Những người thất nghiệp vui vẻ

10:35 Sáng - 13/12/2023
0 Bình luận
271
bởi Phương Anh

    Vy Phạm (TP.HCM) xin từ chức ở tập đoàn đa quốc gia, sau đó đi trekking và học lái ôtô. Trong khi đó, Linh Trần dùng toàn bộ tiền đền bù do sa thải để đi du lịch nước ngoài.

    Với nhiều người trẻ, thất nghiệp không khiến họ lo lắng, ngược lại, họ xem đây là thời gian dành cho bản thân. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
    Với nhiều người trẻ, thất nghiệp không khiến họ lo lắng, ngược lại, họ xem đây là thời gian dành cho bản thân. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

    Cuối năm, công ty của Linh Trần (25 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) tuyên bố dừng hoạt động tại thị trường Việt Nam, khiến cô và nhiều nhân sự khác bị sa thải.

    Linh được đền bù 3 tháng lương theo quy định trên hợp đồng lao động. Nhân viên trẻ quyết định dùng toàn bộ số tiền này cho chuyến du lịch dài ngày đến Hàn Quốc, Trung Quốc và dự định đón năm mới tại Thái Lan.

    Trong mắt bạn bè, Linh được xem như một người theo đuổi trào lưu “funemployment” (tạm dịch: thất nghiệp vui vẻ).

    Thuật ngữ này mô tả tình trạng thất nghiệp là sự giải phóng tư tưởng, thay vì lo lắng, chán nản. Không cố gắng tìm kiếm công việc mới càng sớm càng tốt, người thất nghiệp vui vẻ tận hưởng thời gian rảnh bằng cách đi du lịch, tham gia các hoạt động giải trí, ở bên người thân…

    Thất nghiệp không đáng sợ

    Vy Phạm chủ động xin nghỉ việc ở tập đoàn đa quốc gia, sau đó cô dành thời gian học lái ôtô, đi trekking...
    Vy Phạm chủ động xin nghỉ việc ở tập đoàn đa quốc gia, sau đó cô dành thời gian học lái ôtô, đi trekking…

    Nhiều người lao động cho rằng thất nghiệp luôn đi kèm với nỗi lo. Nhưng Vy Phạm (26 tuổi, TP.HCM) lại nghĩ đây là cơ hội để đổi mới bản thân theo hướng tích cực.

    Một năm trước, Vy chủ động xin nghỉ việc tại một công ty đa quốc gia. Cô cũng biết vị trí này là ước mơ với nhiều bạn trẻ vì mức lương và đãi ngộ khá tốt.

    Tuy nhiên, việc quay cuồng với công việc ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ tâm thần và thể chất của cô. Vì thế, cô quyết định “dứt áo ra đi” và lên kế hoạch học cao học ở nước ngoài.

    Trong thời gian ở nhà làm hồ sơ du học, cô gái 26 tuổi tranh thủ đi du lịch nước ngoài, thử sức với bộ môn trekking và học lái ôtô.

    “Trước đó, do áp lực từ deadline và trách nhiệm quá lớn, tôi không có khoảng nghỉ nào cho bản thân. Giờ thì tôi thả lỏng hơn, có cơ hội ngắm thế giới xung quanh, trải nghiệm những thứ mình nghĩ sẽ không bao giờ được thử”, Vy chia sẻ.

    Sau 1,5 năm nghỉ việc ở công ty cũ, Mai Nguyễn (24 tuổi, TP.HCM) khiến bạn bè ngạc nhiên khi gặp lại. Không còn vẻ mệt mỏi trên gương mặt như trước đây, ai cũng nhận xét cô năng động và có sức sống hơn hẳn.

    Ngay từ khi nộp đơn từ chức, cô đã đề ra một danh sách dài những việc muốn làm, trong đó bao gồm: ngủ thật nhiều, đi du lịch, tập gym, học IELTS, thực hiện các dự án cá nhân còn dang dở.

    “Nghỉ việc công sở không có nghĩa là tôi nghỉ làm việc. Tôi có nhiều thứ để làm như sáng tạo nội dung, viết sách và nhận vài công việc tự do. Quan trọng nhất là khởi động dự án kinh doanh mà mình đã ấp ủ bấy lâu”, Mai cho hay.

    Không còn phải dậy sớm đi làm và là một trong những người cuối cùng rời khỏi công ty, cô loại bỏ lịch trình cố định ra khỏi cuộc sống của mình.

    Nói về xu hướng “thất nghiệp vui vẻ”, Mai cho rằng đây là cơ hội để cải thiện lối sống, ngẫm lại bản thân, tìm ra hướng đi phù hợp trong tương lai.

    “Thực tế, khi bước ra khỏi công ty mình đã hoàn thành hết ‘wishlist’ (những điều muốn làm). Lúc đó, mình biết đã đến lúc phải rời đi và mở ra một cánh cửa mới”, cô chia sẻ.

    Có sự chuẩn bị trước

    Nghỉ làm đã được 6 tháng, Quốc Minh (24 tuổi, quận 7, TP.HCM) vẫn chưa có ý định quay lại với công việc văn phòng.

    Quốc Minh chuẩn bị kế hoạch tài chính kỹ càng trước khi nghỉ việc.
    Quốc Minh chuẩn bị kế hoạch tài chính kỹ càng trước khi nghỉ việc.

    Trước khi đi đến quyết định từ chức, Minh đã chuẩn bị một kế hoạch tài chính kỹ lưỡng để bản thân không áp lực trong những tháng đầu tiên, đồng thời hỏi han các quy cách để nhận bảo hiểm thất nghiệp.

    “Tôi để dành nhiều hơn trong 6 tháng trước khi nghỉ việc, đó là khoảng tiền để tôi ‘mua’ sự thoải mái về tâm lý. Sau đó 3 tháng, tôi đi học thêm các chứng chỉ dạy tiếng Anh, học massage để có các công việc tay trái”, Minh chia sẻ.

    Các công việc phụ đem lại cho Minh thu nhập mỗi tháng, không nhiều như trước kia những vẫn đủ để anh tận hưởng cuộc sống.

    “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, khi số tiền kiếm được mỗi tháng ít đi, tôi tiêu xài tiết kiệm hơn trước nhưng về tinh thần lúc nào cũng thoải mái, ăn ngon, ngủ ngon”, Minh nói.

    Trong khi đó, Linh Trần bị gia đình trách mắng vì tiêu xài không hợp lý số tiền được đền bù trong giai đoạn khó khăn kinh tế, khó xin việc làm. Chia sẻ với Tri Thức – Znews, cô gái cho biết không hối hận về những quyết định của mình vì đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính, kế hoạch dự phòng.

    “Tôi có một khoản tiết kiệm đủ để sống khỏe trong vòng 3-5 tháng. Bên cạnh đó, tôi vẫn đang có các công việc freelance bên ngoài, dù không đều đặn, nhưng vẫn đem lại cho tôi thu nhập 3-7 triệu đồng/tháng”, Linh kể.

    Với Linh, đây là khoảng thời gian hiếm hoi để đi du lịch dài ngày. Từ khi làm văn phòng, Linh chưa dám xin nghỉ phép lâu vì sợ ảnh hưởng đến công việc, đồng nghiệp.

    “Với tôi hiện tại là đúng người, đúng thời điểm, có tiền, có thời gian thì phải tận dụng thôi. Nhưng quan trọng nhất vẫn là có khoản tiền đề phòng”, cô nhấn mạnh.

    Còn đối với Vy Phạm, nhờ có khoản dành dụm kha khá cộng với sự hỗ trợ tài chính từ gia đình nên cô không quá căng thẳng về tiền bạc.

    Giữ tinh thần tích cực về chuyện nghỉ việc nhưng Vy cũng phải thừa nhận rằng nếu không chi tiêu hợp lý và có kế hoạch dự trù, bản thân sẽ rất dễ bị chao đảo trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động.

    “Từ lúc nghỉ công ty cũ, tôi cũng tiêu xài cẩn thận hơn, chỉ mua những món đồ có giá trị sử dụng lâu dài và hạn chế các thú vui như đi bar, club. Hiện mình đã hoàn tất thủ tục để năm sau sang Australia học thạc sĩ. Đây cũng là định hướng mình muốn thực hiện từ lâu”, Vy nói.

    Để tránh hoang mang khi nghỉ việc hay bị sa thải, Mai cho rằng mọi người nên chuẩn bị tâm lý, tài chính và định hướng rõ ràng cho bản thân.

    “Trước đó, tôi đã dành dụm đủ số tiền, sao cho thất nghiệp trong 1,5-2 năm vẫn sống được. Tôi cũng sắp xếp lại cuộc sống để khi nghỉ công ty này thì sẽ không hối hận hay suy nghĩ tiêu cực. Tôi cố gắng giữ sự vững vàng cho bản thân từ bên trong đến bên ngoài”, Mai nói.

    Trào lưu trở lại

    Thuật ngữ “thất nghiệp vui vẻ” xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc đại suy thoái 2007-2009, giai đoạn có khoảng 8,8 triệu người Mỹ mất việc.

    Đến đầu năm nay, trào lưu trở lại một cách mới mẻ trên các mạng xã hội. Hashtag #funemployment thu hút 30 triệu lượt xem trong 12 tháng qua trên TikTok và có hơn 200.000 bài đăng trên Instagram.

    Thất nghiệp vui vẻ là trào lưu phổ biến đối với giới trẻ trên toàn thế giới khi thứ tự ưu tiên của họ dành cho công việc và cuộc sống đã thay đổi. Ảnh minh họa: Phương Lâm
    Thất nghiệp vui vẻ là trào lưu phổ biến đối với giới trẻ trên toàn thế giới khi thứ tự ưu tiên của họ dành cho công việc và cuộc sống đã thay đổi. Ảnh minh họa: Phương Lâm

    Vậy đâu là lý do khiến trào lưu này trở lại sau 15 năm? Câu trả lời không chỉ nằm ở bức tranh kinh tế, mà còn thể hiện trong thái độ thay đổi của lực lượng lao động.

    Đại dịch đã đảo ngược thứ tự ưu tiên của mọi người về công việc và cuộc sống. Các cuộc khảo sát cho thấy nhiều người cảm thấy vừa kiệt sức, vừa mất hứng thú trong công việc. Vì vậy, khi có cơ hội nghỉ ngơi, một số sẽ không do dự nắm bắt.

    Theo cuộc khảo sát của trang tuyển dụng ZipRecruiter vào tháng 1/2023 với hơn 2.000 người trưởng thành ở Mỹ đã mất việc trong nửa cuối năm 2022, khoảng 28% cho biết dự định nghỉ ngơi dưới một hình thức nào đó, trước khi bắt đầu công việc tiếp theo.

    Julia Pollak, nhà kinh tế tại ZipRecruiter, cho biết vì khoảng thời gian gián đoạn trong sơ yếu lý lịch không còn bị kỳ thị như trước, và các công việc tự do ngày càng phổ biến, “thất nghiệp vui vẻ” nghe có vẻ hoàn hảo đối với một số người.

    “Bây giờ mọi người tự do hơn trong quyết định tham gia hay rời khỏi thị trường lao động”, bà Pollak nhận định.

    Còn Suzy Welch, giáo sư tại Đại học New York (Mỹ), nói với CNBC rằng mặc dù Gen Z không chủ động thúc đẩy tình trạng thất nghiệp, nhưng quan điểm của họ về vấn đề này đã thay đổi khác xa so với các thế hệ trước.

    “Gen Z không sợ hãi, không quay cuồng, cũng không rối trí khi thất nghiệp. Thất nghiệp với họ chỉ đơn giản là thất nghiệp. Họ sẽ tận hưởng nó cho đến khi có công việc mới”, bà Welch nói.

    Thái độ này bắt nguồn từ việc nhiều người thuộc Gen Z có cái nhìn ngắn hạn hơn về tương lai và không còn quá phụ thuộc vào chủ lao động.

    “Họ không tin rằng mình sẽ làm việc ở một công ty đến hết đời”, giáo sư giải thích.

      Đánh giá

      Theo: Mỹ Trinh - Phương Thảo

      Nguồn: zingnews.vn

      Để lại lời nhắn của bạn
      • Đánh giá

      Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

      Scroll Top