Bạn có biết: chiếc điện thoại Android đầu tiên của Nokia đã xuất hiện từ năm 2014

07:46 Sáng - 22/09/2020
0 Bình luận
447
bởi Triệu Vũ

Vào đầu năm 2014, Nokia đang ở giai đoạn chuẩn bị sáp nhập vào Microsoft. Dưới sự lãnh đạo của CEO bấy giờ là Stephen Elop, công ty đã thử nhiều chiến lược khác nhau trong nỗ lực cuối cùng nhằm duy trì thị phần ít ỏi.

Một trong những chiến lược đó là tung ra một loạt các điện thoại giá rẻ chạy một phiên bản Android tuỳ biến. Chúng ta đang nói đến chiếc Nokia X và Nokia XL ra mắt năm 2014 – chính là những chiếc điện thoại Android đầu tiên của Nokia, trước khi HMD Global tiếp quản thương hiệu này 3 năm sau đó.

Dòng Nokia X có 5 mẫu điện thoại khác nhau. Ban đầu, Nokia giới thiệu Nokia X và X Plus. Điểm khác biệt duy nhất giữa chúng là biến thể Plus có thêm 256MB RAM, tức tổng cộng có 768MB RAM. Công ty còn giới thiệu thêm Nokia XL với màn hình lớn hơn, RAM 768MB như X Plus, và pin cũng nhiều hơn.

Cuối năm đó, Microsoft tung ra Nokia X2 với chipset Snapdragon 200 có hiệu năng cao hơn, cùng RAM 1GB. Chiếc điện thoại này loại bỏ nút bấm điện dung duy nhất trên Nokia X và thay vào đó là một nút Home cùng nút Back. Tại thị trường Trung Quốc, Microsoft tung ra bản nâng cấp của Nokia XL với khả năng hỗ trợ 4G, chipset nhanh hơn, và RAM 1GB.

Dòng điện thoại này xuất hiện trong thời điểm Nokia đã quyết định ngừng sản xuất phần cứng cao cấp chạy Symbian và chỉ tập trung vào các điện thoại chạy Windows Phone, Series 40, và điện thoại cục gạch.

Hãy cùng điểm lại xem Nokia X và XL có gì thú vị.

Dùng dao đấu súng

Khi Stephen Elop tiếp quản Nokia vào năm 2010, ông đã lên kế hoạch rời bỏ Symbian để chuyển sang Windows Phone nhằm cạnh tranh ở phân khúc cao cấp. Trong khi quá trình chuyển đổi này thất bại một cách hoành tráng vì nhiều lý do, thì ở phân khúc bình dân có tầm quan trọng đặc biệt, Nokia cũng gặp nhiều khó khăn.

Niềm hi vọng ở phân khúc bình dân của công ty Phần Lan được đặt vào dòng điện thoại cục gạch Asha chạy hệ điều hành Series 40 lỗi thời. Thật trớ trêu khi mà Asha trong tiếng Hindi là “hi vọng”.

Dòng Nokia Asha phải cạnh tranh với những mẫu smartphone Android thiện chiến và hiển nhiên, việc đó là quá sức đối với một chiếc điện thoại Series 40.

Và rồi Nokia X và XL xuất hiện. Hai chiếc điện thoại bình dân mới này của Nokia sao chép kiểu dáng từ series Lumia chạy Windows Phone, kết hợp thêm yếu tố giá rẻ của Asha.

Chúng có giá lần lượt 120 USD và 150 USD. không hẳn là rẻ đối với những chiếc điện thoại gần với điện thoại cục gạch cao cấp hơn là một chiếc smartphone thực thụ.

Để mang lại cảm giác nhất quán trong toàn bộ danh mục sản phẩm, Nokia thậm chí còn vay mượn một vài thành phần được xem là tốt nhất của Windows Phone UI để biến dòng Nokia X trở nên thực sự độc nhất. Nghe có vẻ là một combo chiến thắng nhỉ? Không may là điều đó chẳng hề xảy ra.

Nokia X: một thử nghiệm đoản mệnh

Bạn có biết: chiếc điện thoại Android đầu tiên của Nokia đã xuất hiện từ năm 2014 - Ảnh 1.

Dòng Nokia X sở hữu giao diện hoàn toàn mới, tìm cách mang thiết kế tối giản và tính dễ sử dụng của Windows Phone sang phân khúc giá tốt hơn.

Phần cứng của Nokia X nổi bật nhờ thiết kế độc đáo và sử dụng màu sắc mạnh mẽ. Nó có một thiết kế công nghiệp tối giản, vừa mang lại cảm giác cầm nắm tuyệt vời và bền bỉ đến đáng ngạc nhiên. Đúng là thời đó đã có nhiều điện thoại sử dụng vật liệu polycarbonate, nhưng rất hiếm có thứ gì đọ được cảm giác trên tay xuất sắc của nhựa chất lượng cao mà Nokia sử dụng. Vật liệu này thực sự là một đột phá công nghệ.

Vì là điện thoại giá rẻ, nên Nokia phải thoả hiệp để hạ giá xuống mức mong muốn. Ở thời điểm mà camera 8MP đã là tiêu chuẩn, chiếc Nokia X lại có camera 3MP cực tệ, không có tính năng lấy nét tự động. Trong khi đó, chiếc Nokia XL lớn hơn cũng sử dụng một cảm biến 5MP không tốt hơn là bao.

Màn hình 4-inch và 5-inch của nó không có gì đặc biệt, và Nokia đã đưa vào chế độ Always On Display (luôn bật màn hình) – một điểm cộng nho nhỏ.

Bạn có biết: chiếc điện thoại Android đầu tiên của Nokia đã xuất hiện từ năm 2014 - Ảnh 2.

Về hiệu năng, tốt nhất chúng ta đừng bàn đến. Chipset Snapdragon S4 Play không phải là một con chip mạnh, và RAM 512MB và 768MB của Nokia X và XL khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Các thiết bị cạnh tranh như Samsung Galaxy Core sở hữu chipset nhanh hơn và nhiều RAM hơn nhưng giá vẫn tương đương.

Hiệu năng rõ ràng không phải điểm mạnh của Nokia X/XL, khi mà hai chiếc điện thoại này giật lag kể cả trong quá trình hoạt động thông thường.

Trải nghiệm người dùng hiện đại

Tuy nhiên, không phải mọi thứ trên Nokia X/XL đều tệ. Dưới sự chỉ đạo của Peter Skillman, cựu giám đốc thiết kế WebOS tại Palm, Nokia đã tạo nên một trải nghiệm người dùng tiên tiến đến ngạc nhiên.

Được đặt tên là Nokia X Platform, Nokia X đã loại bỏ giao diện biểu tượng và widget của Android thuần và thay thế nó bằng giao diện ô vuông giống Windows Phone, giúp điện thoại trở nên dễ sử dụng hơn đối với những người dùng mới. Thậm chí máy còn chẳng có app drawer nữa.

Bạn có biết: chiếc điện thoại Android đầu tiên của Nokia đã xuất hiện từ năm 2014 - Ảnh 3.

Vuốt nhanh sang trái hoặc phải sẽ đưa bạn đến hub Fastlane của Nokia. Là một trung tâm lưu trữ mọi thông báo và thể hiện danh sách các ứng dụng đa nhiệm, nó là một sự bổ sung tuyệt vời tập trung vào khả năng dễ sử dụng.

Bởi máy chỉ có một nút bấm điện dung ở mặt trước, Nokia đã thiết kế để điện thoại dễ sử dụng với một tay và thành công đến 99%. Giống như chiếc Nokia N9 chạy Meego trước đây, Nokia X tích hợp tính năng chia sẻ mạng xã hội ngay vào giao diện người dùng.

Tuy nhiên, Nokia vô tình tự đào hố chôn mình khi bán máy mà không hỗ trợ Google Play Store và các dịch vụ Google. Không như giao diện TouchWiz của Samsung hay các giao diện của hãng khác vào thời đó, nền tảng Nokia X không chỉ là một lớp vỏ bên ngoài. Thay vào đó, nó được dựng nên như một phiên bản nhánh của Android mã nguồn mở và là biến thể tuỳ biến hoàn toàn của hệ điều hành Android từ Google.

Chiếc điện thoại này được liên kết rất sâu với các dịch vụ thuộc hệ sinh thái Microsoft, như OneDrive chẳng hạn. Trong khi thế giới đang hướng đến một trải nghiệm smartphone với các ứng dụng nằm ở trung tâm, thì Nokia Store chỉ là một bản làm lại nghèo nàn từ Ovi Store trên các điện thoại Symbian.

Bạn có biết: chiếc điện thoại Android đầu tiên của Nokia đã xuất hiện từ năm 2014 - Ảnh 4.

Một danh sách ứng dụng chọn lọc, so với hàng triệu ứng dụng trên Play Store, bạn hẳn có thể hình dung ra số phận của Nokia X rồi.

Công ty đã cố lôi kéo các nhà phát triển đến với nền tảng, nhưng toàn bộ nỗ lực không duy trì được lâu. Đến tháng 7/2014, chỉ 6 tháng sau khi ra mắt, series Nokia X đã bị ngừng sản xuất. Vào thời điểm đó, Microsoft đã hoàn tất việc thâu tóm Nokia và chuyển hướng hoàn toàn sang Windows Phone.

Khởi nguồn của kết thúc

Cái chết của series Nokia X cũng báo hiệu dấu chấm hết cho tham vọng Android của Nokia. Đến tháng 4/2014, Microsoft đã hoàn tất thâu tóm Nokia. Lời nói của Joe Belfiore trước MWC 2014 đã thành sự thực. Microsoft không phấn khích lắm với việc sử dụng Android của Nokia và nhanh chóng kết thúc chương trình. Microsoft tiếp tục sử dụng nhãn hiệu Nokia trên phần cứng Lumia cho đến tháng 10/2014 và rồi chuyển thành Microsoft Lumia. Quá trình chuyển đổi lúc này đã xong.

Dưới thời Microsoft, công ty bán ra một loạt các điện thoại giá rẻ chạy Windows Phone với thành công khá hạn chế. Dù không có gì sai với phần cứng, và giao diện Windows Phone vẫn thu hút người dùng như một làn gió tươi mới, vấn đề mà Nokia gặp phải qua nhiều thế hệ phần cứng vẫn không đổi: thiếu ứng dụng.

Bạn có biết: chiếc điện thoại Android đầu tiên của Nokia đã xuất hiện từ năm 2014 - Ảnh 5.

Ở thời diểm mà các nhà phát triển smartphone đang chạy theo hệ sinh thái ứng dụng iOS và Android, đơn giản là không có chỗ cho chú ngựa thứ ba tham gia cuộc đua. Microsoft đã tìm cách giải quyết vấn đề bằng cách ném tiền tài trợ phát triển các ứng dụng quan trọng như Facebook và quảng bá cho các lựa chọn thay thế khác.

Tuy nhiên, bạn không thể cưỡng ép hình thành một hệ sinh thái được. Không có ứng dụng, người mua không mấy hào hứng, và doanh số bắt đầu cạn kiệt. Với số người dùng hạn chế, các nhà phát triển lớn không có động lực để bỏ thời gian và tài nguyên tạo ứng dụng cho các thiết bị Windows Phone.

Hồi chuông báo tử đã điểm, và Lumia 650 năm 2016 đã trở thành chiếc điện thoại cuối cùng được tung ra dưới thời Microsoft Mobile.

Microsoft bị bốc hơi đến 900 triệu USD từ khoản đầu tư vào Nokia và công bố kế hoạch rời bỏ mảng kinh doanh phần cứng di động trong năm tiếp theo.

Bạn có biết: chiếc điện thoại Android đầu tiên của Nokia đã xuất hiện từ năm 2014 - Ảnh 6.

Nhãn hiệu Nokia đã trở lại thị trường smartphone một cách hoành tráng dưới sự dẫn dắt của HMD Global. Công ty giới thiệu chiếc smartphone Nokia đầu tiên chạy Android, Nokia 6, vào năm 2017. Nokia hiện vẫn cố tìm cho mình một thị phần nho nhỏ với lợi thế là Android thuần và thiết kế máy thanh thoát.

Khi nhìn vào những sản phẩm không mấy hấp dẫn gần đây, như Nokia 5.3, có lẽ công ty nên trở lại nơi mọi thứ bắt đầu. Một chiếc điện thoại với chất lượng hoàn thiện xuất sắc, tập trung vào tính dễ sử dụng, và phần mềm tiên tiến.

Sao không reboot series Nokia X nhỉ, HMD?

Tham khảo: AndroidAuthority

Theo: Pháp luật & Bạn đọc

Nguồn: genk.vn

Tin liên quan

Scroll Top