đã thay đổi chóng mặt. Doanh số PC giảm mạnh trong vòng bảy năm và đà lao dốc mới kết thúc vào năm ngoái, chủ yếu do các doanh nghiệp phải đầu tư PC mới chạy Windows 10. Trong nhiều trường hợp, PC đã được thay thế bằng smartphone, máy tính bảng hoặc trợ lý ảo có sẵn trên nhiều loại thiết bị.
Sự thay đổi trong thói quen sử dụng sẽ không làm cho PC bị lãng quên trong tương lai gần, nhưng ngày nay, người dùng đang có rất nhiều lựa chọn thay thế như smartphone hay máy tính bảng. Thực tế, mọi người gần như không cần tới PC ngoài giờ làm việc.
Hơn nữa, khái niệm về máy tính cá nhân cũng ngày càng mờ nhạt. Đột phá cuối cùng của các nhà sản xuất PC là khiến chúng trở nên nhỏ gọn, dễ di chuyển hơn. Ví dụ, dòng Surface của Microsoft là PC dưới hình dạng máy tính bảng. Tại CES 2020, Lenovo cũng trình làng mẫu ThinkPad X1 Fold về cơ bản là thiết bị có màn hình gập, cho phép chuyển đổi linh hoạt giữa chế độ PC, máy tính bảng và laptop.
Máy tính cá nhân có thể gập gọn lại, mô-đun hóa để dễ dàng tháo rời đang trở thành xu hướng. Dù là bước chuyển biến tích cực, các chuyên gia cho rằng không sự đổi mới nào có thể đưa PC trở lại thời kỳ hoàng kim trước đây.
Theo: Việt Anh
Nguồn: VNExpress